Trào lưu ăn bạch tuộc sống bắt nguồn từ Nhật Bản và Hàn Quốc, ở đó, người dân vẫn thường nhai các xúc tu bạch tuộc tươi trong miệng. Các xúc tu vẫn còn ngọ nguậy và hút dính ngay cả khi đã bị cắt ra khỏi cơ thể đem lại cảm giác thích lạ cho người ăn.
Ngoài ra, người dân Đông Á còn cho thích ăn bạch tuộc sống vì nó chứa taurine – một amino acid được coi là viagra tự nhiên và cũng tốt cho đường huyết.
Nhưng ăn sống bạch tuộc là một ý tưởng không hề hay ho một chút nào. Có thể bạn đã biết điều đó, nhưng nhiều người thì không. Họ vẫn liên tục lặp đi lặp lại bài học để đời này mà không biết sự nguy hiểm của bạch thuộc, sinh vật được mệnh danh là "trí thông minh ngoài hành tinh" này.
Năm 2019, "Hải thất tiểu thư", một vlogger ẩm thực nổi tiếng người Trung Quốc đã từng bị một con bạch tuộc tấn công khi cô gái này thử ăn tươi nuốt sống nó. Trên thực tế, con bạch tuộc đã cố gắng ăn lại cô ấy trong một cuộc chiến sinh tồn. Nó vươn các xúc tu bám vào mặt nữ vlogger này như muốn xé toạc da của cô ấy ra.
Kết quả là nữ vlogger của chúng ta đã bị chảy máu và bị rách một vài mảnh da khi cố giằng con bạch tuộc khỏi mặt mình. "Khuôn mặt tôi đã bị biến dạng", cô ấy nói và đã phải dừng video lại. Nhưng tiểu thư này vẫn không quên trấn an các fan hâm mộ của mình rằng cô sẽ ăn con bạch tuộc này trong một video khác.
Nữ vlogger Trung Quốc bị tấn công bởi một con bạch tuộc khi cô ấy cố thử ăn sống nó.
Cô gái người Trung Quốc không phải vlogger đầu tiên gặp rắc rối khi cố gắng ăn một con bạch tuộc sống. Năm 2018, Mario Adrion , một người mẫu, vlogger người Đức cũng đã bị một con bạch tuộc tấn công khi muốn thử món ăn truyền thống của người Hàn.
Adrion tới Hàn Quốc du lịch và được truyền cảm hứng từ một video của National Geographic. Trong video, một người đàn ông Hàn hướng dẫn cho những vị khách nước ngoài cách ăn bạch tuộc sống cả con bằng cách cuốn nó vào đầu đũa.
Người đàn ông này chấm con bạch tuộc đang ngoe nguẩy vào bát gia vị, sau đó tụt nó vào miệng. Adrion đã cố gắng bắt chước lại động tác, nhưng có vẻ không thành thục cho lắm. Anh bị con bạch tuộc tấn công và để lại một vết sưng trên trán, có thể là do nọc độc từ xúc tu của nó.
Chàng người mẫu cuối cùng đã phải đến bệnh viện để kiểm tra. May mắn là anh ấy không bị thương hay nhiễm độc quá nặng. Nhưng một số chuyên gia cảnh báo rằng ăn sống bạch tuộc, trong một vài trường hợp, có thể giết chết bạn.
Năm 2010, một người phụ nữ đã bị nghẹn khi ăn bạch tuộc sống. Con bạch tuộc có lẽ đã cố gắng chống cự trong họng và bít đường thở của cô ấy. Người phụ nữ sau đó đã ngã gục và tắt thở. Cô ấy được đưa vào bệnh viện cấp cứu, nhưng cuối cùng vẫn qua đời 16 ngày sau đó.
"Trên khía cạnh ngộ độc thực phẩm thì bạch tuộc không nằm trong top những loài hải sản nguy hiểm", Jenny Tschiesche, một chuyên gia dinh dưỡng cho biết. "Rủi ro này khá thấp và có lẽ cũng là lý do tại sao người Hàn Quốc thích ăn bạch tuộc sống".
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng bạch tuộc có thể gây ra nguy cơ sặc hoặc bít đường thở dẫn đến tử vong. Kim Sang Jin , một đầu bếp người Hàn Quốc, cho biết những con bạch tuộc cần được cắt nhỏ thành từng miếng nhỏ và loại bỏ chất nhày vì chúng có vị không ngon lắm.
"Nếu bạn cố gắng ăn những miếng lớn, nó có thể mắc vào cổ họng bạn. Và đó là khi bạn gặp tai nạn và tử vong", Jin nói.
Ăn bạch tuộc sống ở Hàn Quốc | National Geographic
Trên thực tế, bạch tuộc là một loài vật rất thông minh. Nó có tới nửa tỷ tế bào thần kinh, tương đương với loài chó. Khoảng 2/3 số tế bào thần kinh của bạch tuộc phân bố trên các xúc tu của nó. Và đó cũng là lý do tại sao các xúc tu này vẫn có thể ngoe nguẩy sau khi đã bị cắt rời khỏi thân và não của bạch tuộc.
Đặc trưng của bạch tuộc khiến một số nhà đạo đức động vật cho rằng việc ăn sống loài vật này là một hành vi tàn nhẫn. Liệu những con bạch tuộc và cả xúc tu của nó có còn cảm thấy đau khi bạn ăn sống chúng hay không?
Tiến sĩ Jennifer Mather, một giáo sư tâm lý học đồng thời là nhà nghiên cứu các loài động vật cephalopod (các loài nhuyễn thể xúc tu như mực và bạch tuộc) cho biết, trên thực tế, những xúc tu đã được cắt ra khỏi cơ thể bạch tuộc không biết đau.
Mặc dù chúng còn ngọ nguậy với các tế bào thần kinh, nhưng bởi đã bị ngắt kết nối với não bộ, những xúc tu không thể tự nó đau đớn như bạn cảm thấy.
Tuy nhiên, những con bạch tuộc sống vẫn cảm thấy đau mỗi lần bạn chặt xúc tu của chúng thành từng khúc. "Chúng đang cảm thấy đau mỗi khi bạn làm điều đó. Nó đau đớn cũng tựa như một con lợn, một con cá hoặc một con thỏ, khi bạn chặt chúng ra từng mảnh. Vì vậy, đó là một điều dã man để làm với động vật", Tiến sĩ Mather nói.
Để giảm bớt sự đau khổ cho những con bạch tuộc khi bị biến thành thức ăn của con người, cô đề nghị một phương pháp chế biến nhân đạo hơn dành cho chúng.
"Những gì tôi sẽ làm là đặt nó vào tủ đông. Động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật nhuyễn thể không có bất kỳ quá trình điều hòa thân nhiệt nào bên trong cơ thể. Vì vậy nếu bạn đông lạnh chúng, bạn có thể đưa chúng đến một điểm mà chúng thực sự không còn ý thức", Tiến sĩ Mather nói.
Và rồi sau đó, bạn có thể giết chết, rã đông và chế biến chúng một cách nhẹ nhàng hơn. Mặc dù vậy, nhiều người sẽ muốn chọn ăn tươi bạch tuộc thay vì đông lạnh. Khi đó, tiến sĩ Mather gợi ý bạn có thể cho con bạch tuộc một cái chết nhanh chóng và ít đau đớn nhất bằng cách cắt đầu và não của nó.
"Tôi nghĩ thổ dân Hawaii đã từng làm điều đó. Họ cắn vào não con bạch tuộc và giết nó một cách nhanh nhất có thể", cô nói.
Tham khảo Vice