Câu nói này có khiến bạn liên tưởng đến điều gì không? Phải rồi, trong mấy bộ truyện manga, khi chúng ta theo dõi thằng nhóc nhân vật chính như Naruto, Luffy... vượt qua hàng loạt thử thách gian nan, vượt qua cả chính bản thân mình để cố gắng chinh phục ước mơ của cuộc đời.
Đó cũng là ước mơ của Lê Quang Duy - hay còn được giới chơi game biết đến với cái nick name "SofM". Sau 8 năm thi đấu chuyên nghiệp, ngày 28/8/2020, cậu đã đạt được ước mơ của mình khi lần đầu tiên cùng đội tuyển Suning giành được một suất tham dự giải đấu Chung kết Thế giới Liên Minh Huyền Thoại. Đây là giải đấu lớn nhất hàng năm, quy tụ những người chơi và đội tuyển xuất sắc nhất và có giá trị hàng triệu đô tiền thưởng.
Ở Việt Nam, cậu là tuyển thủ duy nhất thi đấu thành công tại một khu vực nước ngoài. Đằng sau vẻ mặt bánh bao dễ thương lại là một bộ óc tính toán siêu việt. Cậu được mệnh danh là thần đồng, vua trò chơi khi mới chỉ 13 tuổi. Nhưng ngay cả đến chiến binh vĩ đại nhất: Achilles cũng có điểm yếu của mình, và SofM cũng vậy. Cậu cũng cần thời gian để trưởng thành, để nhận ra đây là một trò chơi thi đấu đồng đội và khi thiên thời - địa lợi - nhân hòa, SofM cuối cùng cũng đã thành công.
Và đây là câu chuyện của một cậu bé trưởng thành từ việc chơi game, được kể lại từ những câu chuyện tôi biết về cậu.
Chúng ta đều biết rằng thần đồng có ở mọi lĩnh vực: toán học, âm nhạc, thể thao... còn SofM có thể coi là thần đồng ở lĩnh vực game. Cậu có cách tư duy và nhìn nhận vấn đề trong game... khác với người bình thường. Đối với chúng ta, chơi game là để giải trí, có trận thắng có trận thua. Đối với SofM, cậu chơi game là để giành chiến thắng. Và để làm điều đó, cậu sẽ quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất của trò chơi để giành được lợi thế trước đối thủ.
Năm 2012, SofM thi đấu cho đội tuyển GameTV ở vị trí đường trên. Đó quả là một màn ra mắt ấn tượng, GameTV đối đầu Saigon Jokers - đội tuyển LMHT mạnh nhất khi đó khi vừa vô địch Đông Nam Á, tập hợp những tuyển thủ xuất sắc nhất, đặc biệt là lão làng đường trên "QTV". Ấy vậy mà vị tướng Rengar của SofM đã khiến cả đối thủ lẫn bình luận viên phải há hốc mồm khi có thể nhảy được hai lần, khiến QTV bực đến mức đập chuột và đi ra ngoài ngay cả trong khi trận đấu đang diễn ra (thực chất đây là một lỗi mà cậu nhóc đã cố tình sử dụng để lấy lợi thế). Tuy kết quả cuối cùng toàn đội vẫn thua nhưng cái tên SofM bắt đầu được chú ý từ đây.
Vào một buổi chiều năm 2013, tôi có ghé thăm qua một phòng net - nơi mà SofM và đội tuyển mới Full Louis của mình đấu tập với một đội tuyển bên Singapore (SGS). Khi đó, SofM cầm tướng Kha’Zix đối đầu với Akali của Tofu ở đường trên. Cậu thiết lập một bảng ngọc 25 Sức Mạnh Phép Thuật (AP) cho Kha’Zix (vốn là vị tướng với các chiêu thức sát thương vật lý là chủ yếu) khiến tôi hết sức tò mò.
