Theo số liệu mới nhất của DappRadar, CryptoMines (tên mã token: ETERNAL) hiện là một trong số những tựa game Play-to-Earn nằm trong top 10 thị trường về số lượng người dùng trên mạng Binance Smart Chain (BCS). Tính đến thời điểm 26/11, số lượng người dùng hoạt động thường xuyên của CryptoMines chạm ngưỡng 224.000 - gần đuổi kịp một dự án GameFI kỳ cựu khác là Axie Infinity, mặc cho CryptoMines mới chỉ ra mắt vào thời điểm trung tuần tháng 9. Vào ngày 26/11, giá trị đồng token ETERNAL của CryptoMines thậm chí đã chạm mốc ATH (cao nhất mọi thời đại) ở mức 799 USD/1 token trên các sàn giao dịch Bitget, PancakeSwap, Gate.io, ZT, và BKEX.
Để so sánh, mức giá của ETERNAL khi lần đầu được niêm yết trên sàn giao dịch phi tập trung PancakeSwap vào ngày 12/9/2021 chỉ khoảng 0.44USD/token, tức đạt được tăng trưởng tới 1770 lần chỉ trong vòng gần 3 tháng. Hiệu ứng FOMO của ETERNAL lớn đến mức, đồng token này đã có lúc chiếm tới 55% lưu lượng truy cập của mạng Binance Smart Chain, theo tuyên bố của nhóm phát triển dự án CryptoMines.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi lập đỉnh, giá trị của token ETERNAL đã bất ngờ giảm mạnh về mặt giá trị, với mức giảm từ đỉnh chia tới 15 lần. Theo số liệu từ trang web chuyên theo dõi dữ liệu của thị trường tiền điện tử Coinmarketcap, giá của ETERNAL đã nhanh chóng sụt giảm xuống mức đáy 47,93 USD vào 12h00 trưa nay (2/12/2021, giờ Việt Nam).
Giá trị của ETERNAL đã giảm mạnh chỉ trong vòng vài ngày, sau khi đạt mức giá ATH (Nguồn: PooCoin)
Các chỉ số của biểu đồ giá (chart) của ETERNAL trên website Poocoin cho thấy, một lượng rất, rất lớn token này liên tục xả bán ồ ạt ra ngoài thị trường bắt đầu từ ngày 30/11, khiến giá của đồng token này lao dốc mạnh.
Sập giá do bị 'cá voi' bơm xong xả?
Trên mạng xã hội Twitter, Reddit cũng như các hội nhóm về tiền điện tử trên Telegram, đã có nhiều suy đoán được đưa ra từ các nhà đầu tư CryptoMines về lý do khiến tựa game NFT này bị sập giá.
Theo nhận định của một số chuyên gia tiền điện tử, những gì vừa diễn ra với token ETERNAL có thể liên quan tới chiến thuật Pump & Dump (bơm xong xả) điển hình. Trong thị trường tiền điện tử, chiến thuật này được thực hiện bởi các tổ chức, các nhóm "cá mập" (chỉ những người có vốn lớn), cá voi (chỉ những người có vốn siêu lớn) hay thậm chí đến từ chính nhóm phát triển đứng sau đồng coin/token. Nhờ sở hữu một số lượng lớn coin/token cùng khả năng tài chính mạnh mẽ , những thế lực này có thể điều hướng thị trường theo hướng mà họ muốn.
Theo đó, 'cá voi' sẽ bắt đầu bằng cách tiến hành mua vào với số lượng lớn khiến giá của đồng coin/token tăng vọt trong thời gian ngắn, từ đó kích thích hiệu ứng FOMO (Fear of missing out: Sợ bị bỏ rơi hoặc bỏ lỡ) của các 'cá con'. Việc các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua vào với tâm lý sợ đánh mất những đồng tiền cơ hội càng đẩy giá trị của các đồng coin/token lên ngày một cao hơn. Tuy nhiên, sau khi giá coin/token đã chạm đến mức lợi nhuận biên mong muốn, các 'cá mập', 'cá voi' sẽ tiến hành xả hàng ồ ạt để chốt lời. Quá trình này có thể diễn ra trong vài tuần, vài ngày, hay thậm chí chỉ vài tiếng.
Đà giảm giá quá nhanh của ETERNAL khiến nhóm phát triển đứng sau CryptoMines phải đăng đàn giải thích
Trong trường hợp của CryptoMines, giá trị của token ETERNAL bắt đầu tăng mạnh từ ngưỡng 160 USD vào ngày 16/11, với một số lượng lớn đồng token này được mua vào trong thời gian ngắn. Nhiều nhà đầu tư CryptoMines vào thời điểm đấy đã cho rằng, đây có thể là các dấu hiệu cho thấy một số 'cá voi' đang bơm tiền vào thị trường. Tất nhiên, sau khi đạt ATH, một đợt xả mạnh token ETERNAL đã lập tức diễn ra. Đáng nói, việc giá giảm quá nhanh và mạnh đã gây ra tâm lý hoảng loạn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, vô hình trung tiếp tục kích hoạt thêm đà bán tháo ETERNAL từ các nhà đầu tư này để cắt lỗ. Chính các yếu tố này đã khiến giá trị của token ETERNAL ngày càng chìm sâu.
Ở thời điểm hiện tại, token ETERNAL đã có dấu hiệu hồi phục nhẹ khi đang được giao dịch ở ngưỡng 66.75 USD. Mặc dù vậy, mức giá này vẫn thấp hơn 11 lần so với mức giá ATH vài ngày trước.
Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư. GameFi (viết tắt của Game + Finance) là thuật ngữ chỉ các trò chơi trên blockchain kết hợp yếu tố tài chính. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.