Phong trào "tìm diệt" đáng báo động của nhóm người thừa thời gian, thiếu hiểu biết trên MXH: Thà "ném đá" nhầm còn hơn bỏ sót?!

Cư dân mạng vốn nhanh nhẹn trong việc tiếp cận thông tin hot, thế nhưng kiểm chứng ra sao, lên án thế nào thì lại chẳng hề thông thái. Khi một sự kiện nổi lên, một doanh nghiệp, nhân vật đang thu hút sự chú ý, thì lập tức xuất hiện một đám đông thừa thời gian bắt đầu phong trào "tìm rồi diệt"!

Không biết từ lúc nào, MXH xuất hiện một cộng đồng hung hãn và nóng nảy đến mức chỉ cần một ai đó tiên phong kêu gọi bất kỳ điều gì, họ sẽ răm rắp làm theo. Nhóm người này không cần mất thời gian kiểm chứng đúng sai hay tìm hiểu đến cùng sự việc, đối với họ, những gì mà số đông đang làm thì mặc nhiên là đúng! Họ cũng không bao giờ cân nhắc xem hành động a dua của mình mang lại giá trị gì ngoài việc "cho vui", "cho giống cộng đồng".

Một đám đông cô đơn nhàn rỗi, thừa thời gian nhưng lại thiếu nhận định, thừa câu chữ nhưng lại thiếu bình tĩnh, đã gây ra muôn vàn tình huống, từ dở khóc dở cười đến cả nước mắt cho những người bị vạ lây.

Phong trào tìm diệt đáng báo động của nhóm người thừa thời gian, thiếu hiểu biết trên MXH: Thà ném đá nhầm còn hơn bỏ sót?! - Ảnh 1.

Đám đông nghĩ mình là anh hùng, nhưng đối diện với hậu quả thì lại cho rằng ta... vô can: Vì trong 1 cộng đồng những người hành động như mình, họ cảm giác an toàn khi mình chỉ là phần tử nhỏ như hạt cát, hành vi của họ có nhầm lẫn, xấu xa thì hậu quả họ tạo cho người khác là do cả một cộng đồng chứ không phải chỉ mỗi mình họ, và vì thế họ nghiễm nhiên tiếp tục ẩn nấp sau những cái tên tài khoản ảo trên MXH, công kích những ai mà họ ghét, cả những ai mà họ (lỡ) ghét nhầm!

Mâu thuẫn giữa YoutuberKhoa Pug và resort Aroma Phan Thiết gần đây là một minh chứng cho sự sốc nổi của nhóm người thích "tìm rồi diệt" này.

Khi sự việc nổi lên và được dư luận quan tâm, một bộ phận cư dân mạng muốn bày tỏ sự bức xúc của mình đối với resort Aroma nên đã tìm vào fanpage resort này để lại những bình luận tiêu cực. Đó là việc mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể đối diện khi xảy ra lùm xùm với khách hàng - đặc biệt khi khách hàng là người có một lượng "fan" đông đảo như Youtuber Khoa Pug.

Thế nhưng chuyện không dừng ở mỗi resort của Aroma, mà nó còn "lây lan" như một virus không có thuốc kháng: Một loạt doanh nghiệp vô tội trở thành nạn nhân của phong trào "tìm, nhưng diệt nhầm!".

Phong trào tìm diệt đáng báo động của nhóm người thừa thời gian, thiếu hiểu biết trên MXH: Thà ném đá nhầm còn hơn bỏ sót?! - Ảnh 2.

Youtuber Khoa Pug bức xúc tố resort Aroma lừa đảo, thiếu tôn trọng khách hàng

Cụ thể, khi fanpage của resort Aroma Phan Thiết đóng, nhiều người đã tìm kiếm từ khóa "Aroma" trên Facebook rồi điên cuồng lao vào chỉ trích hết lời, chỉ chú ý đến cụm từ "Aroma" mà chẳng quan tâm địa chỉ mình tìm được đúng hay sai. Một khách sạn "Aroma" ở Nha Trang, một ở Lào Cai, thậm chí một ở Nhật Bản chỉ vì có trùng tên với Aroma Phan Thiết mà chung cảnh vạ lây, bị review hàng loạt sao thấp trong nỗi hoang mang không biết chuyện gì.

