Thưa các bạn độc giả, trong bài viết vào ngày hôm qua chúng tôi đã đem tới cho các bạn những thông tin bao quát nhất về những công đoạn thực hiện một tựa game đình đám được nhiều người yêu thích. Hy vọng rằng những thông tin tuy ngắn ngủi nhưng đầy đủ này đã giúp được bạn, một người yêu game có thể hiểu được sự khó khăn vất vả cũng như sức ép của những người thực hiện một dự án game bom tấn hoặc bất kỳ tựa game nào trên thế giới.
Quay trở lại dải đất hình chữ S. Ngọn lửa làm game Việt luôn bùng cháy hết sức mạnh mẽ trong cộng đồng yêu game, thế nhưng vì lý do nào mà xét đến mặt bằng chung chất lượng các sản phẩm, chúng ta vẫn thua kém những tựa game mà các nhà phát triển trên thế giới? Câu hỏi nghe qua có vẻ khập khiễng, vì dù sao đi chăng nữa chúng ta cũng có xuất phát điểm rất xa so với bạn bè năm châu. Tuy nhiên, với ý chí cần cù, chịu khó, bất kể người Việt Nam nào đam mê làm game cũng muốn một ngày nào đó tạo ra được một sản phẩm chất lượng, được bạn bè quốc tế khâm phục.
Những quốc gia láng giềng thực chất có bước đệm tốt hơn chúng ta rất nhiều. Hàn Quốc có cách nhìn rất khác về game, còn Trung Quốc thì dân đông, nên tỷ lệ số lượng người làm game mặc nhiên cũng nhiều hơn. Ấy là chưa kể việc những người hàng xóm phương bắc một thời gian chỉ có đi copy game đỉnh nên cũng có thừa kinh nghiệm tự phát triển những sản phẩm cho riêng họ. Và thế là, những siêu phẩm thời gian qua như Thiên Dụ, Nghịch Thủy Hàn hay ở Hàn Quốc có MU Legend, Aion 2,... đã khiến không ít người phải thán phục. Vậy còn Việt Nam thì sao?
Chung quy câu hỏi luôn là, những lý do nào khiến cho ngành phát triển game Việt Nam thiếu trầm trọng những cái tên đáng chú ý đến như vậy. Ngay cả ở thời điểm hiện tại, tác phẩm kinh điển nhất của làng game chúng ta là 7554, một thiên anh hùng ca về những chiến sỹ hơn 60 năm về trước đã chiến đấu để bảo vệ Tổ Quốc, để đánh đuổi giặc ngoại xâm trong một trận đánh mà sử sách còn phải công nhận là "chấn động địa cầu".
Nói ra điều này cũng bất chợt thấy có lỗi với anh Huy, người sáng lập Emobi Games mà sau này là Hiker Games vì đã có lần anh nói với chúng tôi rằng: "Đừng nhắc đến 7554 nữa, anh không muốn sống với quá khứ". Nhưng, chính quá khứ mới là bài học cho riêng chúng ta, những người yêu game, từ hiện tại đến tương lai...
Vào hồi tháng 10, chúng tôi đã đem tới cho các bạn những hình ảnh về sự kiện Level Up Kuala Lumpur 2017, nơi những dự án tuyệt vời nhất của Đông Nam Á được giới thiệu. Xét về tổng thể, những game được các nhà phát triển Đông Nam Á thực hiện tuy có đồ họa không so sánh được bằng các bom tấn phương Tây, thế nhưng xét về mặt concept và gameplay, đôi lúc sẽ bắt gặp những tựa game vô cùng độc đáo xứng đáng để học hỏi. Bản thân game của các nhà phát triển trong khu vực cũng có phong cách đồ họa khác lạ hơn rất nhiều, và cũng tập trung nhiều vào mảng âm thanh cũng như story telling hơn so với trước đây. Những thứ đó, người Việt chưa thể nào có đủ điều kiện thiên thời địa lợi nhân hòa để thai nghén ra các sản phẩm tuyệt vời cả.
Lý do đầu tiên: Nền tảng chúng ta không được bằng quốc tế
Thế giới có rất nhiều thủ phủ game. Châu Mỹ có Montreal, Canada. Châu Âu có Budapest, Hungary, có Warsaw, Ba Lan, trong khi đó châu Á có Seoul, Hàn Quốc. Thế nhưng trong những cái tên đó, Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh không thể có mặt trong danh sách. Đồng ý rằng chúng ta có những cú hit khiến bạn bè thế giới quan tâm, nhưng dường đó chỉ là những hạt cát nhỏ nhoi giữa một biển lớn những tựa game đỉnh cao.
Lý do là, ngay từ nền tảng chúng ta đã thua kém bạn bè thế giới rồi. Chúng tôi đã từng giới thiệu một tựa game được một nhóm vỏn vẹn 5 sinh viên đang theo học ngành phát triển game tại Montreal, Canada tạo ra như một bài luận án tốt nghiệp, và nó ấn tượng chẳng kém gì bất kỳ game indie siêu phẩm nào trên thế giới. Mời các bạn cùng xem lại những hình ảnh của sản phẩm này:
Ý tôi là, họ, những sinh viên không có chút kinh nghiệm nào, được đào tạo hết sức bài bản, được một đội ngũ chuyên nghiệp từng có thời gian làm việc và kinh nghiệm đúc kết từ các studio lớn của thế giới giảng dạy, thì thành quả đạt được đẹp đến mê hồn như thế kia cũng không có gì quá kỳ lạ cả. Dĩ nhiên Việt Nam cũng có những lớp giảng dạy làm game, nhưng để thực sự nhận xét về độ chuyên sâu thì rất khó.