Sau trận đấu, tôi mới hỏi SofM rằng có phải cậu để nhầm bảng không hay có ý đồ gì khác. Lúc đó, cậu ta giải thích rằng bảng ngọc sát thương vật lý chỉ cộng tối đa là 15 số, trong khi sát thương phép thuật thì là 25; chiêu nội tại và kĩ năng W hồi máu của Kha’Zix thực chất lại mạnh theo chỉ số sức mạnh phép thuật; chưa hết đường trên thì lại có rất nhiều bụi cỏ để chiêu nội tại của Kha’Zix được hồi lại liên tục.
Chỉ trong một trận đấu ngắn ngủi như vậy nhưng SofM đã khiến tôi cảm thấy bất ngờ và khâm phục trước những tính toán của cậu nhóc này. Ở nhà, mẹ của SofM nói rằng cậu rất khá môn toán, thường chỉ mất 2/3 thời gian là đã hoàn thành xong bài thi. Khả năng tư duy logic và kĩ năng tính toán đã giúp cậu sau này trở thành bậc thầy đi rừng, khi vừa có thể tính toán thời gian vòng rừng mà vẫn đảm bảo được lợi thế cho toàn đội.
Và cậu nhóc đó cứ tiếp tục phát triển kỹ năng của mình qua từng trận đấu.
Ở Việt Nam vào giai đoạn 2013 đến 2015, nếu Saigon Jokers (SAJ) là đội tuyển nổi bật ở khu vực phía Nam thì SofM và đội Full Louis (FL) luôn nổi bật ở phía Bắc. Cả hai đội thường xuyên là kỳ phùng địch thủ và FL luôn nằm trong top 4 đội mạnh nhất của giải đấu.
Huấn luyện viên Hàn Quốc "Lee In Cheol" thời còn dẫn dắt đội tuyển Saigon Jokers đã rất nhiều lần gửi lời mời đến SofM, nhưng chỉ vì tình cảm gắn bó và tâm nguyện vô địch chưa hoàn thành với những người anh em, đồng đội thân thiết ở đội tuyển FL mà SofM đã từ chối. Đối với SofM, đó là điều làm cậu luôn cảm thấy bứt rứt.
Ở vị trí đi rừng, mặc dù SofM có thể giúp đội giành lấy rất nhiều lợi thế trong khoảng 15 phút đầu tiên của trận đấu, nhưng không thể nào chuyển hóa những lợi thế đó thành bàn đạp thắng lợi như các đội tuyển đẳng cấp trên thế giới vận hành. Khi kết thúc giai đoạn đi đường, cả đội nhanh chóng đánh mất lợi thế hoặc giao tranh bất lợi. Nếu SofM bị bắt bài hoặc không có lợi thế, tình trạng đó còn diễn ra nhanh hơn.
Chính bởi vậy trong giai đoạn này, mặc dù vị trí đi rừng có thể là phù hợp nhất với SofM nhưng để đạt mục tiêu vô địch và phù hợp với vai trò trong đội, SofM không ngần ngại thử sức với những vị trí khác là đường giữa và xạ thủ. Kiến thức thấu hiểu về trò chơi và kỹ năng điều khiển, thao tác nhanh nhạy thừa sức giúp cậu làm tốt cả ở những vị trí mới.
Cậu cũng là tuyển thủ duy nhất của Việt Nam có thể đạt được top 10 bậc Thách Đấu máy chủ Hàn Quốc - nơi người ta vẫn ví von là "phòng tập thời gian" của Goku vậy. Và để làm việc đó với ping 100+ lại còn là điều khó tin hơn, khiến các game thủ và đội tuyển trên thế giới lúc này bắt đầu để mắt đến cái tên SofM nhiều hơn.
