Với sự xuất hiện của danh mục rối loạn chơi game, WHO thừa nhận đây là một dạng bệnh lý tâm thần, mà theo WHO cho biết những người mắc bệnh này là những người nghiện game, xem game hơn tất cả mọi thứ trong cuộc sống. WHO đã mô tả nghiện game là một loại rối loạn tâm thần, hành vi hoặc rối loạn kiểm soát xung lực. Theo mô tả chi tiết của WHO, rối loạn tâm thần do nghiện game là việc chơi game liên tục hoặc thường xuyên (game kỹ thuật số hoặc video game) có thể trực tuyến (qua Internet) hoặc offline, được biểu hiện bằng: Khiếm khuyết về việc kiểm soát chơi game như về tần số, cường độ, thời gian nghỉ, bối cảnh. Ưu tiên cho việc chơi game hơn các hoạt động khác trong cuộc sống.
Hành vi này đủ nghiêm trọng để dẫn đến sự suy yếu đáng kể trong các lĩnh vực hoạt động cá nhân, gia đình, xã hội, giáo dục, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực khác. Các hành vi tâm thần do nghiện game có thể xuất hiện liên tục hoặc nhiều lần và lặp lại. Để xác định rối loạn tâm thần do nghiện game cũng như các hành vi liên quan cần phải theo dõi trong khoảng thời gian ít nhất là 12 tháng để thực hiện các chẩn đoán. Tuy nhiên, nếu một người nào đó đáp ứng đầy đủ các dấu hiệu thì việc chẩn đoán có thể được thực hiện trong thời gian ngắn hơn.
Ước tính người chơi game có vấn đề sức khỏe tâm thần dao động trong khoảng 2-20%
Thậm chí, WHO cho biết khi người dùng mắc bệnh này, họ vẫn tiếp tục chơi game nhiều hơn bất chấp các hậu quả tiêu cực đã xảy ra trước đó. Bên cạnh đó, khả năng kiểm soát hành vi của những người mắc bệnh cũng bị suy giảm. WHO cho rằng hành vi nghiện game được cho là nghiêm trọng hơn so với nghiện smartphone hoặc internet, bởi đa số game hiện nay đều được phát triển xung quanh vấn đề bạo lực với những cảnh máu me, súng ống và chém giết lẫn nhau. Được biết WHO không phải là tổ chức đầu tiên liệt nghiện game vào danh sách gây ra bệnh lý tâm thần, bởi trước đó Hiệp hội Tâm thần Mỹ (APA) cũng làm điều tương tự.