Như trong bài viết trước, chúng ta đã hiểu được làm game là một quá trình cần rất nhiều nhân sự chuyên biệt ở những cấp khác nhau, từ thiết kế hình ảnh cho đến tái tạo màn chơi, và thậm chí là cả đội ngũ marketing cũng như lên kế hoạch để phát triển game. Điều này là thứ nước ta thiếu một cách trầm trọng. Chúng ta có những lớp học thiết kế 3D, có những lớp dạy về triết lý thiết kế game... Nhưng tổng quan, để có được một người có tầm nhìn đủ mạnh mẽ sâu sắc để đoàn kết những con người đó lại với nhau, cùng tạo ra một tuyệt phẩm được bao người yêu mến lại là một câu hỏi khác đến giờ vẫn chưa có lời giải đáp.
Lý do thứ hai: Thị hiếu
Bạn còn nhớ quả bom tấn mang tên Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông chứ? Nó chính là một sản phẩm điển hình của việc chạy theo thị hiếu, tạo ra những tựa game "mỳ ăn liền" chẳng khác gì thời kỳ điện ảnh Việt Nam những năm đầu thập niên 90 cả. Dĩ nhiên nó thành công, và thành công vang dội tới mức cứ mỗi khi nhắc đến ngành game Việt, chúng ta lại tự ám thị bản thân mình về thành công của Flappy Bird vậy.
Đó là 3 năm về trước, khi game mobile "chết não" trở thành trào lưu. Game làm rất nhanh, chiều sâu không có, chỉ đơn thuần là những trò chơi giải trí không đọng lại bất kỳ điều gì trong đầu người chơi. Xóa đi là quên. Đó cũng là một thời kỳ nhiều người lo ngại rằng trào lưu này sẽ gây ảnh hưởng rất xấu tới cộng đồng khi nhà nhà làm game mỳ ăn liền, người người chạy theo thị hiếu chung mà vô tình phá hỏng giá trị cốt lõi của việc làm game.
Việt Nam hoàn toàn không phải nơi nuôi dưỡng tốt những dự án game khủng chính vì thị hiếu "mỳ ăn liền" của cộng đồng game thủ
Việc làm game không cốt truyện cũng cắt giảm đi rất nhiều thời gian và công sức của Studio, bớt được công đoạn viết kịch bản là công đoạn đòi hỏi sự sáng tạo rất nhiều. Nhờ đó các nhà phát triển tập trung được thời gian để đầu tư làm ra game nhanh hơn. Chính nhờ những ưu điểm không thể chối cãi này mà game mobile Việt ngày nay liên tục nở rộ và phát triển một cách vô hướng đặc biệt là gần như tất cả các game do các studio trong nước tự phát triển phải có tới 80% hoặc cao hơn là những game không có cốt truyện hoặc là game không có tư duy.
Lý do thứ ba: Nhân tài đang ở nơi nào
Bạn tôi, người từng được giới thiệu trong một bài viết trước đây, hiện tại đang làm việc cho DeNA, một công ty có vốn đầu tư của Nhật Bản. Một vài người bạn khác học cùng trường đại học thì về code game cho Gameloft, thời kỳ những tựa game mobile đỉnh cao còn được outsourcing phát triển tại Việt Nam. Còn GlassEgg, hẳn bạn còn nhớ, là một studio chuyên thiết kế mô hình 3D cho các tựa game bom tấn một thời như Forza Motorsport, một game đua xe mô phỏng tôi từng rất thích vì ở thời đó chẳng có game nào có hình ảnh đẹp như trò đó cả.
Điều này dẫn tới lý do thứ ba: Chảy máu chất xám. Nhiều nhân tài người Việt Nam chẳng dại gì tự đi phát triển game theo tiếng gọi của trái tim, mà thay vào đó họ chọn cho mình việc gác lại ước mơ phát triển game Việt và đi... xây dựng ước mơ của kẻ khác, đổi lại là họ chẳng còn phải lo lắng đến cơm áo gạo tiền nữa. Bất chợt, những người có cùng đam mê lại trở thành lạc lõng trước guồng quay phát triển. Họ không có được điều kiện tốt nhất, cũng không thể thành lập một team phát triển game đủ mạnh và có kỹ năng chuyên sâu như ở nước ngoài, những nơi vốn đang... bòn rút sức lực của chính người Việt!
Có thể bạn không tin, nhưng những cỗ xe tuyệt mỹ này chính là tác phẩm của người Việt chúng ta.
Cũng vì lý do đó, đôi lúc những dự án làm game đơn thuần chỉ là vì đam mê, chỉ là một side project nho nhỏ sau khi công việc ở cơ quan đã hoàn tất. Mà một khi không thực sự chú tâm vào những gì mình đam mê và biến chính ngọn lửa trong tim trở thành động lực cố gắng, thì đến khi nào chúng ta mới có được những sản phẩm thực sự cuốn hút?