Ở nhiều quốc gia trên thế giới, Esports đã được thừa nhận giống như những môn thể thao truyền thống. Do đó, các giải đấu Esports cũng đã chuyển đổi hình thức sang thương mại hóa, tức nhượng quyền thương hiệu.
Nhượng quyền thương hiệu - Xu hướng mới của Esports
Tháng 1/2016, Riot chính thức công bố giải đấu LMHT lớn nhất Bắc Mỹ LCS (League of Legends Championship Series) sẽ áp dụng hình thức nhượng quyền thương hiệu lần đầu tiên trong lịch sử Esports. Sau đó không lâu, Activision Blizzard tiếp tục thông báo về một hệ thông giải đấu định danh thương hiệu dành cho 2 tựa game Overwatch và Call of Duty (Overwatch League - 2018 và Call of Duty League - 2020).
Đại diện của Riot Games cho biết: “Chúng tôi đã cân nhắc chuyển sang mô hình nhượng quyền kinh doanh giải đấu từ năm 2018. Chúng tôi đã xem xét nhiều mô hình khác nhau và tính pháp lý của các tổ chức thông qua việc hợp tác với một số tập đoàn. Thông qua việc này, điều chúng tôi hướng tới là tạo sự ổn định và thu hút đầu tư cho các đội tuyển cũng như giải đấu nhằm cải thiện khả năng cũng như tạo một vòng tròn phát triển. Giống như bóng chày hay bóng đá, chúng tôi hy vọng rằng thể thao điện tử cũng sẽ trở thành một môn thể thao được nhiều thế hệ theo dõi.”
Vào tháng 2/2020, Riot Games Hàn Quốc đchính thức áp dụng mô hình nhượng quyền kinh doanh – Franchising cho giải đấu LCK bắt đầu từ mùa giải 2021. Mô hình này đã từng được áp dụng cho khu vực Bắc Mỹ, Trung Quốc năm 2018 và Châu Âu năm 2019. Trong số 4 khu vực lớn, Hàn Quốc là khu vực áp dụng theo mô hình này muộn nhất.
Nhượng quyền thương hiệu đem lại sự phát triển ổn định cho Esports
Trước khi nhượng quyền thương mại bắt đầu, các tổ chức Esports muốn duy trì đội tuyển của mình sẽ phải tìm kiếm những nguồn thu nhập từ những tài trợ, quảng cáo và các khoản tiền thưởng từ các giải đấu mà họ tham dự.
Riot Games đã đề xuất một vòng tròn phát triển, nơi mà các đội tuyển, tuyển thủ lẫn người hâm mộ có thể tận hưởng cùng nhau qua nhiều thế hệ. Khi mô hình này được áp dụng, sự thay đổi lớn nhất sẽ là xóa bỏ vòng thăng hạng và xuống hạng. Đây là điều cốt lõi bởi việc lên – xuống hạng sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc đầu tư quản lý của tổ chức. Các tổ chức sẽ có nhiều cơ hội để đầu tư vào các sản phẩm cũng như tài trợ của mình vì có thể yên tâm với vị trí của mình. Lợi nhuận của giải đấu cũng sẽ được chia cho các đội tuyển tham dự để họ có thể hình thành cấu trúc tài chính ổn định hơn.
Khi mà doanh thu tăng, các đội tuyển có thể đầu tư vào chất lượng đội hình với một đội ngũ mạnh nhất có thể. Ngoài ra, các đội tuyển còn được yêu cầu xây dựng đội hình dự bị để đảm bảo tương lai phát triển. Với việc các đội tuyển cũng như tuyển thủ tập trung vào việc thi đấu ở một môi trường cạnh tranh như vậy thì sẽ có nhiều khả năng sản sinh ra những tuyển thủ ngôi sao, từ đó tiếp tục thu hút các khán giả tiếp tục gắn bó với tựa game này.
Nhượng quyền thương hiệu là một chiến lược phát triển hỗn hợp bao gồm marketing, phân phối và kinh doanh. Trong đó, tổ chức sở hữu thương hiệu (bên nhượng quyền) cấp phép cho cá nhân hoặc doanh nghiệp (bên nhận quyền) quyền kinh doanh, dựa trên tài sản trí tuệ, qua đó giúp phát triển nhận biết thương hiệu và gia tăng về tài chính giữa hai bên.
Mô hình này đảm bảo môi trường đầu tư an toàn, bền vững, bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư và từ đó nâng cao giá trị cũng như chất lượng giải đấu. Franchising vốn đã được áp dụng với thể thao truyền thống, và được các nhà phát triển game bắt đầu nhắc đến vào năm 2017. Hiện tại, toàn bộ các khu vực lớn là LCS, LEC, LPL và giờ là LCK đều đã chuyển sang hình thức nhượng quyền thương mại.
Sự thay đổi này cũng mang đến nhiều quyền lợi cho các tuyển thủ khi họ sẽ được đảm bảo nguồn thu nhập ổn định hơh. Tiêu biểu như ở giải đấu LCK, mức lương tối thiểu của người chơi là 20 triệu KRW (~16,180 USD ~ 428 triệu VNĐ) và con số này đã tăng ít nhất gấp 3 lần lên 60 triệu KRW (~48,540 USD ~ 1,28 tỉ VNĐ) sau khi giải đấu chuyển sang hình thức nhượng quyền thương hiệu.
Việc nhượng quyền thương hiệu cũng kéo theo nhiều tổ chức thể thao truyền thống đầu tư vào Esports. Thậm chí, ông chủ của các đội bóng tại NBA, NFL cũng đầu tư vào các đội tuyển thể thao điện tử hàng đầu tại Bắc Mỹ.
Trở ngại lớn nhất
Nhượng quyền thương hiệu đem đến nguồn tài trợ ổn định, các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư hơn vì ít gặp rủi ro. Tuy nhiên, đây lại là rào cản lớn cho những cá nhân hay tổ chức muốn nhảy vào thị trường này.
Để có được một suất thi đấu trong hệ thống đã được thương mại hóa, một cá nhân hay tổ chức sẽ phải bỏ ra một khoản tiền khổng lồ do giải đấu không có cơ chế lên xuống hạng. Điều này cũng phần nào giảm sức cạnh tranh và sự hấp dẫn ở một số giải đấu, bởi các đội sẽ không cần phải chiến đấu hết mình để trụ hạng.
Việc bổ sung đội tuyển không phải lúc nào cũng đem lại kết quả tích cực, bởi chúng có thể khiến chất lượng giải đấu đi xuống, đồng thời bào mòn thể lực của các tuyển thủ và những người tham gia và vận hành.
***
Dù vẫn còn một số bất cập chưa thể khắc phục, nhưng tựu chung nhượng quyền thương hiệu vẫn đánh dấu một bước tiến lớn trong sự phát triển của Esports. Những vấn đề nổi cộm trước giờ như nợ lương chắc chắn sẽ được giải quyết, thêm vào đó là sự đầu tư bền vững cho các tổ chức Esports. Quan trọng hơn cả, nhượng quyền thương hiệu đã giải quyết hiện tượng nhiều đội tuyển thường "nhảy" từ nhà tài trợ này sang nhà tài trợ khác. Mỗi lần chuyển đều thay đổi tên, đánh mất cái giá trị cốt lõi cho thương hiệu của tổ chức.