Từ A đến Z về tai tiếng của Vanguard và Valorant - eSports

Đã vài tuần trôi qua kể từ khi cộng đồng game thủ sục sôi với phần mềm Vanguard của Riot, tình trạng hiện tại của phần mềm chống cheat này ra sao?

Vanguard, phần mềm chống gian lận mà Riot tạo ra cho Valorant có phương thức hoạt động rất phù hợp với cái tên của mình. Thay vì chỉ vận hành khi Valorant được bật lên và game thủ bắt đầu tham chiến, Vanguard khởi động cùng Windows và chủ động ngăn người dùng chạy những phần mềm mà nó xem là có hại, bất kể game thủ có đang chạy Valorant hay không.

Với phương thức hoạt động khá hung hãn này, Vanguard đang bị game thủ “nã pháo” vì ảnh hưởng đến việc sử dụng máy tính của họ. Nó chủ động chặn những phần mềm, driver bị xem là chứa các điểm yếu có thể bị lợi dụng bởi những kẻ tạo ra gian lận cho game. Danh sách các phần mềm bị chặn là khá dài, và vì thế nó ảnh hưởng đến một lượng không nhỏ game thủ trên khắp thế giới.

Từ A đến Z về tai tiếng của Vanguard và Valorant

Nếu bạn thuộc nhóm không sử dụng các phần mềm đó, cài đặt Valorant và Vanguard không ảnh hưởng gì (hoặc không ảnh hưởng nhiều) đến bạn. Nhưng khi những game thủ khác bắt gặp các phần mềm mà họ đang sử dụng hoặc thậm chí là phụ thuộc vào nó trong quá trình dùng máy tính bị ngăn chặn, sự tức giận là dễ hiểu. Trong bài viết này, Mọt tui muốn tổng kết lại tất cả những gì đã xảy đến với Vanguard trong vài tuần vừa qua.

Căn bản Vanguard

Vanguard là một phần mềm chống cheat có hai phần: một driver chạy ở mức “kernel” và một client (không phải client game Valorant). Trong khi client chịu trách nhiệm dò xét tìm cheat khi bạn mở Valorant, driver là vệ sĩ của client bằng cách nhìn vào các driver khác và chặn chúng nếu phát hiện ra những driver đó có điểm yếu có thể được dùng để phá hoại hoặc ngăn cản client hoạt động. Nếu driver không được khởi động cùng Windows, Valorant sẽ không tin rằng client còn “trong trắng” và vì thế không cho phép bạn chơi game.

Tất cả hỏa lực mà game thủ nhắm đến Vanguard đều tập trung vào driver này. Do chạy ở mức kernel, driver Vanguard có quyền lực cực cao trong máy tính của game thủ và luận điểm chính của những game thủ rành an ninh là việc nếu driver Vanguard bị kẻ gian công phá, chúng sẽ nắm quyền khống chế máy tính của game thủ ở một cấp độ cao hơn, tệ hại hơn nhiều so với việc một phần mềm bình thường bị xâm nhập.

Từ A đến Z về tai tiếng của Vanguard và Valorant

Trước những phản ứng của game thủ, Riot đã đưa ra một số câu trả lời. Họ cho biết lý do mình chọn cho driver Vanguard chạy ở mức Kernel là vì những phần mềm gian lận cũng chạy ở mức này, và nếu để driver Vanguard ở mức thấp hơn sẽ là một điều bất lợi cho việc chống gian lận. Riot cũng đưa ra ví dụ về những phần mềm chống cheat khác chạy ở mức kernel (dù chúng không chạy 24/24 như Vanguard) và treo giải thưởng lên đến 100.000 USD cho hacker nào có thể tìm được lỗ hổng của Vanguard.

Mọt tui
Khi Mọt "choáng" với cách Riot đặt tên rank Valorant
Mọt không bàn về thể thức thi đấu hay cách tính điểm trong hệ thống rank Valorant vì còn quá sớm để bàn về chúng, mà chỉ muốn nói về cách Riot đặt tên.

Vanguard chặn cái gì?

Sau khi theo dõi các kênh MXH của Valorant trong vài tuần qua, Mọt nhận thấy rất nhiều game thủ “kêu trời” vì Vanguard ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng máy tính của họ. Nó chặn khá nhiều driver và các driver này lại được dùng chung bởi nhiều phần mềm, nên việc thống kê cụ thể những phần mềm nào bị ảnh hưởng khi game thủ cài đặt Valorant và Vanguard có lẽ là bất khả thi.

