Đó có thể là những buổi kéo bè kéo cánh đánh Đế Chế cùng bạn bè, các trận DotA hào hứng hay ti tỉ tựa game hấp dẫn, vang bóng một thời khác. Nếu bạn muốn ôn lại kỷ niệm xưa hoặc tò mò lứa game thủ đi trước đã từng mê mẩn game LAN huyền thoại nào, hãy cùng chúng tôi lên chuyến hành trình về những phòng net thuở xa xưa.
Phụ lục
Counter-Strike
Nói tới những tựa game LAN huyền thoại tại phòng game ngày xưa, không thể không nhắc đến Counter-Strike. Vào cái thời mà internet chỉ mới manh nha, các cậu học sinh cấp 2, cấp 3 vẫn ngày ngày hẹn nhau ghé qua những phòng game gần trường để so tài súng ống. Thuở đó chưa có yêu cầu phòng game phải cách trường học 200m, nên mỗi lần tan học, ai cũng có thể thấy những nhóm bạn kéo nhau phóng vào phòng game, giành sẵn máy cho những người chưa kịp đến vì gửi xe quá sâu trong bãi hay trực nhật cuối giờ.
Map được chọn để “chiến” cũng toàn những cái tên quen thuộc: Assault, Italy, Dust, Mansion,… và đôi khi được quyết định từ rất sớm khi chưa tan học. Có thể một ai đó sẽ đóng vai trò “đầu tàu” gầy kèo bằng phấn trắng bảng đen trên bục giảng, hoặc những tờ giấy ném qua ném lại mỗi khi thầy cô quay lưng. Là một game LAN huyền thoại vẫn còn sống khỏe cho đến thời điểm hiện tại dù đã trải qua nhiều lần lột xác, không có gì lạ khi các phòng game thuở đó luôn vang rền tiếng súng của Counter-Strike.
Một phòng game 20, 30 máy có 3 đến 4 nhóm khác nhau cùng bắn CS là chuyện bình thường. Bạn cũng đừng mơ đến việc được sử dụng những chiếc tai nghe chụp đầu trông hoành tá tràng như hiện tại – tất cả các phòng game đều chỉ có những chiếc loa bé xíu, nên mỗi khi game thủ kéo nhau vào quán là tiếng í ới, tiếng kéo ghế lạch cạch lẫn tiếng gầm gừ của những khẩu AK, “líu chíu” từ khẩu M4 lắp hãm thanh hoặc tiếng AWP đùng đoàng hòa vào nhau thành một cái gì đó rất riêng, vừa độc đáo lại vừa thân thuộc.
Ngày nay, vị thế thống trị của Counter-Strike tại các phòng net không còn nữa bởi game thủ có quá nhiều lựa chọn thuộc đủ mọi thể loại khác nhau, nhưng nó vẫn là một trong những tựa game có sức sống mạnh mẽ nhất. Trên Steam, phiên bản mới nhất Counter-Strike: Global Offensive luôn nằm ở top đầu về lượng người chơi, trong khi các phiên bản cũ hơn vẫn vận hành trên các server lậu với vô vàn bản mod nhiều không thể đếm xuể.
Đế Chế
Không đến mức chiếm dụng gần hết các cỗ PC trong phòng máy như Counter-Strike bởi đòi hỏi thời gian tìm hiểu và rèn luyện, Đế Chế vẫn luôn âm ỉ cháy trong cộng đồng game thủ các phòng máy đầu thế kỷ này nhờ sức hấp dẫn của nó. Tựa game chiến thuật đến từ Microsoft còn phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ khác cùng thể loại như Red Alert, StarCraft, WarCraft, Empire Earth, Rise of Nations, Fate of the Dragon, Battle Realms… bởi đây là thời hoàng kim của thể loại chiến thuật, nhưng nhờ lối chơi dễ hiểu lại có chiều sâu và bối cảnh lịch sử, nó cuốn hút rất nhiều người chơi thử và không ít trong số đó trở thành fan cuồng của trò chơi suốt hàng chục năm trời.
Tại các phòng game thời điểm đó, Đế Chế là một trong những game LAN huyền thoại hàng đầu để… thi thố với giải thưởng nho nhỏ chỉ vài ngàn tiền giờ hay chai nước ngọt. Từ đây, một cộng đồng game thủ đam mê thể thao điện tử đã ra đời, dù vào thời điểm đó những khái niệm sang chảnh như thể thao điện tử hay eSports thậm chí còn chưa ra đời. Những game thủ Đế Chế giỏi nhất sẽ được sự hâm mộ của các cậu nhóc trong xóm, và luôn có một đám fan hâm mộ đứng sau lưng xem thi đấu mỗi khi họ xuất hiện tại phòng game. Điều này đôi khi tạo ra ham muốn “biểu diễn” khiến các thao tác trở nên kém chính xác hơn, nhưng cũng có những người chịu được những ánh mắt soi mói này và càng chơi xuất thần hơn nữa.
