Trong những năm gần đây, LMHT đã chứng kiến không ít những đợt đại tu các vị tướng cũ nhiều đến mức cụm từ rework trở nên vô cùng quen thuộc trong LMHT. Đã có không ít những cái tên, sau rework trở thành niềm tự hào của Riot như Soraka hay Ryze… Nhưng thời gian gần đây, rất nhiều cái tên sau khi được rework vẫn tiếp tục bị ghẻ lạnh mà không có quá nhiều chuyển biến tích cực.
Kayle (2019)
Cái tên đầu tiên và cũng là vị tướng có hoàn cảnh bớt éo le nhất trong danh sách này chính là Kayle. Cô nàng được rework vào năm 2019 cùng với người chị em song sinh của mình là Morgana, nhưng số phận của người chị đi theo công lý lại mịt mù hoàn toàn so với cô em của mình. Phải thừa nhận rằng, Kayle và Morgana vẫn không thay đổi quá nhiều so với trước khi làm lại bởi Riot tập trung nhiều hơn về mặt hình ảnh thế nhưng Morgana thực sự vẫn được ưa chuộng ở đường dưới thay vì mất hút như Kayle.
Thời gian đầu, Kayle sau rework cực mạnh ở late game khiến không ít game thủ nghĩ rằng thời của vị tướng này đã đến. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang” và một thời gian sau, Kayle bị nerf đến thảm thương ở mọi khía cạnh cho đến khi cô nàng này không còn được ai chơi thì Riot mới dừng lại.
Niềm an ủi nhỏ nhoi dành cho Kẻ Chính Trực chính là cô nàng này lại luôn là hot pick mỗi khi xuất hiện trong Đấu Trường Chân Lý. Tuy mỗi lần debut là mỗi lần tỏ ra quá OP và ăn nerf không thương tiếc, thế nhưng chí ít cô nàng cũng được bù đắp đôi chút để được thể hiện độ bá đạo của mình tại một tựa game khác dù ngắn ngủi.
Fiddlesticks (2020)
Có những nét tương đồng với trường hợp của Kayle chính là thuỷ tổ của quỷ Fiddlesticks. Dù có những nét chấm phá về mặt cốt truyện hơn so với trước cũng như sở hữu một ngoại hình có sức nặng hơn, gây sợ hãi hơn trước, thế nhưng đó là tất cả những gì có thể nhận xét về đợt rework của Fiddlesticks.
Cùng được làm lại với Volibear, nhưng trong khi Á thần của Freljord lại trở thành hot pick ở vị trí đi rừng lẫn đi top trong các giải chuyên nghiệp thì “quỷ vương” Fiddlesticks chỉ gây tò mò đôi chút rồi sau đó biến mất hoàn toàn. Mặc dù đã từng có một khoảng thời gian Fiddlesticks trở nên OP ở đường trên nhờ khả năng trụ đường cực mạnh, thế nhưng tất cả cũng dần chìm vào quên lãng sau những đợt triệt tiêu sức mạnh đến từ Riot Game.
Hầu như game thủ chỉ còn nhớ rằng, Nỗi Sợ Viễn Cổ cũng được rework nhưng sử dụng thì gần như không, nhất là trong các trận đấu thuộc đấu trường chuyên nghiệp. Trong bản cập nhật gần đây nhất ở rank Hàn, thì Fiddlestick được pick chỉ 1,44% – con số quá thấp so với những kỳ vọng của game thủ lẫn Riot khi rework vị tướng này.
Rammus (2021)
Gần 1 năm kể từ khi Rammus được hé lộ những kỹ năng mới sau khi rework, và kết quả là… chẳng có gì thay đổi cả. Tê Tê Gai vẫn chưa thể trở lại với Summoner’s Rift dù khi đó, bộ kỹ năng được hé lộ của Rammus cho thấy hắn sẽ chuyển từ một chiếc “lốp xe” trở thành một “trái banh” khi có thể nảy lên và đáp xuống tại một vị trí trong giao tranh.
