Ngộ Không Đường Trên
Sau một thời gian dài gắn liền với vai trò Đi Rừng, Ngộ Không đã được sử dụng trở lại nhiều ở vị trí Đường Trên trong phiên bản 14.5. Bên cạnh đợt buff mới nhất từ Riot thì sự thay đổi hệ thống trang bị Đấu Sĩ cũng góp phần cho sự chuyển dịch này.
Ngộ Không giờ sẽ tích số Nội Tại dễ hơn khi đi đường, từ đó tạo nên lợi thế trong các pha trao đổi đầu trận. Với bộ kỹ năng, vị tướng này cũng dễ kích hoạt Tam Hợp Kiếm, từ đó có được ngưỡng sức mạnh sớm tương tự như những Đấu Sĩ khác.
Tuy nhiên, Nguyệt Đao mới chính là món làm nên sự khác biệt cho lối chơi này. Lượng Sát Thương lớn nhờ Sát Lực cũng như khả năng tạo Lá Chắn của Nguyệt Đao mang đến nhiều giá trị cho Ngộ Không ở giai đoạn giao tranh giữa trận. Sau đó, vị tướng này mới trở lại các món thông dụng như Giáo Thiên Ly, Rìu Mãng Xà… và ngọc bổ trợ cũng không khó chọn với Chinh Phục là thứ phù hợp nhất.
Poppy Nguyệt Đao
Sự bá đạo của Nguyệt Đao cũng mở ra lối chơi cực kì mới lạ cho vị tướng khác ở Đường Trên, đó chính là Poppy. Với lượng Sát Thương trao đổi lớn ở đầu trận, Poppy sẽ khiến cho đối thủ bất ngờ với kiểu lên trang bị này và luôn đảm bảo có nhiều lượng Lá Chắn từ chiêu thức tới Nội Tại trang bị.
Tiếp theo đó, Băng Giáp Vĩnh Cửu. là trang bị thứ hai nên được hướng tới vì cũng có thêm lượng Lá Chắn lớn khi kích hoạt. Để tối đa hóa Lá Chắn, Giáp Tâm Linh cực kì phù hợp ở món thứ ba dành cho Poppy. Không những có chỉ số tốt, bộ trang bị này cũng khá rẻ, cung cấp các chỉ số cần thiết và giúp Poppy sớm đạt ngưỡng sức mạnh. Tim Băng, Giáp Liệt Sĩ… là những món còn lại về giai đoạn cuối trận.
Với chất tướng như Poppy, lựa chọn ngọc Quyền Năng Bất Diệt là điều dễ hiểu, qua đó cung cấp thêm khả năng trao đổi khi đi đường cũng như bổ sung sự cứng cáp khi chưa lên trang bị chống chịu.
Volibear Đi Rừng
Riot đã có đợt buff trong 14.4 để Volibear trở lại vai trò Đi Rừng và ngay lập tức vị tướng này tạo được điểm nhấn với một lối chơi mới. So với cách lên trang bị khi đi Đường Trên, Volibear Đi Rừng có những sự khác biệt nhất định.
Theo đó, Volibear sẽ hướng đến Giáo Thiên Ly đầu tiên. Cũng như các Đấu Sĩ khác, trang bị bị này giúp cho Volibear có khả năng tranh chấp mục tiêu tốt ở đầu trận khi đạt ngưỡng sức mạnh. Bên cạnh đó, hiệu ứng Hồi Máu cũng tương tác tốt với bộ kỹ năng của vị tướng này. Sau đó, người chơi sẽ hướng lên toàn bộ các món chống chịu để Volibear trở thành tướng mở giao tranh và làm dàn chắn cho các chủ lực.
Giáp Liệt Sĩ được chọn để gia tăng độ cơ động, Tim Băng cũng là một món phổ biến trong khi Găng Tay Băng Hỏa, Giáp Tâm Linh cũng là lựa chọn không tồi. Với khả năng gank sớm ở đầu trận, Volibear sẽ tận dụng tốt ngọc Sẵn Sàng Tấn Công để tạo nên những pha dồn sát thương bất ngờ, tạo hiệu quả lớn cho các pha trao đổi ngắn khi tiến ra đường.
Jayce Gươm Thức Thời
Những đợt gia tăng Sát Thương gần đây từ Riot đã giúp cho Jayce trở lại nhiều hơn, nhưng là ở vai trò Đường Giữa. Vị tướng này đang được nhiều cao thủ tin dùng để đối đầu các Pháp Sư mạnh trong meta, đi kèm với đó là một lối xây dựng trang bị mới lạ.
