Bất chấp việc ra mắt trong thời kỳ thế giới đang khủng hoảng vì đại dịch COVID-19, Valorant đã cho thấy những bước phát triển "thần tốc" xuyên suốt hơn 2 năm vừa qua nhưng liệu tựa game của Riot đã sẵn sàng vượt mặt huyền thoại CS:GO để vươn mình trở thành tựa game FPS Esports hàng đầu?
Quay ngược trở lại thời điểm thông tin về Valorant được công bố với tên gọi ban đầu là Project A, dù muốn hay không thì nó buộc phải trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với CS:GO. Điều này đã dẫn đến vô số các cuộc tranh luận về việc trò chơi nào vượt trội hơn tới từ cộng đồng game thủ. Nhưng dù sao chúng ta cũng đều phải thừa nhận rằng thật khó để đưa ra kết luận vì cả hai trò chơi đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng.
Mặc dù không đem đến cho cộng đồng bản cập nhật Source 2 vốn rất được mong đợi, tính cho đến thời điểm hiện tại CS:GO vẫn có được một năm cực kỳ thành công. Bản phát hành gần đây của Revolution Case đã lập một kỷ lục mới về số lượng active player, vượt qua kỷ lục trước đó được chính CS:GO thiết lập ba năm trước với mức cao nhất là 1.320.219 người chơi.
Nhưng bất chấp việc một kỷ lục active player mới đã được thiết lập, nhưng hệ sinh thái Esports của Counter-Strike đã chứng kiến sự sụt giảm về lượng người xem trong hai sự kiện gần đây, BLAST Premier Spring 2023 và IEM Katowice 2023, so với năm ngoái. Vẫn còn phải xem liệu đây chỉ là một sự sụt giảm tạm thời hay là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong đó một trò chơi bắn súng góc nhìn thứ nhất khác chiếm lấy danh hiệu tựa game FPS được xem nhiều nhất.
Các sự kiện BLAST Premier gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại về tình hình Esports của Counter-Strike vì đã có sự sụt giảm đáng kể trong số liệu thống kê về lượng người xem trung bình và cao nhất. Ví dụ: lượng người xem trung bình vào năm 2023 giảm mạnh 42% xuống còn 152.139 người xem so với 262.944 của năm trước. Điều này dẫn đến sự khác biệt đáng kể là 143.000 người xem cao điểm.
Đó có phải là hiệu ứng Brazil hay sự kiện đơn giản là kém thú vị hơn đối với khán giả? Brazil đã đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao hệ sinh thái Esports của Counter-Strike thông qua việc các kênh đồng phát của Bồ Đào Nha đã thúc đẩy lượng người xem. Tuy nhiên, điều này đã dừng lại khi MIBR bán slot tham dự BLAST của mình cho Heroic. Bất chấp những điểm yếu của đội, họ vẫn có thể thu hút lượng người xem cao nhất trong trận đấu với Natus Vincere.
Theo báo cáo từ Dexerto, lượng người xem cao nhất của các chương trình phát sóng bằng tiếng Bồ Đào Nha đã giảm 69%, từ 121.087 đối với BLAST Premier: Spring Groups 2022 xuống chỉ còn 37.067 vào năm 2023. Sau chương trình phát sóng bằng tiếng Bồ Đào Nha, chương trình phát sóng của Nga cũng chứng kiến lượng người xem giảm với tỷ lệ rơi vào khoảng 53% trong năm 2023.
So sánh lượng người xem IEM Katowice
Thật không may, kịch bản tương tự đã xảy ra ở IEM Katowice 2023, nơi mà lượng người xem vẫn sụt giảm bất chấp đây là một trong những sự kiện lớn nhất trong năm của Counter-Strike. IEM Katowice 2022 đã thu hút nhiều người xem hơn với thời lượng phát sóng ít hơn, từ hơn 1.100.000 người xem cao điểm xuống chỉ còn 700.000 là đủ để đặt câu hỏi về tương lai lâu dài của hệ sinh thái Esports CS:GO.
Mặc dù sự kiện chứng kiến sự ra đi sớm của những tên tuổi lớn như FaZe Clan & Team Vitality, nhưng nó không thể là lời giải thích chắc chắn cho việc giảm lượng người xem vì sự kiện vẫn có các đội xếp hạng cao nhất tham gia. Bất chấp sự sụt giảm, đây là sự kiện không phải Major phổ biến nhất trong vòng sáu tháng qua, vượt qua ESL Pro League Season 16 và nhiều giải đấu BLAST Series có lượng người xem cao nhất, bao gồm cả BLAST Premier: World Final.
Điều gì đang chờ đợi ở phía trước?