Thành tích đáng nể của SofM tại máy chủ Hàn Quốc
Mùa xuân năm 2016, tại nhà thi đấu ở Cần Thơ, đội tuyển FL và SAJ đã có một trận chung kết căng thẳng khi kéo dài đến ván thứ 5. Hai bên liên tục ăn miếng trả miếng, đáp trả nhau từng lợi thế một. Trong trận đấu cuối cùng, SofM tự tin chọn vị tướng Twitch và muốn đồng đội dồn hết tài nguyên cho mình. Kết quả cuối cùng của ngày hôm đó như một giọt nước tràn ly, cả đội quyết định giải thể vì không còn động lực thi đấu.
Lúc này, sau khi cân nhắc nhiều phương án, SofM đưa ra một quyết định vô cùng bất ngờ và táo bạo: rời Việt Nam sang thi đấu ở giải LPL tại Trung Quốc. Cậu là tuyển thủ đầu tiên xuất ngoại và có lẽ cũng là người trụ được lâu nhất, thành công nhất.
Giải đấu mùa hè 2016, SofM gia nhập đội tuyển Snake Esports (SS). Màn ra mắt của SofM đã làm kinh ngạc tất cả các đội LPL, cũng như khán giả nơi đây. Vòng bảng năm đó, cậu gần như đánh bại tất cả những người đi rừng khác, và hầu như chỉ những người đi rừng dày dặn kinh nghiệm như: Clearlove, Mlxg… mới có thể kiểm soát được "thần cướp rừng" của Việt Nam.
Cách farm rừng và lối đi gank hổ báo của SofM đã thay đổi lối chơi "rừng ăn cỏ" của khu vực Trung Quốc. SofM tính toán thời gian bãi quái rừng hồi lại một cách chính xác đến từng giây, giúp cậu có thể thoải mái cướp tài nguyên của đối thủ, buộc các đội tuyển khác phải thích nghi với đi "rừng ăn thịt".
SofM đã mang đến LPL lối đi rừng ăn thịt
Với lối tư duy độc đáo, SofM còn là người định hình ra những chiến thuật, lối xây dựng đồ cho các những vị tướng đi rừng mà chỉ có cậu mới là người biết rõ nhất: Lee Sin lên rìu Tiamat ở lần về nhà đầu tiên, Hecarim không nâng cấp đồ đi rừng... và sau này là những lối chơi phổ biến vào thời điểm hiện tại của Graves cầm Tăng Tốc Pha, Lillia cầm Thu Thập Hắc Ám.
Trong một bài báo của bên Trung Quốc, họ gọi lối đánh của SofM là: "Binh vô thường thế, thủy vô thường hình" (thành ngữ của Trung Quốc: ý chỉ binh pháp uyển chuyển như nước vậy, không hề có thế trận cố định, cũng như nước không hề có hình dạng cụ thể).
Ở mùa thi đấu đầu tiên tại Trung Quốc, cậu dẫn dắt đồng đội giành được vị trí thứ hai tại vòng bảng. Mặc dù nhận thất bại 1 - 3 trước ngựa ô LPL năm đó là IM trong vòng playoff, cũng như thất bại sau khi vắt kiệt sức trong trận Best of 10 (thi đấu liên tiếp hai cặp best of 5) ở vòng loại khu vực sau đó; màn trình diễn chói sáng của SofM không chỉ nhận được sự công nhận của đông đảo người hâm mộ mà còn giành luôn giải thưởng "Tân binh xuất sắc nhất".
Giành giải "Tân binh xuất sắc nhất" trong mùa giải đầu tiên thi đấu
Những tưởng đây sẽ là một khởi đầu ngọt ngào với SofM tại nơi đất khách quê người nhưng hiện thực sau đó lại quả là một chuỗi ngày khó khăn, áp lực còn hơn cả ở Việt Nam.
SofM như một ngôi sao lóe lên ở mùa giải đầu tiên. Ở những mùa giải tiếp theo, cả đội Snake liên tục thi đấu dưới sức so với những gì mà họ đã làm được trước đó. Mặc dù đội hình đã thay đổi rất nhiều, giữ lại bộ khung chủ yếu của cặp bạn thân Flandre - SofM nhưng từng đó là chưa đủ.
