Mỗi khi có một sự việc nào đó xảy ra, game online (hay game nói chung) luôn bị đem ra làm đề tài bàn tán mổ xẻ. Liệu rằng như vậy có là công bằng với những người chơi game đơn thuần?
Thậm chí có những ý kiến "nâng tầm" chuyện chơi game lên một nấc thang mới, coi nó tai hại không kém rượu bia, thuốc lá và một số mặt gây nghiện không kém gì ma túy (!?). Song một luồng ý kiến khác lại cho rằng thị trường game đang rất mở, một số quốc gia như Hàn Quốc, Indonesia... đã đi theo hướng phát triển eSports (Thể Thao Điện Tử) để thúc đẩy phát triển thương hiệu quốc gia. Và tất nhiên họ cũng không hề có định kiến với những trò chơi điện tử, thậm chí còn khuyến khích bằng những chương trình đào tạo quy mô và bài bản.
eSports (Thể Thao Điện Tử) đang là một nghề được cả thế giới công nhận.
Có lẽ cần có một cái nhìn công bằng, khi hiện nay game thủ Việt đang phải chịu quá nhiều định kiến.
Chơi game là hỏng người
Định kiến này không biết có từ bao giờ, nhưng đa phần phụ huynh sẽ nói như vậy khi thấy con em mình chơi game. Nếu đó là sự thực, có lẽ hàng triệu người trên thế giới sẽ hư hỏng chỉ vì họ chơi game mỗi ngày. Đáng ngạc nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học nghiêm túc đã kết luận chơi game có nhiều tác dụng tốt hơn những gì chúng ta nghĩ rất nhiều. Anh em có thể tham khảo thêm trong bài viết:
Tuyển thủ MeoMaika giành huy chương Đồng ở bộ môn Starcraft II tại Asiad 2018.
Nhưng hầu hết chúng không được nhắc đến mỗi khi các trò chơi đang bị đặt lên bàn cân với các tệ nạn khác ngoài xã hội. Tất nhiên cái gì cũng có hai mặt, song nếu chơi game xấu xa đến mức phải lên án, thậm chí cấm tiệt người chơi thì quả thật không công bằng.
Trong khi, ngành game được coi là ngành công nghiệp không khói, mang lại giá trị hàng tỷ USD và ngay tại Việt Nam cũng có những game thủ xuất sắc được cộng đồng thế giới thừa nhận. Chỉ mới đây thôi, Meomaika mang lại Huy Chương cho đoàn eSport Việt Nam tại Asiad 2018 (bộ môn Starcraft II), hay Liên Quân Mobile cũng giành được huy chương Đồng tại kỳ thế vận hội lần này... Nếu như họ không chơi game ngày đêm, và vượt qua những định kiến xã hội, liệu rằng có mang về được thành tích như vậy hay chăng?
Chơi game không có tương lai
Điều này vừa đúng mà cũng vừa sai. Hiện nay game đã được coi là một nghề kiếm ra tiền, thậm chí là rất nhiều tiền. Tuy nhiên đặc trưng của các trò chơi eSports là mang tính đối kháng cực cao, cũng tương tự như các môn thể thao truyền thống. Chính vì lẽ đó, nếu bạn chạm được vào TOP 1, đứng trên đỉnh vinh quang thì tiền bạc và danh vọng sẽ đến. Ngược lại bạn sẽ chẳng có gì.
Thần đồng LMHT Việt - Lê "SofM" Quang Duy luyện tập ở quán nét, quyết tâm theo chuyên nghiệp.
Những game thủ DOTA 2 có thể kiếm hàng triệu USD chỉ sau một tháng, song cũng có những người thi đấu cả đời mờ nhạt cuối cùng phải giải nghệ mà chẳng có gì trong tay. Sự khắc nghiệt của nghề game (hoặc như bao môn thể thao nào khác) luôn là như vậy. Do đó, một mặt không nên ảo tưởng cố gắng lên game thủ chuyên nghiệp bạn sẽ kiếm được nhiều tiền, song cũng đừng quá bi quan. Nếu bản thân có tư chất, hãy nỗ lực, có thể thi đấu, có thể stream, làm kênh hướng dẫn chơi... Đầu tư nghiêm túc và chăm chút cho công việc của mình thì ắt sẽ thành công.
Trong làng game Việt, những người có thể kiếm được rất nhiều tiền từ game có thể kể đến như Pewpew, ViruSs, MisThy, KingofWar, Mixi Gaming hay Trực Tiếp Game... và chắc chắn rồi, họ chơi game và nghề của họ chọn rất có tương lai!
Và những cá nhân dũng cảm đi ngược dòng
Đối mặt với nhiều bất cập, không phải lúc nào game cũng được gia đình và xã hội thừa nhận, ủng hộ. Nhưng đâu đó vẫn lóe lên được những tia sáng và phần nào lấy lại "thể diện" cho người chơi game nước nhà. Đó chính là kết quả từ các giải đấu quốc tế, sự nỗ lực không ngừng nghỉ đến từ các vận động viên eSports.
Còn nhớ những bộ môn như Starcraft, DotA... tuyển Việt Nam thậm chí còn rất mạnh trong khu vực, đả bại những tên tuổi gạo cội trên thế giới khiến cộng đồng phải nể phục. Những năm gần đây, sự trỗi dậy của Liên Minh Huyền Thoại đã xướng tên những Saigon Jokers, Boba Marines và mới nhất là EVOS... khi chúng ta đánh bại "đối thủ truyền kiếp" Thái Lan hay đại diện cho cả khu vực đi tranh tài tại một trong những giải đấu eSports lớn nhất hành tinh.
Những tuyển thủ như Lê "SofM" quang Duy, Đỗ "Levi" Duy Khánh (LMHT), Meomaika (Starctaft II)... cũng được các team nước ngoài để ý và chiêu mộ. Họ cũng đều xuất thân từ game thủ rất bình thường, luyện tập hàng ngày tại quán nét thiếu thốn đủ bề.
Hay thi thoảng đâu đó vẫn có các thành tích của Fifa Online, HeartStone... các game thủ trong cộng đồng tự giúp đỡ lẫn nhau để đưa nền eSports nước nhà tiến tới.
Rõ ràng, bản chất của gamer Việt không xấu và cũng chẳng yếu kém đến mức để thế giới ảo chi phối cuộc sống thực, chúng ta có khả năng thực sự và khả năng ấy đã được chứng minh chứ chẳng phải nói suông. Chỉ có điều cốt cách ấy bị "bám bụi" quá nhiều mà thôi.
Nếu chúng ta cấm đoán, các bạn trẻ cũng không thiếu cách để tự mày mò và biết đâu vô tình "thấy" được những thứ không hay trên mạng Internet hiện nay. Điều đó gián tiếp dẫn đến việc người trẻ không thể tự kiểm soát được tâm lý và dẫn đến hậu quả không tốt. Thay vào đó chúng ta nên chủ động hướng dẫn hoặc đầu tư bài bản để định hướng rõ ràng. Và biết đâu được, một ngày nào đó, những game thủ tài năng của Việt Nam sẽ nổi tiếng trên thế giới được nhiều người biết và ngưỡng mộ. Như cái cách mà những Dendi (DOTA 2), Faker (Liên Minh Huyền Thoại)… đã làm được đấy thôi!