Nhưng dù chơi Đế Chế giỏi hay không, trong lòng những game thủ thế hệ 8x, 9x luôn có một góc nhỏ dành cho tựa game LAN huyền thoại đặc biệt này. Có thể họ đã bỏ Đế Chế nhiều năm trời, hoặc thỉnh thoảng làm một ván, hoặc thường xuyên chinh chiến, lên đời mỗi đêm cùng bạn bè, nhưng tình yêu họ dành cho trò chơi vẫn tồn tại, chỉ được cất giấu đi dưới đủ thứ lo toan chuyện gia đình, công việc, cơm áo gạo tiền. Chúng tôi tin rằng không sớm thì muộn, niềm đam mê này sẽ lại trỗi dậy mỗi khi có cơ hội để các dân chơi Đế Chế lại có dịp tung hoành ở chiến trường xưa.
DotA
Sinh sau đẻ muộn so với Counter-Strike và Đế Chế, nhưng DotA – một custom map của Warcraft 3 – đã quét qua các phòng game như một cơn lốc. Ban đầu, game LAN huyền thoại này không thật sự nổi bật trong một rừng custom map đủ mọi thể loại như Pokemon Defense, X Hero Siege, Footman Frenzy, Wintermaul, Troll vs Elves, D-Day,… Điều này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, bởi DotA nhanh chóng phình to và chiếm lấy người chơi của các thể loại custom map khác, “đá bay” luôn ông anh D-Day rất nổi tiếng ban đầu. Thật ra DotA còn có thể được chơi qua internet nhờ phần mềm chuyên dụng, nhưng các phòng game Việt thời đó chỉ toàn dùng bản crack nên LAN vẫn là giải pháp chơi mạng phổ biến hơn trong một thời gian dài.
Lý do DotA chiến thắng D-Day thì khá nhiều, nhưng có lẽ hai nguyên nhân quan trọng nhất là sự xuất hiện của khu rừng rộng lớn và sự nhất quán về phương hướng bởi nó được lèo lái bởi IceFrog. Sự phình to của bản đồ và sự xuất hiện của khu rừng đem lại cho game thủ rất nhiều lựa chọn chiến thuật mới mẻ và những sân chơi mới, trong khi D-Day chỉ có hai ngọn đồi nhỏ nằm giữa ba đường với nhiều hạn chế về địa hình lẫn gameplay. Bên cạnh đó, sự chăm chỉ của tác giả IceFrog và những góp ý của cộng đồng giúp hệ thống tướng trong DotA ngày một hoàn thiện, lối chơi liên tục được nâng cấp để trở nên tốt hơn, hấp dẫn hơn và cân bằng hơn.
Nhờ những ưu điểm này, DotA chiếm lấy thiện cảm của game thủ WarCraft 3 một cách chóng vánh, và nói không quá lời, có lẽ có những lúc gần như toàn bộ game thủ tại các phòng net chỉ toàn đánh DotA. Các kèo đấu được tạo ra không cần bận tâm đến thứ hạng hay MMR vì thời đó làm gì có những món này, mà hoàn toàn dựa trên cảm tính hay quan hệ cá nhân. Ngày nay mọi thứ đã ổn thỏa hơn với tính năng AoE Ranking của GPLAY giúp người ta cáp kèo một cách tương đối chính xác. Vị trí thi đấu của từng người cũng rất ngẫu nhiên, ai cũng là toàn năng có thể đi bất kỳ đường nào mà đồng đội yêu cầu. Dĩ nhiên không ít pha cãi cọ giành chỗ, rage quit cũng xảy ra, nhưng mâu thuẫn đến nhanh đi cũng nhanh.
Có thể nói rằng DotA, ngoại việc là một game LAN huyền thoại thì custom map này cũng góp phần khai sinh ra MOBA hiện đại, thể loại game thu hút hàng trăm triệu game thủ trên khắp thế giới ngày ngày đăng nhập vào các tựa game khác nhau như Liên Minh Huyền Thoại, Dota 2, Smite, Liên Quân, Tốc Chiến,… Dù giờ đây custom map này đã không còn hot như xưa dù vẫn có người chơi trên GPLAY thì cái tên DotA vẫn tồn tại với người kế nghiệp Dota 2 và những giải đấu The International không ngừng xác lập kỷ lục mới về giải thưởng, cho thấy sức sống mạnh mẽ của trò chơi này.