Phong trào tìm diệt đáng báo động của nhóm người thừa thời gian, thiếu hiểu biết trên MXH: Thà ném đá nhầm còn hơn bỏ sót?! - Ảnh 3.

Một khách sạn khác là "Anantara" - chỉ do cái tên na ná Aroma - cũng bất ngờ rơi vào cảnh bị "ném đá" tập thể, phải đăng đàn giải thích.

"Lừa đảo", "Khách sạn dỏm gắn mác 5 sao", "Thất đức ăn tiền của người ta không bền được đâu"... hàng trăm lời công kích từ mạng xã hội nhắm thẳng đến fanpge những khách sạn "na ná" Aroma Phan Thiết khiến công sức gầy dựng thương hiệu bao nhiêu năm của 1 tập thể bỗng dưng sụp đổ sau 1 màn "gạch đá" vội vàng, không phân biệt thật giả.

Oái oăm hơn cả, có một "Aroma" ở TP.HCM cũng phải đau đầu đối mặt với làn sóng tẩy chay từ cộng đồng mạng, nhận hàng loạt rate 1 sao chỉ do có trùng tên với resort Aroma Phan Thiết.

Aroma TP.HCM này phải chăng cũng là khách sạn hay resort, trùng tên, thì sự nhầm lẫn có thể lý giải được. Thế nhưng họ lại là 1... trung tâm tiếng Anh, không có chuỗi phòng nghỉ hay nhân viên lễ tân gây tranh cãi nào!

Mặc cho dòng chữ "Aroma - Tiếng anh cho người đi làm" nổi chình ình trên kết quả tìm kiếm từ Google, thì một số người vẫn lười đọc, lười tìm hiểu, lao ngay vào rate 1 sao và chửi bới. Chuyện gì đang xảy ra với họ vậy?

Phong trào tìm diệt đáng báo động của nhóm người thừa thời gian, thiếu hiểu biết trên MXH: Thà ném đá nhầm còn hơn bỏ sót?! - Ảnh 4.

Một thông tin xuất hiện trên mạng xã hội, một hai người kiểm chứng hời hợt, đến người thứ ba, thứ 4, chẳng ai còn kiểm chứng nữa mà dễ dàng chấp nhận thông tin, không ngần ngại đưa ra luôn những bình luận, đánh giá ác ý, hành động theo kiểu không quan tâm đúng sai, "thà ném đá nhầm còn hơn bỏ sót".

Còn nhớ sự việc 1 cô giáo ở La Gi, Bình Thuận bị chồng tố cáo có quan hệ bất chính với học sinh lớp 10 gây bão dư luận thời gian gần đây. Thời điểm thông tin về sự việc này bùng nổ trên Facebook, người ta đồn thổi nhau cô giáo kia vào nhà nghỉ cùng 1 nam sinh có tên T.C.M.

Nhưng trời ơi những "anh hùng bàn phím", ai là người tung ra cái tin đồn thất thiệt đó? Chuyện khách sạn, nhà hàng na ná resort Aroma bị ném đá nhầm gây ảnh hưởng đến uy tín có lẽ không khủng khiếp bằng sự nhầm lẫn tệ hại đối với 1 học sinh lớp 10, bị tung tin đồn quan hệ bất chính với cô giáo. Cộng đồng tìm và tìm, tìm từ cái ảnh, cái status, thậm chí lập hẳn page giả để "diệt" nam sinh này vì nghĩ em là người vào nhà nghỉ cùng cô giáo trong đoạn clip.

Cả ngàn bình luận và tin nhắn mạt sát, những câu từ gây ức chế liên tục nói về M. Mặc dù được gia đình, người thân, thầy cô, bạn bè động viên nhưng thời gian đầu nam sinh vẫn không thể đến lớp vì bị nhiều người vu khống oan ức, em bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng.

