Game FPS từ lâu đã gắn liền với yếu tố thi đấu nhiều người chơi. Giờ đây thật khó để tìm thấy 1 game FPS thuần chơi đơn ở cái thời kì esports đang phát triển vô cùng mạnh mẽ và game nào cũng có thể tăng thêm giá trị bằng cách thêm 1 phần chơi mạng. Trải qua các thời kì, game FPS nói chung và mảng chơi mạng nói riêng đã không ngừng đổi mới, nhưng có những giá trị thì không thể bị lãng quên. Trong đó không thể không kể tới các map trong game, nơi mà game thủ sẽ thuộc từng đường đi ngóc ngách hơn cả chính nơi mình sinh sống. Sau đây chúng ta sẽ cùng hồi tưởng lại quá khứ bằng việc điểm qua những map game FPS từng là chiến trường kinh điển nhất.
Wake Island (Dòng game Battlefield)
Xuất hiện lần đầu từ Battlefield 1942, việc gần như mọi phiên bản trong dòng game Battlefield đều có map này là một điều hợp lí và chính đáng. Vốn để trình diễn mọi thứ mà dòng game Battlefield có thể mang lại chỉ trong 1 map, hòn đảo nhiệt đới hình cánh cung này luôn là nơi quy tụ các game thủ ưu thích sự hỗn loạn. Nó có thể ghi lại một cách hoàn hảo mọi khoảnh khắc hoành tráng nhất từ những bộ phim Thế chiến thứ II bạn từng xem. Với lượng lớn phương tiện respawn quanh map, người chơi sẽ luôn phải cảnh giác trước xe thiết giáp và máy bay ở một địa hình tương đối trống trải như tại đây, cùng với đó những người chơi thích lén lút bơi lội quanh đảo sẵn sàng tấn công ở những hướng khó ngờ nhất. Có thể coi map này là một phần không thể thiếu trong dòng game Battlefield và đặc biệt đáng được xuất hiện trở lại trong bản mở rộng War in the Pacific của Battlefield V sắp tới.
Facility (Goldeneye 007)
Với một tựa game mang tính cách mạng trong mảng chơi mạng trên console, đặc biệt với yếu tố splitscreen thì chắc chắn đi kèm với nó là những map chơi mạng cũng kinh điển không kém. Các map trong game thành thực mà nói vốn đều bê từ phần chơi đơn sang và đều không được thiết kế tạo sự cân bằng bởi mode chơi mạng của Goldeneye được thêm vào phút chót. Thế nhưng chính sự thiếu cân bằng đó tạo nên sự chân thực và những khoảnh khắc khó quên. Điển hình nhất chính là Facility. Với sự kết hợp của những hành lang chật hẹp cùng những căn phòng rộng lớn và nhiều vị trí ẩn nấp khiến cho không có ngóc ngách nào là an toàn và việc săn tìm những người chơi khác trở nên thú vị hơn bao giờ hết.
Terminal (Call of Duty: Modern Warfare 2)
Còn nhớ màn chơi “No Russian” chứ? Vụ xả súng khủng bố đó chỉ là sự khởi đầu. Dựa theo bối cảnh sân bay Zakhaev tại màn chơi No Russian tai tiếng, Terminal là một trong những map chơi mạng có bố cục và thiết kế độc đáo nhất, khiến người ta chơi hoài không chán. Terminal có sự kết hợp nhiều tầng lớp khác nhau, các đường đi dài cùng các lối tắt nhưng lộ liễu, hệ thống vật cản cùng chiếc máy bay hoàn toàn có thể chui vào với đầy đủ ghế ngồi và khoang lái ở trong. Tất cả tạo nên 1 map với vô vàn chiến thuật có thể áp dụng cùng khả năng có thể xảy ra. Cùng với đó là vô số vali, hành lí cùng đồ đạc, cửa kính khi bị bắn phá trong lúc hỗn loạn trông khác gì phim hành động. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi Terminal tiếp tục xuất hiện trở lại trong Modern Warfare 3 và Infinite Warfare.
Facing Worlds (Unreal Tournament)
Có thể nói đây là địa điểm hoành tráng nhất trong mọi map FPS từ trước đến nay. Lấy bối cảnh 1 tập hợp các kiến trúc lớn ngoài không gian nơi mà người chơi sẽ được nhìn thấy cả Trái Đất và Mặt Trăng cùng lúc. Dù được thiết kế khá nhỏ gọn và đơn giản thế nhưng đó chính là thứ giúp nhấn mạnh chất nhịp độ nhanh ở một game như Unreal. Thường được chơi ở chế độ Capture the Flag, do sự trống trải và lộ liễu ở hầu hết các vị trí mà người chơi phải theo dõi và nắm bắt thật tốt ở một tốc độ cao trên phạm vi toàn map. Đồng thời cũng vừa phải đảm báo giết đủ kẻ địch xung quanh để có đủ thời gian cướp cờ trong lúc địch chờ hồi sinh, hoặc cứ đâm đầu vào và mong là không xơi đạn, điều quá bình thường ở cái map lộ thiên này. Nó khiến cho Facing Worlds trở thành map được yêu thích nhất dòng game Unreal.
2fort (Team Fortress 2)
Nếu muốn tìm một nơi trong Team Fortress 2 thật bát nháo và hỗn loạn thì bản đồ 2fort là nơi phù nhất. Là một map Capture the Flag, 2fort vốn được làm lại từ một map cùng tên trong Team Fortress Classic. Lấy bối cảnh 2 pháo đài cách nhau 1 con kênh và cây cầu nối qua, 2fort phần nào nói lên nội dung bố trí của bản đồ với việc 2 gia đình đỏ và xanh từ 2 pháo đài đi đến “giải quyết mâu thuẫn” bằng súng đạn. Người chơi có thể lựa chọn bơi dưới con kênh để an toàn đột nhập sang bên kia hoặc chiến đấu trực tiếp trên mặt đất nơi những Sniper camp trong pháo đài bắn xối xả ra ngoài và cây cầu trở thành nơi “thí mạng” chính cho những ai cố qua. Sẽ có người thích map này bởi sự hỗn loạn mà vui cũng như phù hợp cho mọi class của nó, sẽ có người không thích vì cho là nó thiếu đi tính chiến thuật và sự phối hợp giữa các người chơi, dù sao thì cũng không thể phủ nhận rằng phần đông server host game này sẽ luôn có sự xuất hiện của 2fort.
–
Siêu phẩm kiếm hiệp hot nhất cuối năm 2019 – Bấm liền tay nhận ngay quà tân thủ: https://go.onelink.me/WOzv/MotGame