Rune
Những game thủ thường ra phòng net vào những năm 2006 trở đi có thể nhớ đến các pha hành động leo tường, nhào lộn và xả súng bằng hai tay trong GunZ, nhưng nếu lùi về trước đó vài năm, rất nhiều người trong số họ còn chinh chiến Rune, một tựa game LAN huyền thoại cực kỳ hấp dẫn trên mạng LAN. Nó được phát triển dựa trên thần thoại Bắc Âu và có gameplay chặt chém multiplayer hết sức sôi động và máu lửa. Có thể nói rằng vào đầu những năm 2000, Counter-Strike thống trị mảng súng đạn thì Rune là kẻ dẫn đầu phần dao búa trong các phòng game.
Lối chơi của Rune thực sự là một cuộc cách mạng thời bấy giờ. Khi chơi Rune, game thủ được điều khiển nhân vật của mình ở góc nhìn thứ ba và chiến đấu với những người chơi khác bằng đủ loại vũ khí cận chiến cả thực tế lẫn phi thực tế, trong những bản đồ có kích thước vừa phải được xây dựng dựa trên nhiều chủ đề khác nhau, có thể là một ngôi làng Viking cổ đại hoặc một hầm mỏ của người lùn sâu trong lòng núi. Những đòn đánh của nhân vật trong Rune được tính toán hết sức rõ ràng, có tầm sát thương và hitbox tùy thuộc vào loại vũ khí nhân vật đang mang theo, cho phép người chơi tung ra những nhát chém hết sức chính xác hoặc né tránh đòn tấn công của đối thủ chỉ với vài pixel.
Bản thân là một trò chơi bị đánh giá ở mức Mature thế nên hình ảnh của game LAN huyền thoại này rất bạo lực, khi bạn có thể thấy đối thủ của mình chia năm xẻ bảy trong các trận Deathmatch hay Team Match đầy hào hứng. Dĩ nhiên vào lúc đó, các game thủ của chúng ta chẳng biết nó có nghĩa là gì, hoặc xem đánh giá này chẳng ra ký lô nào và vẫn cứ chiến game. Một số phòng máy “có điều kiện” có thể cài đặt thêm bản mở rộng Halls of Valhalla để game thủ… chơi đá bóng trong Rune, nhưng theo một phương thức không kém bạo lực: game không có quả bóng nào cả, và người chơi ghi bàn bằng cách ném đối thủ (hoặc các phần của họ) vào khung thành.
Với lối chơi tốc độ cao và sảng khoái như thế này, Rune là một trong những tựa game mạng LAN huyền thoại tại các phòng máy thời bấy giờ. Các trận multiplayer của Rune không bao giờ thiếu người tham dự, dù cộng đồng Rune tại Việt Nam không phát triển được như ở nước ngoài – theo chúng tôi được biết, thời bấy giờ không ít clan Rune đã được thành lập trên thế giới, với các trận thi đấu multiplayer qua internet đầy máu lửa. Chỉ tiếc là vì sự bỏ rơi của nhà phát triển, Rune không bao giờ có thể trở thành một huyền thoại sống mãi như DotA, Đế Chế hay Counter-Strike.
Lời kết
Còn không ít tựa game khác có thể được nhắc đến trong danh sách những tựa game LAN huyền thoại tại các phòng game thuở ấy, nhưng bốn tựa game trên cộng lại hoàn toàn có thể chiếm hết máy của một phòng net từ sáng đến chiều, không để lại “đất” cho các trò chơi khác. Một phòng máy có thể không có Red Alert hay Battle Realm, nhưng nhất định phải có Counter-Strike, DotA, Đế Chế và Rune. Hiện tại Rune đã trôi vào dĩ vãng tuy nhiên Counter-Strike, DotA và đặc biệt là Đế Chế vẫn sống khỏe nhờ vào nền tảng GPLAY giúp người chơi có thể kết nối bạn bè để cùng nhau thi thố trực tuyến thông qua AoE Raking.
Phiên bản AoE Ranking là phiên bản được mod lại phiên bản gốc của AoE I bởi các kỹ sư hàng đầu của GTV. Cách chơi, phím tắt, đồ họa sẽ y nguyên như phiên bản gốc của nó và gần như không có gì thay đổi. Nhưng điểm khác biệt trong bản AoE Ranking này là có thêm 1 tính năng rất đặc biệt, nó cho phép bạn có thể tham gia xếp hạng thông qua chế độ Ranking Mode trong phần Settings của game.
Tham khảo thêm thông tin về GPLAY cũng như AoE Ranking tại:
Trang chủ:
Fanpage:
Fanpage Kênh Tin Game Esports - khu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video.. vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN!
Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?