Vẫn còn quá sớm để kết luận liệu CS:GO có đang đi xuống hay không vì có một số sự kiện sắp diễn ra có khả năng ảnh hưởng đến mức độ phổ biến của nó. ESL Pro League Season 17 và IEM Series ở Brazil dự kiến sẽ tạo ra số lượng lớn do sự phổ biến của trò chơi trong khu vực và BLAST.tv Major ở Paris, một sự kiện độc đáo của đất nước này và điều đặc biệt đáng chú ý khác là vì nó có sự hỗ trợ của không ai khác chính là Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron.
Trong khi số lượng của CS:GO có thể dao động, Valorant đang dần tạo được chỗ đứng khi môi trường cạnh tranh của nó tiếp tục phát triển. Kể từ khi phát hành hai năm trước, game bắn súng của Riot Games đã thu được những con số ấn tượng, và VCT circuit của nó đã đạt được phạm vi tiếp cận toàn cầu đáng kể. Không giống như Counter-Strike, Valorant đặc biệt phổ biến ở châu Á và đây là một trong những lý do rất lớn giúp tăng thêm số lượng người xem giải.
Valorant: Phạm vi tiếp cận toàn cầu, Lượng người xem cao
Thời gian để chứng minh là rất quan trọng trong cả hai trò chơi và trớ trêu thay, thế giới thực lại phản ánh chính xác điều này. Khi đại dịch ập đến, nền CS:GO Bắc Mỹ gặp khó khăn và việc phát hành Valorant trùng với thời điểm nó sụp đổ, cho phép tựa game của Riot thống trị khu vực. Trong năm đầu tiên Valorant bước chân vào hệ sinh thái Esports toàn cầu, trò chơi đã thu hút một số lượng đáng kể cựu tuyển thủ CS:GO chuyên nghiệp, những người coi đây là cơ hội để tìm kiếm thành công trong một "chân trời" mới. Mặc dù nhiều người trong số họ không được coi là những người chơi hàng đầu, nhưng các tổ chức đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của hệ sinh thái Esports của Valorant. Nhiều tổ chức đã nhận ra cơ hội đầu tư vào một trò chơi mới, đặc biệt là khi CS:GO đã có một cuộc cạnh tranh rất đắt đỏ suốt bao lâu nay. Ngoài ra, Valorant thân thiện với nhà tài trợ hơn CS:GO, khiến việc đầu tư vào nó trở nên hấp dẫn hơn.
Tình hình cũng tương tự ở khu vực châu Á, nơi CS:GO hầu như không có sự hiện diện nào ngoại trừ ở Trung Quốc, nơi nó phải vật lộn để giành được sức hút do sự thống trị của các trò chơi MOBA. Tuy nhiên, Riot Games đã thành công trong việc thâm nhập thị trường với Valorant. Thậm chí, ở giải đấu Valorant Champions 2021 đã có sự góp mặt của 5 đội đến từ Châu Á trên tổng số 16 đội tuyển tham dự; vào năm sau, con số này đã tăng lên thành 6 đội.
Đánh giá lượng người xem của Valorant
Giải Valorant Champions đầu tiên vào năm 2021 đã đã thu hút trung bình 469.083 người xem trong khi đạt đỉnh hơn một triệu trong loạt trận Chung kết. Vòng Bán kết cũng vượt quá một triệu người xem trực tiếp trên các nền tảng khác nhau. Đó chắc chắn là những con số cao và thậm chí còn tăng ở Valorant Champions 2022 với lượng người xem cao nhất tăng gần 50%, đạt 1,5 triệu với 525.817 người xem trung bình.
Việc chọn chuỗi giải Valorant Champions không phải là ngẫu nhiên, mà là để cho thấy sự tăng trưởng của lượng người xem trong vòng một năm và tiềm năng phát triển lớn hơn nữa. Có thể không công bằng khi so sánh sự kiện lớn nhất trong Valorant với một giải đấu ít quan trọng hơn trong CS:GO; vì điều đó chúng ta hãy xem một ví dụ tốt hơn.
Hai sự kiện lớn nhất vừa qua có những con số tương tự nhau một cách đáng kinh ngạc, điều này cho thấy rằng Valorant đang nhanh chóng bắt kịp người tiền nhiệm của nó, Counter-Strike. Thật không may cho Counter-Strike, xu hướng sụt giảm lượng người xem lặp đi lặp lại sau mỗi giải Major không phải là điềm báo tốt cho tương lai của trò chơi. Mặc dù lượng người xem trung bình vẫn ổn định, nhưng lượng người xem cao nhất đang giảm dần.
Vì vậy, Valorant sẽ vượt qua CS:GO về lượng người xem? Điều đó ngày càng có khả năng xảy ra chỉ là không sớm thì muộn, nếu không có gì thay đổi trong Counter-Strike. Đây có thể là một "cục tức" khó nuốt trôi đối với những tín đồ trung thành của CS:GO nhưng như người ta vẫn nói, những con số không bao giờ nói dối.