Là một trong những Vlogger đời đầu của Việt Nam, khoảng gần chục năm trước nổi tiếng trên Youtuber cùng Huyme và An Nguy, JVevermind luôn tạo được những điểm nhấn với các video cả triệu view, mỗi một câu chuyện JVevermind chia sẻ lại trở thành chủ đề bàn luận của thế hệ trẻ lúc bấy giờ.
Sau một thời gian dài hoạt động, sự thành công của JVevermind khiến anh trở thành 9x đầu tiên tại Việt Nam nhận được nút Play vàng YouTube dành tặng khi các kênh đạt được 1 triệu người nhấn theo dõi. Tuy nhiên cho đến 2015 những video của JVevermind giảm dần rồi dừng lại.
JVevermind đăng seri chương trình mới trên kênh JV
Cho đến cuối năm 2019, JVevermind (tên thật là Trần Đức Việt) bất ngờ xóa hết những video cũ trên kênh Youtube có tới gần 1,9 triệu người theo dõi và bất ngờ ra phim ngắn. Bất ngờ trở lại một thời gian, rồi lại vắng bóng, chàng Vlogger này mang lại một "hơi thở" mới trên kênh Youtube bằng seri chương trình Cuối tuần mất ngủ, với lời giới thiệu "“Cuối Tuần Mất Ngủ!” là một Show hoàn toàn mới tại Việt Nam, dưới dạng bản tin châm biếm về những vấn đề hot trong xã hội. Mục đích của chương trình là giúp khán giả trẻ vừa giải trí vừa tăng phần nào nhận thức về xã hội, đời sống, giáo dục, pháp luật, thế giới… đang diễn ra xung quanh bạn".
Trong video mới, JVevermind xuất hiện một cách lịch lãm với bộ vest và bàn luận về chủ đề giới trẻ và chất kích thích. Khác với phong cách nói chuyện làm nên tên tuổi của chàng trai này, trong seri chương trình mới JVevermind chọn một đề tài khá nhạy cảm trong xã hội và tự do bình luận. Cũng chính vì thế chàng Vlogger này đã có những phát ngôn và phần cắt ghép một cách thiếu chọn lọc.
Video PGS-TS Trần Hồng Côn chia sẻ về ảo giác khi sử dụng ma túy nhưng lại bị cắt ghép trên kênh Youtube JV
Cụ thể JVevermind phân tích vì sao ma túy càng ngày càng phổ biến, ngay sau đó chàng trai chốt lại rằng "ma túy hại thì rất hại, vui thì rất vui".
Không chỉ có phát ngôn “gây sốc” mà trong video JVevermind cắt hẳn 1 đoạn video phân tích về ảo giác khi sử dụng ma túy của PGS-TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH QGHN) trên chương trình truyền hình và nói rằng đây là “trải nghiệm của người từng sử dụng” một cách “châm biếm” nhưng lại chẳng thấy vui một chút nào để dùng làm lời giới thiệu về một PGS-TS.