Trẻ trâu, hay theo những game thủ trẻ tuổi cũng như cư dân mạng Việt Nam hay sử dụng cụm từ đầy hài hước với phong cách nửa Hán nửa Việt: 'Sửu nhi' đã từ lâu là thứ khiến cho không ít những game thủ chúng ta cảm thấy đau đầu, bất kể việc họ ở team đối phương hay đang sát cánh cùng chúng ta trong những trận đấu căng thẳng trong thế giới ảo. Bất kể những game thủ trẻ trâu như vậy làm gì trong game, từ phá game, lên đồ kiểu mới lạ sáng tạo, văng tục chửi bậy hay thậm chí là AFK không cho đồng đội chơi game, thì việc những game thủ như vậy hiện diện luôn là điều khiến không ít chúng ta phải đau đầu.
Vậy rốt cuộc, vì lý do đâu mà giờ đây làng game Việt lại bị trẻ trâu hoành hành như vậy? Bên cạnh việc ý thức kém, thì có một thực tế không thể nào chối bỏ được, đó chính là độ tuổi trung bình của những người chơi game tại nước ta hiện nay vẫn còn rất thấp.
Bản thân chúng tôi đôi khi bước vào một phòng máy chơi game, dù rằng có những tựa game giới hạn độ tuổi, nhưng không vì thế mà cấm cản được những cậu bé đang học cấp 1, cấp 2 tham gia vào game với một tâm thế gần như "vô đối", khi họ luôn coi mình chơi giỏi nhất. Những cô bé cậu bé chưa biết rõ sự đời đôi khi tỏ ra rất "mạnh" trong thế giới ảo, nơi không ai biết mặt ai trừ phi đã quen sẵn ngoài đời thực. Một cậu bé còn đang cắp sách tới trường chẳng cần quan tâm khi bật kênh chat văng tục hoặc mạt sát một người chơi cùng, đôi khi thậm chí có thể là một nam game thủ lão thành đã có gia đình, tìm đến game để thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Điều đáng buồn không chỉ dừng lại ở "khoảnh sân nhà", thói trẻ trâu của game thủ Việt còn được... xuất khẩu ra thế giới. Đó là lúc những game online nước ngoài lần lượt ra mắt những phiên bản quốc tế, thu hút đông đảo game thủ thưởng thức, trong đó có cả người Việt nữa.
Với sự phát triển ngày càng nhanh chóng và sâu rộng của cấu hình máy tính nói chung tại nước ta, đi kèm với đó là chất lượng đường truyền internet và cơ sở hạ tầng của các nhà mạng cũng ngày càng được nâng cao, chẳng khó khăn gì để game thủ có thể tham gia vào một server nước ngoài không ban IP các khu vực khác (ngay cả khi có ban IP, những game thủ chúng ta vẫn tìm ra cách để lách luật như làm giả địa chỉ proxy để đánh lừa máy chủ).
Đồng nghĩa với xu hướng “xuất ngoại”, việc giới thiệu những game online mới ấn tượng nhưng cho phép game thủ Việt tham gia một cách tự do cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng nói chung. Đặc biệt là khi, làng game Việt thời gian qua có quá ít những cái tên đủ ấn tượng để giữ chân người chơi game trong nước.
Điều này cũng dẫn tới một thực trạng, bên cạnh những người nghiêm túc với game, thưởng thức các game online có ý thức, không có những biểu hiện được cộng đồng cho là “trẻ trâu”, thì những người Việt Nam mà chúng ta sẽ tạm gọi là “phá game” (bằng nhiều cách như hack cheat, văng tục chửi bậy hay spam kênh chat) cũng góp mặt tương đối đông đảo.
Ảnh minh họa
Thực trạng này dẫn tới việc, không ít người đã buộc phải lên tiếng chia sẻ những bình luận với nội dung như “xin đừng giới thiệu game nước ngoài mới nữa, đừng để trẻ trâu sang phá hoại game chúng tôi yêu mến” xuất hiện… Đương nhiên, họ hoàn toàn có cái lý của họ.
Nhiều người cho rằng, để giữ gìn bản sắc và ý thức tham gia game, những tựa game online nên có cấu hình cao hoặc thu phí để ngăn chặn “trẻ trâu” tham gia hàng loạt (Thật tình tôi không rõ logic của họ nằm ở điểm nào, vì giờ đây, ai cũng có thể cài đặt Steam trên máy tính với sức mạnh đủ để chơi những game online miễn phí ấn tượng được phát hành thông qua công cụ này như GunZ 2 chẳng hạn).
Ảnh minh họa
Khi không được tiếp xúc với những cộng đồng có ý thức cao hơn, một bộ phận game thủ Việt sẽ mãi quẩn quanh bên “cái ao làng” với những góc tối chưa có cách giải quyết tận gốc. Chúng ta cần có những sai lầm như trong quá khứ để làm những bài học kinh nghiệm xương máu, ép buộc người chơi game phải có những bước tiến bộ trong cách chơi game, đặc biệt là khi nhiều bom tấn game online sắp đổ bộ tại thị trường nước nhà.
Quay trở lại vấn đề, chúng ta có thể điểm lại hai lý do lớn nhất khiến cho làng game của chúng ta đang bị trẻ trâu làm loạn, chính là sự "văn hóa lùn" của một số người, và độ tuổi chơi game của nhiều người Việt còn đang thấp. Nếu như vấn đề thứ hai đã được đề cập ở đầu bài viết, thì lý do đầu tiên của thói trẻ trâu lại rất dễ lây lan, khi bất kỳ ai trong cơn nóng giận cũng có thể trút ra những lời lẽ không mấy hoa mỹ dành cho đồng đội hoặc những người chơi khác cạnh mình. Từ một "trẻ trâu", trong một phút không kiểm soát, có thể sẽ xuất hiện cùng lúc nhiều trẻ trâu khác cho dù họ có muốn hay không.
Kết cục, vì một vài con sâu làm rầu nồi canh, tư duy chơi game cũng như ý thức của ngày một nhiều game thủ lại xuống dốc một cách đáng báo động, trong khi những biện pháp phòng trừ nạn này đang tỏ ra không mấy hiệu quả.