Khỏi phải nói thì việc Riot quảng cáo quá đà cho đợt rework của Rammus với tuyên bố “buff Rammus một chút ở mức rank cao” đã khiến cho vị tướng này nhận được quá nhiều sự kỳ vọng. Từ việc được dự đoán sẽ “bá đạo” sau khi rework với bộ kỹ năng khống chế diện rộng cực mạnh. Kết quả, Rammus ở thời điểm hiện tại chỉ còn được pick 2,2% ở rank Hàn, cấp độ từ Bạch Kim trở lên.
Tê Tê Gai ngoài việc lăn và nảy thì không còn công dụng nào khác. Nhưng, trong suốt từ mùa 10 đến mùa 11, lối chơi của đại đa số các đội áp dụng chính là Xạ Thủ đường trên hoặc top lane mở giao tranh mạnh. Mà như vậy thì không khác gì một “án tử” đóng thẳng vào cái tên Rammus bởi hắn chỉ có thể lao vào chịu trận với bộ kỹ năng của mình mà thôi.
Aatrox (2018)
Cùng với Akali và Irelia, đây chính là bộ 3 đường trên đường giữa biến LMHT 2018 trở thành tựa game chỉ dành cho 3 con quái vật kể trên. Có lẽ với những người chơi gắn bó LMHT từ thời điểm kể trên thì không còn xa lạ gì với sức mạnh của Aatrox. Thậm chí cơn ác mộng Aatrox còn được iG The Shy – người chơi đường trên hàng đầu thời điểm đó “làm mẫu” tại kỳ CKTG.
Khi được làm lại Aatrox đã trở nên quá mạnh với khả năng hồi sinh của mình dù trải qua biết bao lần chỉnh sửa. Mặc dù được coi là một vị tướng quốc dân ở đường trên thế nhưng lý do Aatrox có tên trong bản danh sách này chính là việc Riot đã hoàn toàn thất bại trong việc tìm được ngưỡng cân bằng dành cho vị tướng này.
Akali, Irelia vẫn là những trường hợp quá mạnh thời điểm đó. Tuy nhiên sau một khoảng thời gian cả 2 đều được đưa về mức trung bình và cần người chơi có kỹ năng cao mới có thể phát huy được sức mạnh thì Aatrox đang dần biến mất khỏi game. Thậm chí nếu xét về bộ kỹ năng, Aatrox chính là cái tên mất nhiều hơn cả khi ngay cả việc hồi sinh, lướt – thứ định hình lối chơi Aatrox trước đây cũng hoàn toàn biến mất, khiến người chơi chỉ mong rằng Riot có thể mang Aatrox trước rework quay về.
Taric
Nằm trong danh sách tướng làm lại trong năm 2016, kể từ đó đến nay Taric vẫn chỉ ghi được dấu ấn duy nhất của mình khi kết hợp cùng Master Yi để tạo nên trend nuôi Rừng mà thôi. Trước đó, Taric từng mang đến những hi vọng về một hỗ trợ vô đối, thiết lập một chuẩn mực mới cho dòng tướng này với khả năng gây khống chế đột biến, tương tác cao với đồng đội, công thủ toàn diện, sở hữu chiêu cuối tạo hiệu ứng miễn nhiễm sát thương trên toàn đội hình bá đạo.
Thế nhưng, Riot dù làm lại anh chàng nhưng vẫn để lại nguyên những điểm hạn chế của Taric khiến cho anh chàng gần như đi vào lối mòn chỉ được sử dụng thời gian đầu rồi lại bị “vứt xó”. Lý do cho việc này là bởi những điểm mạnh kể trên của anh chàng là chưa đủ khi những Alistar, Thresh, hay Leona còn có thể cung cấp nhiều hơn thế trong khi vẫn có rất nhiều độ cơ động để làm chủ giao tranh. Tuy vậy, anh chàng vẫn còn có một tia hy vọng khi lâu lâu sẽ được các đội tuyển đem ra như một quân bài khắc chế đội hình thiên về sát thương vật lý trong các giải đấu chuyên nghiệp.
