1. Nguồn gốc của tên PlayerUnknown’s Battleground
Nếu như bạn chưa biết thì cái tên PlayerUnknown xuất phát từ ý tưởng của Brendan Greene – một trong những nhà thiết kế game có xuất phát điểm kỳ lạ nhất thế giới. Không như những nhà thiết kế bình thường, phải tới năm 30 tuổi, Brendan Greene mới bắt đầu đặt chân vào thế giới lạ lẫm này
Ban đầu, Brendan Greene khởi nghiệp với vai trò là một nhiếp ảnh gia với chuyên ngành thiết kế đồ họa. Sau đó, anh chàng này dần dần chuyển sang thiết kế game và vận dụng những ý tưởng sáng tạo của mình vào trong đó. Brendan Greene nổi tiếng tới mức thu hút được sự chú ý của khá nhiều ông lớn trong ngành. Kotaku thậm chí còn cho biết Sony Online Entertainment đã mất rất nhiều công sức để mời anh chàng này về góp ý cho siêu phẩm H1Z1: King of the Kill. Và đó cũng là nền tảng để sau này Brendan Greene hợp tác với Bluehole và cho ra siêu phẩm PUBG như bây giờ. Và cái tên PlayerUnknown được Brendan Greene lựa chọn như ẩn dụ khá thông minh để diễn tả sự nghiệp kỳ lạ của mình.
2. PlayerUnknown’s Battleground không phải là tựa game Battle Royale đầu tiên mà Brendan Greene sáng tạo ra
Thực tế thì trước PUBG, Brendan Greene đã được gọi là mod thể loại Battle Royale dành cho hai tựa game là Arma và DayZ. Cái tên Battle Royale cũng tới dựa trên ý tưởng của Brendan Greene khi ông xem bộ phim cùng tên của Nhật Bản vào năm 2000 – thứ được xây dựng dựa trên cuốn sách của Koushun Takami. Câu chuyện kể về một nhóm thanh thiếu niên bị chính phủ Nhật bỏ rơi trên hòn đảo hoang và phải chiến đấu với nhau để tìm ra người sống sót cuối cùng. Đó cũng là cảm hứng dành cho Brendan Greene để phát triển thể loại game này.
Tuy rằng PUBG không phải là những tác phẩm Battle Royale đầu tiên của Brendan Greene nhưng có thể coi nó là đỉnh cao trong sự nghiệp làm game của ông và có lẽ sẽ phải rất lâu nữa mới xuất hiện một cái tên đủ sức tạo ra tầm ảnh hưởng như PUBG đã và đang làm được.
3. Nguồn gốc của từ “WINNER WINNER CHICKEN DINNER”
Mỗi khi về đích ở vị trí đầu tiên trong các game đấu PUBG, bạn sẽ nhận được một thông điệp “Winner Winner Chicken Dinner” để tôn vinh thành tích của mình. Chắc chắn đây là cụm từ mà khá nhiều người chơi PUBG đã thấy, nhưng có lẽ chẳng nhiều người hiểu ý nghĩa của nó.
Thực tế thì cụm từ này bắt đầu xuất hiện vào năm 2009, trùng khớp với quãng thời gian của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra. Vào lúc ấy, nhiều người có xu hướng chuyển sang cờ bạc như một cách để xả stress cũng như kiếm thêm chút tiền trong bối cảnh khó khăn. Và cụm từ này ra đời để mô tả sự may mắn của một tay bạc, khi nếu hắn giành thắng lợi ở nhiều game đấu cùng một lúc, số tiền sẽ đủ để mua một con gà cho bữa tối. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế trầm trọng cái thời 2009 thì đó quả là một thứ xa xỉ. Brendan Greene tình cờ biết được thuật ngữ này ở Las Vegas và ông nhanh chóng áp dụng nó cho các tựa game Battle Royale của mình từ cái ngày còn làm việc với Arma Day 2 để rồi hiện tại là PUBG cũng tương tự
4. Brendan Greene chưa bao giờ giữ đúng lời hứa với game thủ
Theo Polygon, Brendan Greene nhiều lần tuyên bố rằng PUBG sẽ không thương mại hóa, ít nhất là khi nó vẫn còn trong trạng thái Early Access. Và nên nhớ rằng, phải tới tháng 12/2017 thì PUBG mới thoát ra khỏi trạng thái này, nhưng ngay từ đầu 7/2017, Greene và Bluehole đã cho ra mắt các hòm PUBG mới – thứ mà chỉ có thể mua được bằng tiền thật.
Mặc dù Brendan Greene cũng đã lên tiếng xin lỗi các fan hâm mộ trên Steam, thế nhưng điều đó cũng chẳng mang lại nhiều ý nghĩa. Các hòm PUBG cần mở khóa bằng tiền thật vẫn được bày bán và lời xin lỗi của Brendan Greene chỉ mang tính chất tượng trưng mà thôi. Nhưng có lẽ vì PUBG đã quá thành công và hấp dẫn thế nên cũng chẳng nhiều fan hâm mộ trách cứ Brendan Greene cho lắm.