Lối chơi đi rừng ăn thịt của SofM có thể làm choáng ngợp ở thời gian đầu nhưng dần sau đó là bị bắt bài hoặc khắc chế. Bất kể là mang Jayce vào rừng, Graves farm 756 lính, hay chiến thuật 4 bảo kê 1 chỉ cần 25 phút để hạ gục WE với Rengar, những lựa chọn tướng đầy bất ngờ cùng các chiến thuật biến hóa linh hoạt làm cho những trận đấu này thực sự là hàng hiếm ở LPL. Có những trận đấu, SofM cũng thử thay đổi sang phong cách khác để hỗ trợ đồng đội nhiều hơn, nhưng lực bất tòng tâm, khi kĩ năng của đồng đội không thể đáp ứng được.
Một điểm yếu chí mạng nữa của SofM khi thi đấu bên Trung Quốc đó là vấn đề giao tiếp. Mặc dù các tuyển thủ nói với nhau một ngôn ngữ trong game nhưng những giao tiếp trao đổi trong trận đấu thì vẫn rất quan trọng, nhất là đối với một tựa game chiến thuật đề cao sự phối hợp đồng đội. Những năm đầu ở Trung Quốc, SofM phải cố gắng học tiếng Trung Quốc để giao tiếp kịp với đồng đội.
Giao tiếp là một trong những rào cản lớn nhất khi mới sang Trung Quốc
Tôi còn nhớ năm 2015, ba tuyển thủ Việt Nam và hai tuyển thủ Thái Lan kết hợp thành một đội tuyển Siêu Sao Đại Chiến, sang Úc tham gia giải đấu. Khi đó ở vị trí đi rừng, ngồi dưới khán đài, tôi nghe được rất rõ SofM kêu gọi: "2 minutes rồng" - đó là một câu lẽ ra để truyền đạt thông tin tiếng Anh cho hai người bạn Thái, nhưng thành ra lại lẫn lộn. Điều này là thực sự quan trọng vì tôi hiểu nhất là ở vị trí đi rừng - bạn gần như là người điều khiển nhịp độ trận đấu, kiểm soát mục tiêu, và bạn không thể truyền tải được thông tin bằng tiếng Trung cho đồng đội mình thì đã là một thiệt thòi hơn rất nhiều.
Trong một video tài liệu được Riot Games làm riêng cho SofM năm 2016, cậu nhóc thật sự cảm thấy cô đơn và nhớ nhà. Ở Việt Nam, cậu còn có bạn bè, anh em đồng đội, gia đình. Còn tại Trung Quốc, phần lớn thời gian sẽ chỉ dành cho việc tập luyện, thi đấu và học tiếng. Bạn gái của SofM tại Việt Nam đã lắng nghe cậu tâm sự, chia sẻ rất nhiều. Cứ mỗi một mùa giải thất bại là SofM lại cân nhắc giữa việc ở lại Trung Quốc tiếp tục thi đấu (vì còn hạn hợp đồng) hay là về Việt Nam thi đấu để thực hiện giấc mơ đi Chung kết Thế giới.
Hết mùa giải 2019, 4 năm thi đấu tại Trung Quốc với hai lần gia hạn hợp đồng với Snake - LNG, SofM một lần nữa đứng trước một quyết định quan trọng của cuộc đời cậu: tiếp tục thi đấu tại Trung Quốc hay về Việt Nam thi đấu. Và cậu đã đưa ra quyết định.
Đầu năm 2020, mùa chuyển nhượng năm đó, SofM chia tay người bạn thân Flandre, để gia nhập đội tuyển Suning. Theo thông tin tôi được biết, khi đó Suning hứa xây dựng một đội hình xoay quanh SofM để chiêu dụ cậu nhóc này về đội tuyển. Đội tuyển này cũng tuyển thêm hai tuyển thủ trẻ chưa từng đánh đấu trường chuyên nghiệp LPL là Bin và huanfeng.