Amumu
Amumu là trường hợp cực kỳ bi đát bởi kể từ sau khi được làm lại, hắn gần như trở thành một vị tướng hoàn toàn khác dù bộ kỹ năng cơ bản là được giữ nguyên. Với việc cho phép Amumu đu vào người đối phương và làm choáng đến 2 lần, Amumu đã từng rất được kỳ vọng khi rõ ràng độ cơ động và khó chịu của Amumu đã được tăng lên đáng kể. Trong những tháng đầu được làm lại, tỉ lệ thắng của Amumu đã được gia tăng lên 51.22% – con số khá cao.
Thế nhưng rồi không rõ vì lý do gì mọi chuyện bỗng trở nên xấu đi khi Amumu gần như bị lãng quên một cách khó hiểu ở khu rừng và phải khăn gói xuống vị trí hỗ trợ. Thậm chí ở vị trí mới này Amumu còn sở hữu tỉ lệ chọn ở mức chạm đáy 0.78% và tỉ lệ thắng thấp chỉ còn 48%. Có lẽ vị tướng này thực sự bị nguyền rủa như những gì mà Riot đã tưởng tượng ra bởi mọi chuyện từ sau khi làm lại vẫn rất ổn.
Có thể bạn muốn xem thêm: HLV LMHT châu Âu vi phạm nặng hơn Zeros, Dopa nhưng chỉ bị phạt 1 năm, Riot bị nghi “dung túng”?
Swain
Swain là cái tên cũng nhận được rất nhiều kỳ vọng khi được làm lại với một ngoại hình khá hút mắt hơn hình ảnh một ông già xanh lá què quặt. Tuy ăn điểm ở phần nhìn khi cho thấy được sự lọc lõi, chững chạc, bản lĩnh của một thành viên cấp cao tại Noxus thế nhưng tình hình tại Summoner Rift lại không ủng hộ Swain.
Nguyên Soái Noxus không vướng vào một số phận “bi đát” như những vị tướng khác nhưng cũng có thể xem là đang hơi hẩm hiu. Cần chú ý rằng, tỷ lệ thắng của Swain không thấp, chứng tỏ vị tướng này vẫn rất hữu dụng mỗi khi được chọn nhưng tỷ lệ thắng lên đến 48.87% trong khi chỉ được pick 1.75% khiến Riot phải lo lắng thực sự.
Điều này khiến Swain rơi vào tình cảnh chỉ được chơi bởi những boy one champ và với kỹ năng cao họ sẽ có nhiều khả năng giành chiến thắng với tướng tủ của mình mà thôi. Chính vì lẽ đó, Swain cần một đợt can thiệp từ Riot để phổ biến hơn là trở thành một vị tướng chỉ được sử dụng bởi những người chơi one champ.
Yorick
Luôn là vị tướng “trường kỳ” trong nhóm tướng hẩm hiu, ít được chọn nhất Liên Minh Huyền Thoại từ thuở sơ khai. Yorick với một bộ kỹ năng kém hoa mỹ kèm với một ngoại hình không bắt mắt đã khiến cho hắn ta luôn đội sổ trong bảng tổng sắp tỉ lệ cấm chọn. Vì thế để cứu vãn tình hình cho đứa con tinh thần của mình Riot đã thông báo đợt làm lại toàn diện giữa năm 2016, nhưng cũng chẳng thể giúp tình hình khá khẩm hơn là bao.
Nói đi cũng phải nói lại Yorick sau khi làm lại có thể làm rất nhiều thứ từ đẩy lẻ, tay đôi cực tốt, cấu rỉa ổn. Thậm chí, hắn còn thể để ma sương dẫn dắt đàn lính đẩy đường trong khi mình tham gia giao tranh ở một nơi khác, nhưng phải thừa nhận rằng tiềm năng tạo ảnh hưởng trong giao tranh tổng của Yorick ở trình độ cao gần như bằng 0.
Sát thương nếu có sẽ phụ thuộc nhiều vào kỹ năng định hướng của người chơi dù nó không có quá nhiều khác biệt nếu sử dụng chính xác trong một giao tranh lớn. Vậy nên thay vì lựa chọn một đường trên không mấy hoà đồng, các game thủ chuyên nghiệp sẽ có xu hướng lựa chọn những cái tên có thể wombo combo dù khả năng tay đôi thua hẳn Yorick một bậc đi chăng nữa.