Thật bất ngờ khi đội tuyển T1 có trụ sở tại Hàn Quốc chỉ xếp thứ 10 trong danh sách này. Ngoài LMHT, T1 còn tham gia các tựa game khác như Apex Legends, Fortnite, PlayerUnknown’s Battlegrounds, Dota 2, Valorant…
Giá trị trung bình của 10 tổ chức thể thao điện tử lớn nhất trên thế giới là 240 triệu USD. Tăng 54% so với năm 2019, nhưng doanh thu toàn ngành đã bị giảm 150 triệu USD vì dịch bệnh Covid-19 năm nay. Hầu hết các giải đấu lớn offline bị hủy bỏ, làm mất đi cơ hội bán các hàng hóa, dịch vụ liên quan cũng như khoản thu từ nhà tài trợ.
Team SoloMid (TSM) có trụ sở tại Los Angeles có giá trị 410 triệu USD, năm nay họ có doanh thu 45 triệu USD. TSM đã 7 lần vô địch Bắc Mỹ ở tựa game LMHT và nhiều tựa game khác. Hiện tại, TSM đang thống trị Valorant, chờ ngày tranh tài cùng các đội tuyển lớn trên thế giới.
Cloud9 xếp hạng nhì với trị giá ước tính 350 triệu USD, giảm 13% so với năm vừa rồi. Năm nay doanh thu của họ đạt 30 triệu USD, 70% trong số đó là từ thể thao điện tử. Các tựa game mà Cloud9 góp mặt là CS:GO, LMHT, Fortnite, Halo, Hearthstone, Rainbow 6, Super Smash Bros, Teamfight Tactics, Valorant, World of Warcraft.
Team Liquid về thứ ba, tổ chức này được định giá 310 triệu USD, giảm 3% so với năm vừa rồi. Năm nay doanh thu của họ đạt 28 triệu USD, 89% trong số đó là từ thể thao điện tử. Các trò chơi mà Team Liquid tham gia là CS:GO, Dota 2, LMHT, Fortnite, Hearthstone, PUBG, Rainbow 6, Super Smash Bros, StarCraft II, Valorant.
Tổ chức FaZe Clan xếp vị trí thứ 4, có giá trị 305 triệu USD, tăng 27% so với năm vừa rồi. Năm nay doanh thu của họ đạt 40 triệu USD, 20% trong số đó là từ thể thao điện tử. 80% còn lại nằm ở việc tạo ra các video về game từ các ngôi sao của họ. Một trong số đó là Nickmercs, anh này đang có 4,7 triệu người theo dõi trên Twitch. Streamer Nickmercs chuyên chơi Fortnite, anh đã kiếm được 6 triệu USD năm 2019. FaZe Clan có tất cả 230 triệu người theo dõi tính tổng trên mọi nền tảng mạng xã hội.
100 Thieves về thứ 5, có giá trị 190 triệu USD, tăng 19% so với năm vừa rồi. Năm nay doanh thu của họ đạt 16 triệu USD, 35% trong số đó là từ thể thao điện tử. 100 Thieves được thành lập bởi Matthew ‘Nadeshot’ Haag, nhà vô địch Call of Duty. 100 Thieves đang muốn mở rộng lĩnh vực của mình sang các môn thể thao truyền thống. Tháng vừa rồi, 100 Thieves đã ký hợp đồng với 2Hype, một ngôi sao bóng rổ. Game mà 100 Thieves tham gia tranh tài là Fortnite, Valorant, LMHT…
5 vị trí tiếp theo thuộc về Gen.G, Enthusiast Gaming, G2 Esports, NRG Esports, T1. Trong khi thể thao điện tử đang gặp nhiều khó khăn trong năm 2020 thì vẫn có những tổ chức ăn nên làm ra như FaZe Clan, 100 Thieves. Liệu năm sau có xuất hiện gương mặt mới hay sự soán ngôi ngoạn mục từ những vị trí kế cận TSM. Sự trì hoãn hoặc hủy các sự kiện thể thao điện tử năm nay, có thể sẽ dồn sang năm 2021, năm bùng nổ về số lượng khán giả mới tham gia ngành giải trí này, kéo theo đó là doanh thu tăng vọt.
Xem thêm: TSM đối đầu 100 Thieves trong trận chung kết Valorant First Strike ngày mai