Phong trào tìm diệt đáng báo động của nhóm người thừa thời gian, thiếu hiểu biết trên MXH: Thà ném đá nhầm còn hơn bỏ sót?! - Ảnh 5.

Mẹ nam sinh M. khóc nức nở khi con trai bị vu oan.

Chứng kiến con mình là nạn nhân từ phong trào "tìm rồi diệt" kinh khủng của cộng đồng mạng, mẹ của M. đã phải nhờ đến các cơ quan báo chí truyền thông đính chính, để con chị có thể đến trường như bao học sinh khác.

Không dừng ở những bình luận chỉ trích ảo trên mạng, nhiều người còn mang sự bức xúc của mình biến thành hành động thật. Một ví dụ xảy ra mới đây, liên quan đến sự việc của ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Viện phó VKSND TP Đà Nẵng.

Theo đó, khi đoạn clip cho thấy hình ảnh ông Linh có hành động không đúng mực với bé gái 7 tuổi trong thang máy chung cư ở TP.HCM được phát tán trên mạng xã hội, rất đông cư dân mạng đã vô cùng bức xúc, bất bình. Không những "ném đá" người đàn ông này trên mạng xã hội, họ còn hò nhau offline để... ném rác, ném cả sự tức giận vào nhà của ông Linh.

Phong trào tìm diệt đáng báo động của nhóm người thừa thời gian, thiếu hiểu biết trên MXH: Thà ném đá nhầm còn hơn bỏ sót?! - Ảnh 6.

Nhà ông Linh bị đối tượng lạ mặt vẽ bậy, bôi bẩn.

Phong trào tìm diệt đáng báo động của nhóm người thừa thời gian, thiếu hiểu biết trên MXH: Thà ném đá nhầm còn hơn bỏ sót?! - Ảnh 7.

Nhóm bạn trẻ tập trung "check in" trước nhà ông Linh.

Tuy nhiên đằng sau cánh cổng màu trắng kia không chỉ là nơi ở của ông Linh mà còn là mái nhà của vợ con, người thân - những người vô tội, không hề liên quan đến sự việc. Không những thế, việc nhiều người kéo đến trước cổng nhà cựu Viện phó VKSND TP Đà Nẵng còn gây ảnh hưởng đến những người hàng xóm sinh sống xung quanh, gây mất trật tự an ninh khu vực.

Dù là hành động vi phạm, nhưng một số người vẫn biện minh rằng rất "cần thiết" vì ông Linh cần phải bị "trừng trị" bởi xã hội. Vậy nên cách mà họ làm bỏ qua pháp luật, trị luôn cả gia đình ông mới hả dạ. Thật buồn vì có một bộ phận ủng hộ cách làm này, cũng như ủng hộ việc rate 1 sao, chửi bới tiêu cực, "dìm cho chết, nhầm thì thôi!".

Những thành viên của phong trào "tìm diệt", các bạn vô tư nhưng không vô can. Các bạn nghĩ mình đang đại diện cho phe chính nghĩa trừng trị kẻ xấu nhưng bản thân các bạn vẫn còn nhập nhằng khái niệm giữa "lên tiếng vì tiêu cực" và "a dua theo đám đông".

Phong trào tìm diệt đáng báo động của nhóm người thừa thời gian, thiếu hiểu biết trên MXH: Thà ném đá nhầm còn hơn bỏ sót?! - Ảnh 8.

Trong 1 cuộc phỏng vấn với báo chí, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển đã cho rằng: "Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận và định hướng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho giới trẻ hiện nay một cách nghiêm túc. Văn hóa tranh luận đòi hỏi các bên cần phải tôn trọng lẫn nhau, không được mạt sát, công kích đối phương bằng việc quy chụp, đánh giá cá nhân bằng cảm tính, không có dẫn chứng, căn cứ.

Tôi nghĩ, chúng ta cần nêu tên tuổi, chức danh, nơi ở người dùng mạng khi có hành vi này". Nói về cách ứng xử trên mạng xã hội. Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác".