Trong giai đoạn thử nghiệm beta của Valorant, phần mềm chống cheat mà Riot sử dụng để ngăn kẻ gian hack Valorant đã chịu rất nhiều chỉ trích, nhưng vẫn phải công nhận rằng nó hữu hiệu – Riot công bố đã khóa tài khoản của hàng chục ngàn kẻ gian sử dụng các phần mềm gian lận trong game. Đa số kẻ dùng cheat trong Valorant sử dụng các phần mềm cheat miễn phí, trong khi số ít dùng phần mềm thu phí, nhưng dù thu phí hay trả phí thì khi bị phát hiện, án phạt khóa acc, cấm phần cứng (Hardware ID ban) vẫn là thứ chờ đợi các cheater tội nghiệp này.
Khóa phần cứng là gì?
Có thể bạn sẽ hỏi “cấm phần cứng là gì?” và “liệu có cách nào để vượt qua?” Theo những gì Mọt tui được biết, khóa phần cứng hoạt động đúng như tên gọi của nó: chặn tất cả những tài khoản được tạo ra trên máy tính có phần cứng đã bị đánh dấu là “của kẻ dùng cheat.”
Việc đánh dấu phần cứng này khả thi nhờ rất nhiều phần cứng trong máy tính của game thủ có những con số nhận diện độc nhất vô nhị, và người ta có thể dùng một hoặc nhiều con số để tạo thành một “dấu vân tay” cho máy tính. Tuy nhiên chúng ta lại không biết Riot tạo ra “dấu vân tay” cho máy tính của game thủ dựa trên những những thông tin nào, nên việc thử nghiệm hẳn sẽ khá tốn kém. Ngoài ra dù một số phần mềm gọi chung là spoofer cho phép thay đổi các thông tin phần cứng đã tồn tại, nhưng chúng khá đắt đỏ và thường chỉ có thể thay đổi tạm thời.
Vì lý do chi phí mua phần cứng mới hoặc thuê phần mềm khá lớn nên khóa phần cứng là một giải pháp rất hiệu quả trong việc xử lý kẻ gian lận trong game. Bên cạnh đó, một chướng ngại cực lớn trong việc đổi các thông số nhận diện phần cứng – chẳng hạn địa chỉ MAC của card mạng – để chơi Valorant là Vanguard hoạt động ở mức kernel 0 và chạy ngay khi bạn mở PC nên nó sẽ hoàn toàn có thể chặn bạn trước.
Điều này có nghĩa là nếu cần thiết, Riot hoàn toàn có thể làm cho phần mềm chống cheat này lấy được địa chỉ MAC thật từ trước khi bạn bật phần mềm giả địa chỉ MAC! Vanguard cũng có rất nhiều biện pháp kiểm tra máy ảo và dù về lý thuyết bạn có thể cho Vanguard chạy trên máy ảo để né án phạt khóa phần cứng, nó vẫn là vấn đề rất nhiều game thủ muốn hack Valorant không thể vượt qua.
Giấc mộng của kẻ hack Valorant tan vỡ như thế nào?
Với các cheater Valorant, sau khi bị khóa phần cứng thì chúng sẽ vẫn có thể chơi được Valorant với một tài khoản mới, nhưng chỉ sau vài trận đấu là hệ thống của Riot sẽ phát hiện và tống khứ những kẻ này khỏi game, bất kể có dùng cheat hay không. Tuy nhiên, những kẻ này đã hết sức vui mừng khi nghe tin Riot sẽ tha thứ cho chúng sau khi game phát hành chính thức. Niềm tin này đến từ mẩu tweet của nhà phát triển phần mềm chống cheat của Riot là ông Matt Paoletti, nói rằng “các án phạt khóa phần cứng sẽ được xóa bỏ cho hầu hết game thủ sau giai đoạn closed beta.”
Vậy là sáng ngày 2/6 vừa qua, các cheater ngây thơ bị khóa acc do hack Valorant trong giai đoạn closed beta hí hửng trở lại với game, tạo tài khoản mới và “chiến” game – Mọt không rõ họ có tiếp tục dùng cheat hay không, nhưng một bất ngờ không thú vị chút nào đang chờ đợi:
Tất cả những kẻ đã từng dùng cheat trong giai đoạn closed beta của Valorant và bị khóa phần cứng đều thông báo rằng một lần nữa chúng lại bị khóa tài khoản và đá khỏi game sau vài trận đấu. Nhiều người trong số này thậm chí tìm đến tổng giám đốc Riot là ông Nicolo Laurent (các nhà sáng lập Riot nay bỏ vị trí quản lý để tiếp tục làm game):
“Tôi là một trong số những game thủ đã dùng cheat miễn phí và rất hào hứng được nghe rằng chúng tôi sẽ có cơ hội thứ hai để học bài học của mình, và tôi đã học được bài học đó. Hôm nay tôi thử chơi với một tài khoản mới và bị đuổi ra với tin nhắn “bạn đã bị cấm khỏi Valorant.” Đây là một sai sót hay các anh không hủy án phạt?”
Như bạn có thể thấy trong hình trên, đáp án mà kẻ hack Valorant nọ nhận được hết sức phũ phàng: không có cơ hội thứ hai cho kẻ gian lận.
Điều này khiến ông Matt Paoletti phải đính chính thông điệp của mình, rằng những người được xóa án phạt khóa phần cứng là những người thử nghiệm các phần mềm cheat một vài lần như Phillip Koskinas (một nhà phát triển phần mầm chống cheat), nhưng những kẻ sử dụng các phần mềm cheat miễn phí lẫn thu phí đều sẽ tiếp tục bị khóa phần cứng trong thời hạn vô tận.
Vậy là giấc mộng trở lại với Valorant của các cheater đáng thương đã tan vỡ sau khi nhận được đáp án từ các thành viên Riot. Quả là một ngày buồn cho những kẻ mắc bệnh gian lận, những kẻ hoàn toàn không xứng đáng có một cơ hội thứ hai.
Tuy nhiên những người hack Valorant này cũng không phải chỉ toàn phá hoại. Nếu xem xét theo một khía cạnh tích cực hơn, những cheater này đã giúp đỡ Riot kiểm nghiệm năng lực phát hiện gian lận của Vanguard và từ những dữ liệu thu thập được, hẳn Riot sẽ biết được mình phải đối mặt với những kiểu gian lận nào khi phát hành game FPS, thể loại mà họ chưa từng vận hành trước đây.
Cuối cùng, Mọt muốn nói rằng cheat không hẳn là xấu – nó có thể đem lại sức sống mới cho những tựa game offline, nơi bạn vui với chính mình và chẳng làm ảnh hưởng đến ai ngay cả khi quậy “banh xác” trò chơi. Còn nếu bạn muốn cheat trong một tựa game, đừng dùng những phần mềm bên ngoài vì đó chỉ là hạ sách. Thượng sách là hãy không ngừng luyện tập trong game, học hỏi từ pro để nâng trình độ của mình lên đến mức “như cheat.” Nếu làm theo cách này, không sớm thì muộn bạn sẽ có thể cười vào mũi những đối thủ kêu gào bạn dùng cheat, trong khi đó chỉ là kỹ năng của bạn mà thôi!