Tuy nhiên, những phần mềm bị chặn thường xuyên nhất là những thứ tưởng chừng vô hại như điều khiển tốc độ quạt, đo nhiệt độ CPU/GPU, công cụ overclock… Lấy ví dụ phần mềm Core Temp chuyên dùng để đo nhiệt độ của các nhân CPU. Phần mềm này không hoạt động được do một driver của nó bị Vanguard chặn và Riot giải thích rằng driver đó có lỗ hổng an ninh đã được biết đến. Tác giả của phần mềm cho biết vào thời điểm đó (1/5/2020), anh không biết về bất kỳ lỗ hổng nào và sẵn sàng vá lỗi nếu tìm thấy.

300x250

Từ A đến Z về tai tiếng của Vanguard và Valorant

Trong nhiều trường hợp khác, Riot quả thực không sai khi tuyên bố Vanguard chỉ chặn các driver có vấn đề. CPU-Z là một ví dụ cho trường hợp này khi nó bị chặn và sau khi tìm kiếm, người ta xác nhận được rằng hồi tháng 2 vừa qua, một driver của CPU-Z đã bị “dính chưởng.” Như vậy, Core Temp hoàn toàn có thể là một vụ án oan sai do Vanguard nhầm lẫn, nhưng điều này không khiến việc Vanguard tự động chặn “búa xua” trong máy của game thủ trở nên dễ chấp nhận hơn.

Ở đây, cũng cần phải nói rằng những lời tố cáo của game thủ rằng Vanguard chạy gây nóng máy là không hoàn toàn đúng. Nó thật ra chỉ chặn những phần mềm được game thủ dùng để điều chỉnh tốc độ quạt hay giảm xung nhịp CPU, và việc nhiệt độ tăng lên chỉ là tác dụng phụ không mong muốn. Game thủ cũng không cần phải quá lo ngại về vấn đề này bởi linh kiện máy tính ngày nay khá bền bỉ, và Riot hứa rằng họ sẽ sớm cải thiện phương thức hoạt động của Vanguard và hỏi ý kiến game thủ khi chặn phần mềm. “Các pop up thông báo của chúng tôi hiện tại không được tốt và chúng tôi đang tìm kiếm phương thức để cho bạn được điều khiển cách Vanguard hoạt động,”  RiotArkem chia sẻ.

Từ A đến Z về tai tiếng của Vanguard và Valorant

Một số game thủ khác tố cáo Vanguard khiến chuột, phím không hoạt động được và khiến họ không thể đăng nhập vào Windows. Một game thủ đã phát hiện ra đây là một vấn đề có liên quan tới một driver gọi là Interception và có vẻ như một lần nữa Vanguard lại đúng khi chặn driver này. Theo một đại diện của Faceit, driver Interception này bị chặn bởi nhiều phần mềm chống cheat khác nhau do nó được nhiều chương trình gian lận dùng để ra lệnh cho game mà không cần đến thao tác của game thủ.

Vanguard có hiệu quả không?

Trong mắt rất nhiều game thủ, dù chặn đủ thứ phần mềm như vậy nhưng Vanguard vẫn không hề hiệu quả khi để lọt lưới kẻ gian. Họ đưa ra nhận định này dựa trên hai điều: Riot đã xác nhận việc khóa rất nhiều tài khoản gian lận ngay trong giai đoạn closed beta của game, và game thủ luôn phàn nàn chuyện thấy nick A, nick B gian lận mà không bị khóa tài khoản…

Tuy nhiên có một điều mà game thủ luôn cần nhớ khi thấy kẻ gian lận: có thể hắn đã bị phát hiện nhưng chưa bị khóa tài khoản ngay lập tức. Không một nhà phát hành game nào khóa tài khoản kẻ gian ngay lập tức bởi nếu làm điều này, họ đã cung cấp manh mối cho kẻ gian lận biết rằng tại sao mình bị phát hiện, đem lại cho chúng khả năng cải tiến phần mềm gian lận trở nên khó bị phát hiện hơn. Các nhà phát hành chỉ xử lý gian lận theo từng đợt để tránh việc đem lại manh mối này.

Từ A đến Z về tai tiếng của Vanguard và Valorant

Bên cạnh đó, Mọt được biết rằng Vanguard chỉ là một phần trong bộ giải pháp chống cheat của Riot dành cho Valorant. Riot cho biết mình khởi đầu bằng việc thiết kế cho Valorant khó bị hack, dùng Vanguard để khiến việc tạo ra phần mềm hack khó khăn hơn, bắt giữ kẻ gian thông qua tính năng báo cáo và AI (máy học – hiện chưa được phát triển) và dùng giải pháp khóa phần cứng để ngăn những kẻ gian lận quay trở lại. Vì vậy nên trong thời điểm hiện tại, những gì chúng ta thấy chỉ mới là một nửa những giải pháp chống cheat của Valorant. Hi vọng rằng khi giai đoạn beta kết thúc và game chính thức ra mắt, chúng ta sẽ được thấy một Vanguard hoàn thiện hơn và ít làm game thủ khó chịu hơn.