Bỏ qua Nguyệt Đao, trang bị được hướng đến đầu tiên trong lối chơi Sát Lực của Jayce sẽ là Gươm Thức Thời. Không chỉ cung cấp lượng chỉ số cần thiết, trang bị này còn mang đến Tốc Độ Di Chuyển và lượng Sát Lực cộng thêm từ Nội Tại cho những pha cấu rỉa của Jayce. Tiếp theo đó, Nguyệt Quế Cao Ngạo là món kết hợp cực tốt, tối đa hóa Sát Thương tầm xa của Jayce mỗi pha giao tranh.
Tất nhiên, dù phong cách nào thì Jayce cũng rất cần mana, vì thế Thần Kiếm Muramana luôn nằm trong nhóm những trang bị cần có. Để tối ưu độ cơ động, Tăng Tốc Pha sẽ là ngọc hàng đầu cho Jayce với lối chơi mới mẻ này. Ngoài ra, ngọc phụ Thuốc Thần Nhân Ba cũng là thứ giúp Jayce có thêm công cụ gia tăng độ đột biến.
Kog’Maw Cung Chạng Vạng
Là một trong số những Xạ Thủ hiếm hoi được buff ở bản 14.5, Kog’Maw đang được nhiều người chơi sử dụng với Cung Chạng Vạng là trang bị đầu tiên. Những thay đổi gần đây đã giúp món đồ mới này mạnh ở ngay đầu trận, đồng thời tương tác tốt với lối chơi của Kog’Maw.
Việc tích số nội tại trang bị dễ hơn giúp Kog’Maw không còn quá bị đàn áp khi đi đường, qua đó dễ tạo được sự ảnh hướng lên các pha giao tranh sớm. Tất nhiên, vị Xạ Thủ này vẫn thích hợp với lối chơi Xạ Thủ hiệu ứng đòn đánh thay vì cấu rỉa, do đó Gươm Suy Vong và Cuồng Đao Guinsoo là những món không thể thiếu về sau.
Nhịp Độ Chết Người là lựa chọn ngọc dễ hiểu cho Kog’Maw, bên cạnh đó vị tướng này cũng cần bổ sung độ cứng cáp nên các điểm phụ ở nhánh Kiên Định được cho là vô cùng cần thiết.
Zeri Rìu Đen
Lối chơi Zeri theo phong cách Đấu Sĩ đã trở lại trong bản 14.5 với sự kết hợp trang bị vô cùng mới mẻ so với trước đây. Theo đó, Xạ Thủ này sẽ dễ dàng kích hoạt tối đa Nội Tại Rìu Đen chỉ trong vài đòn đánh thường (Q), từ đó có lượng Xuyên Giáp cực lớn trong bất kì pha giao tranh nào.
Với tầm bắn có phần hạn chế, Rìu Đen rõ ràng cũng cho Zeri độ cứng cáp nhất định. Tuy nhiên, trước đó vị tướng này cần lên sớm Dao Điện Statikk, qua đó có khả năng đẩy đường ổn định để chơi an toàn, trước khi bước vào giai đoạn bùng nổ. Bên cạnh đó, Ma Vũ Song Kiếm cũng là trang bị có chỉ số và nội tại cực kì ăn khớp với lối chơi này của Zeri.
Cũng giống như Kog’Maw, Zeri hướng đến ngọc Nhịp Độ Chết Người để gia tăng khả năng xả Sát Thương lâu dài, cùng với đó là các điểm phụ Kiên Định để gia tăng độ cứng cáp.
Leona Huyết Trảo
Khi Cỗ Xe Mùa Đông bị giảm sức mạnh trong 14.5, nhiều người chơi nhanh chóng nhận ra trang bị Hỗ Trợ thay thế cực mạnh cho Leona, đó chính là Huyết Trảo. Đây là món mà nhiều người cho rằng phù hợp với các tướng tay dài nhưng Leona vẫn tận dụng rất tốt.
Với lối chơi mạnh mẽ, có xu hướng lao vào mở giao tranh liên tục, Huyết Trảo giúp Leona có thêm lượng Sát Thương (kết hợp với Nội Tại), đồng thời cũng khuếch đại Sát Thương cho đồng mình gây ra. Chính vì vậy, nâng cấp trang bị Hỗ Trợ này mang đến cho Leona khả năng dồn Sát Thương cực mạnh khi đi đường, đồng thời vẫn rất hiệu quả trong giao tranh.
Ở những món còn lại, Leona vẫn sẽ hướng lên trang bị Hỗ Trợ như Tụ Bão Zeka, Dây Chuyền Iron Solari. Trong khi đó, ngọc Dư Chấn là điều không thể thiếu đối với các tướng giàu hiệu ứng khống chế.