Một tuyển thủ tuy dày dạn kinh nghiệm nhưng mãi chưa có thành tích gì, đến với một đội tuyển thiếu hụt tài năng thường không vào được vòng playoff. Mùa xuân năm đó, tất cả số đông đều cho rằng SofM và Suning khó có thể giành được thành tích gì. Cuối cùng, họ đã đúng khi đội kết thúc ở vị trí thứ 11.
Nhưng đến mùa hè năm nay 2020, quả ngọt đã đến với họ. 6 tháng là một quãng thời gian không dài nhưng đủ để SofM và các thành viên của Suning dần tiến bộ và hiểu lối chơi của nhau hơn. Kết quả cuối cùng của giải mùa hè, Suning top 4 vòng bảng và top 3 chung cuộc. Đây là thành tích cao nhất của SofM giành được từ khi thi đấu tại LPL.
Trong loạt trận quyết định giành vé đi Chung kết Thế giới, trận đấu của SofM đã có hơn 100 nghìn người hâm mộ Việt Nam xem cùng một thời điểm để cổ vũ cho cậu. SofM liên tiếp giành MVP của trận đấu, tiếp tục trình diễn lối đi rừng đè bẹp đối thủ Peanut bên kia chiến tuyến. Là một fan hâm mộ của cậu, là người xem các video cậu chơi xếp hạng hàng ngày bên Hàn Quốc, tôi nhận ra những gì tinh túy nhất cậu nhóc thể hiện ngày hôm đó. Đó là bản lĩnh của một thần đồng chơi game, bỏ qua tất cả những áp lực xung quanh, để dám mang vào những con bài và lối chơi mà chỉ có SofM mới dám thực hiện.
Lối đi rừng của SofM mùa này đã tự tin và lột xác hoàn toàn, khi cậu không còn tâm lý "tôi phải là người gánh đội" nữa. Giờ đây, cậu có thể an tâm chọn những vị tướng thuần chống chịu như Lee Sin lên Lời Thề Hiệp Sĩ, Giáp Tâm Linh, hay Jarvan IV, Olaf… và hỗ trợ hết sức cho những người đồng đội của mình.
Không chỉ tôi mà tất cả những ai theo dõi SofM hiện nay so với những ngày đầu sang Trung Quốc đều thấy được SofM đã lột xác đến thế nào. Nếu như trước đây phỏng vấn cậu cần có người giúp phiên dịch thì giờ đây, SofM đã có thể tự tin cầm mic để trả lời trực tiếp bằng tiếng Trung cho MC. Điểm yếu chí mạng về giao tiếp của SofM khi thi đấu đã được khắc phục hoàn toàn.
Ngày cậu nhóc thần rừng Việt Nam này đạt được ước mơ của mình cũng là ngày đánh dấu Lê Quang Duy - SofM thêm một lần nữa trưởng thành trên con đường mà cậu đã chọn. Cậu là niềm tự hào của những ai đã theo dõi cậu từ những ngày đầu tiên thi đấu. Chúng ta sẽ tiếp tục đặt niềm tin, hy vọng vào cậu nhóc này khi chứng kiến cậu thể hiện ở đấu trường quốc tế mới, tiếp tục chinh phục những nấc thang mới trong sự nghiệp thi đấu của cậu.
Ngày mà tôi nhận được email của Riot Games đề xuất về việc vẽ một bức tranh gồm các tuyển thủ và tướng tủ của họ nhân dịp kỷ niệm 10 năm, họ hỏi ý kiến của tôi ai sẽ là người xứng đáng nhất đại diện cho khu vực Việt Nam. Nếu phải chọn lại một lần nữa, tôi vẫn sẽ chọn SofM và tướng tủ Lee Sin của cậu vì chỉ có cậu mới xứng đáng hơn bất kì ai cho những nỗ lực mà bản thân cậu đã bỏ ra.
Bức tranh SofM và Lee Sin trong dịp kỷ niệm 10 năm sinh nhật Liên Minh Huyền Thoại