Một đứa con gái chuyên trốn học để cày Kiếm Thế, bị mời phụ huynh, bị bạn bè xa lánh, nhưng luôn là trụ cột gia đình...
Mẹ tôi từng nói: “Sau này con mày có khi phải nhịn đói chờ mày chơi game mất thôi gái ạ”.
Một quá khứ “dữ dội”
Câu chuyện bắt đầu khi tôi học lớp 10, là một học sinh giỏi Văn cấp tỉnh nhưng “tiền án tiền sự” thì nhiều vô kể. Chỉ có con trai mới trốn học chơi game? Chỉ có con trai mới bị mời phụ huynh vì ham điện tử? Vậy thì tôi cá là nhiều ông ở đây còn ngoan hơn tôi chán!
Bố tôi đi bộ đội xa nhà. Mẹ tôi thì cứ thế một mình nuôi tôi và em trai. Bà dạy mầm non sáng đi tối mới về, nhà cửa đều do một tay tôi lo kể từ khi tôi lên 8. Tôi độc lập từ nhỏ! Thành tích học tập của tôi luôn ổn, đứng đầu lớp Văn, thông minh sáng láng chỉ có duy nhất một thói xấu: Cái tôi quá lớn.
Cái tôi quá lớn khiến cho tôi có thể bỏ ngang lớp học bất cứ lúc nào để đi chơi game, bất kể là tiết đầu hay tiết cuối. Cái tôi quá lớn khiến tôi không bao giờ mảy may thèm quan tâm đến việc thầy cô nghĩ gì và bạn bè cùng lớp đánh giá ra sao. Cái tôi quá lớn khiến một đứa top đầu đội tuyển Văn nhưng không bao giờ ghi chép bài và mỗi kỳ phải ăn mấy con 0 vì tội không có vở bài tập. Cái tôi quá lớn khiến cho sau tất thảy những điều ấy, tôi đã từng không thấy mình có lỗi.
Con gái chơi game ngày ấy rất hiếm, nhất là mấy trò tôi chơi như Kiếm Thế, Đế Chế và Alantica, ngay cả Audition thì tôi cũng chỉ chơi bản Patch Beat Up của No. 1 (có lẽ chỉ 8x, 9x đời đầu mới biết). Mỗi lần tôi chơi là ở sau luôn có nguyên một dàn “nam tử hán” đứng chỉ trỏ, bàn tán ra điều xôm lắm.
Có một lần, lại là cái lần bỏ ngang tiết bất thình lình để ra làm vài ván Au cho khuây khỏa thì tôi bị… thầy hiệu trưởng tóm. Một bài văn tế của cô giáo chủ nhiệm, ánh mắt kỳ thị không phải lần đầu của đám bạn cùng lớp, giấy triệu tập phụ huynh và những giọt nước mắt của mẹ là những gì tôi nhận được.
Nhưng sau tất cả, không ai trong gia đình tôi ngăn cấm, đánh đập, chửi rủa hay đay nghiến tôi vì chuyện chơi game cả. Tôi là một đứa bản lĩnh như thế nào, người ngoài có thể không hiểu, nhưng mẹ tôi thì biết. Trong những lúc cùng cực nhất, khi tất cả những gì bà có thể làm là khóc thì tôi vẫn bình tâm đứng bên ôm lấy bà. Mẹ tôi biết game là thứ không bao giờ có đủ khả năng để hủy hoại cuộc đời tôi.
Và game đã biến tôi trở thành trụ cột gia đình như thế nào?
3 năm cấp 3, 5 năm Đại học ở một trường danh tiếng, tôi luôn cảm thấy biết ơn vì bố mẹ chưa bao giờ cảm thấy game là mối đe dọa quá lớn đối với tôi. Tôi ra trường muộn 1 năm, nhưng cho đến giờ khi đám bạn ra trường đúng hạn vẫn đang loay hoay tìm việc hay nai lưng ở những vị trí không mong muốn, thì tôi đã nắm trong tay một cuộc sống như mơ: công việc đúng sở trường, tiền lương dôi dả, sắm sửa đầy đủ cho bố mẹ, hết giờ thì làm đôi trận rank, cuối tuần đàn đúm bạn bè ăn bữa lẩu.
Tôi làm game!
Và bố mẹ tôi tự hào vì điều đó, thậm chí đôi lúc ông bà còn tò mò cả chuyện Faker là ai, chơi Liên Minh Huyền Thoại như thế nào hay thậm chí là muốn tôi dạy cho chơi bằng được. Tôi nhớ có lần mẹ tôi từng nói: “Sau này con mày có khi phải nhịn đói chờ mày chơi game mất thôi gái ạ”.
Tôi phì cười, đó là tương lai xa, còn hiện tại tôi chỉ biết rằng chính việc chơi game đã giúp tôi có được vị trí hiện tại, dù đó là cả một quá trình dài và không hẳn là miễn phí. Những giọt nước mắt của mẹ, cái nhìn bất lực của thầy cô… là những cái giá tôi phải trả.
Vậy đấy, game vốn chỉ là một trò tiêu khiển, tốn thời gian nhưng không thể phủ nhận rằng cơ hội ở khắp mọi nơi, ngay cả ở những thứ bị xã hội kỳ thị. Nếu có cơ hội, nhất định tôi muốn gửi lời cảm ơn đến thằng bạn cùng học chung lớp 8, là cái thằng đầu tiên dạy cho tôi biết “trò chơi điện tử” là cái gì!