Tính cả tiền ăn, uống vào thì có vẻ như trung bình mỗi tiếng chúng ta đốt khoảng 15 ngàn đồng vào thế giới ảo. Khiêm tốn nhân 1 ngày 4 tiếng cho nửa tháng vừa chơi vừa nghỉ đi, là mỗi tháng cũng cống nạp cho game đến ngót nghét triệu bạc chưa kể các khoản đầu tư nạp thẻ mua đồ hay "nuôi gấu" khác. Xưa nay có nhiều ý kiến mỉa mai rằng: "Thực sự không hiểu cái thế giới không có thực ấy mang lại điều gì, giá trị thực tế của nó là gì để đốt tiền vào hằng ngày hằng giờ đến như thế?".
Bị vứt vào người câu hỏi kỳ thị ấy, hầu hết các game thủ hoặc là cứng họng, hoặc chỉ có thể đáp lại bằng vài ba lý lẽ rất cùn. Vậy thì bài viết này sẽ thay 500 anh em trả lời cho câu hỏi ấy, rằng game thủ chúng tôi, bỏ tiền vào thế giới ảo để nhận lại được những gì.
Một công cụ giết thời gian kiêm giải trí không thể bàn cãi
Giá trị của một đồng tiền bỏ ra không phải lúc nào cũng đắp vào người như miếng cơm manh áo mới là đáng. Cũng giống như bỏ tiền nghe một buổi hòa nhạc hay xem một bộ phim, một khi đã đứng dậy là không thấy có cái giá trị hiện vật nào bám theo người cả, mà tất cả giá trị của nó được lưu lại qua các giác quan, cảm xúc và trong ký ức.
Thú nhận đi, thời gian cách ly xã hội vừa qua sẽ "dài" đến như thế nào nếu không có game online?
Game cũng vậy, chính xác nó là một thế giới ảo, nơi mà người chơi phá bỏ hoàn toàn những giới hạn chật chội của cuộc sống đời thường, được là chính mình, được làm những điều phi thường và trở thành bất cứ ai mà mình mong muốn. Nó chính là một công cụ giải trí theo đúng nghĩa đen, giúp người chơi có thể kích thích giác quan đến mức tối đa thông qua các màn chơi, các phụ bản, từng ván đấu. Bạn luôn có thể tìm kiếm niềm vui trong bất kỳ một tựa game nào đó, dù là những game "casual" nhẹ nhàng vui vẻ như Mario, Splatoon, những tựa game "nặng ký" hơn như Bioshock, Metal Gear Solid, rồi có thể đến những tựa game dành cho gamer máu M như Dark Souls, Ninja Gaiden, rồi LMHT, rồi COD, PUBG… Tất cả chúng đều ẩn chứa một niềm vui, một sự giải trí nhất định.
Có những thứ "điên rồ"
Game là một thế giới ẩn, nơi bạn phải tìm tòi, sang tạo và đôi khi là… giải đó
Một điều nữa khá hay khi chơi game, đó là có những game giúp bạn kích thích sự sáng tạo, tìm tòi và tốt cho não bộ. Đặc trưng của điều này chính là những game giải đố, những game khiến bạn phải tìm ra nhiều hướng giải quyết khác nhau để vượt qua một chướng ngại vật nào đó, Portal, Minecraft hay Limbo chẳng hạn. Chưa kể đến những game chiến thuật hại não cực kỳ như Civilization hay Total War nữa, chúng giúp chúng ta lập các kế hoạch, các chiến thuật vô cùng đa dạng để đánh bại đối phương. Và sau tất cả, chúng ta có thể nhận ra rằng: Bạo lực không phải cách duy nhất để chiến thắng (hãy hỏi gamer Civilization ấy, họ hiểu rõ hơn ai hết).
Mở rộng "vòng tròn bạn bè" ra không giới hạn
Không ai, không một thế lực nào có thể phủ nhận rằng, game ảo có thể mang đến những mối quan hệ xã hội thật. Bạn bè hay người yêu chỉ là hai trong số đó mà thôi, còn có vô vàn các mối liên kết khác có thể được thành lập trong thế giới game, đôi khi còn không thể chỉ mặt đặt tên cho rõ. Chơi game, trừ dòng game offline ra thì chuyện giao tiếp giữa người với người đã là điều bắt buộc, game ảo chính là công cụ, là cầu nối để những sinh vật sống thực sự - là chúng ta - biết đến sự tồn tại của nhau.
Không ai là không có bạn bè trong game cả, thậm chí với sự phát triển vượt trội về công nghệ làm game thì việc kết bạn xuyên biên giới, ngồi ở Việt Nam mà vắt mồm sang tận Úc, Thái Lan hay Nhật Bản để nói chuyện đã là một điều tất-lẽ-dĩ-ngẫu rồi. Rồi những tình bạn nhiều năm, những đám cưới đi từ trong game ra ngoài đời thật đầy rẫy ra đấy chính là bằng chứng hung hồn nhất cho luận điểm này.
Đôi khi game online dạy ta những bài học thực tiến đắt giá, mở rộng thế giới quan
Rất khó để cắt nghĩa được điều này, nhưng không có một điều gì đi ngang qua cuộc đời chúng ta mà không để lại bất cứ một giá trị nào cả. Không phải ngẫu nhiên người ta kỳ thị game thủ, không phải ngẫu nhiên người ta áp đặt những lời cay nghiệt nhất dành cho cái thế giới ảo ấy, cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta cho rằng một chiếc vi tính, một con chuột và một chiếc bàn phím lại có thể hủy hoại cả một cuộc đời.
Hàng triệu triệu người chơi game là hàng triệu triệu câu chuyện hỉ nộ ái ố khác nhau. Có người thành công, có người vấp ngã, có người đắm quá sâu thậm chí những mất mát, những đau thương, những hủy hoại ấy là có thật, nhưng những bài học chúng ta học được từ nhau, học được từ những chuyện đơn lẻ ấy cũng là thật.
Thậm chí chính tự thân những tựa game chúng ta chơi cũng đã tiềm ẩn những bài học được cài cắm từ trong cốt truyện, từng mảnh đời nhân vật, từng nhiệm vụ, từng khung cảnh. Và qua quá trình trải nghiệm game, thế giới quan của mỗi người sẽ được mở rộng đáng kể, về nhiều ngành nghề, nhiều loại người, nhiều công việc, nhiều sự kiện đã và đang diễn ra trên thế giới chỉ bằng những cái click chuột.
Và rất rất nhiều những lợi ích khác đã được khoa học chứng minh
Dĩ nhiên là nếu bạn chơi game ở mức vừa phải. Tinh thần làm việc nhóm, khả năng quan sát, xử lý tình huống, khả năng phản xạ, giảm đau, giảm quá trình lão hóa… chính là những lợi ích của việc chơi game mà bạn có thể tìm thấy ở bất cứ trang báo điện tử nào. Tựu chung lại, điều gì cũng có hai mặt của nó, và chuyện chỉ nhìn vào một phía tốt hay xấu nhất định cũng sẽ gây nên tranh cãi mà thôi. Chúng ta hoàn toàn có thể coi cuộc sống này là một ván game, hãy dùng kinh nghiệm và bản lĩnh của mình để chiến thắng nó.