Sợ mất vị thế độc tôn, Valve vội vàng thay đổi để chống đỡ Epic Store

Xem ra thời đại độc tôn của Valve sắp kết thúc rồi.

Trong ngành công nghiệp phát hành game, Valve luôn được coi như là một ông trùm. Với nền tảng Steam hoạt động trơn tru trong gần một thập niên, vị thế của công ty này gần là như không thể thay đổi. Tuy vậy, có một thế lực mới đã nổi lên trong khoảng nửa năm nay, và mang trong mình quyết tâm đánh bại ông lớn này. Đó chính là Epic Games với Epic Games Store. Trước sự xuất hiện của kẻ thách thức mới này, ông trùm đã có những biện pháp gì?

Mạng lưới Steam Network

Sợ mất vị thế độc tôn, Valve vội vàng thay đổi để chống đỡ Epic Store - Ảnh 1.

Đây là một thử nghiệm được Valve đầu tư từ rất lâu, mất nhiều công sức và thời gian xây dựng. Khi người chơi trải nghiệm các tựa game trực tuyến, họ hay phải đối mặt với sự "lag" khi internet không ổn định, hoặc server quá tải. Hoặc là khi tải game trên Steam, người dùng phải chấp nhận hi sinh đường mạng của các ứng dụng khác để nâng cao tốc độ tải về. Valve đã nghiên cứu rất lâu và đầu tư vào các điểm trung chuyển để giảm tải các khuyết điểm này này. Với 125 trạm trung chuyển này, dữ liệu của người dùng sẽ được gửi thẳng tới các cầu nối của Valve. Điều này sẽ giảm sự phụ thuộc vào gói dữ liệu internet của nhà mạng, hay các ISP trên toàn thế giới. Từ đó, trải nghiệm gameplay sẽ được tăng, và tốc độ tải cũng sẽ được cải thiện đáng kể. Valve đã khẳng định rằng đây sẽ là cải tiến giúp đầy lùi độ trễ của game, cũng như là bảo vệ người dùng và server khỏi các cuộc DDOS có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi. Hệ thống này được cho là vượt trội hơn internet truyền thống khá nhiều.

Các bộ công cụ giúp nhà phát triển độc lập

Sợ mất vị thế độc tôn, Valve vội vàng thay đổi để chống đỡ Epic Store - Ảnh 2.

Gần đây, trên Steam đã xuất hiện rất nhiều các công cụ do Valve cung cấp để hỗ trợ các nhà phát triển, nhất là các nhà làm game indie. Một trong số đó là Event, công cụ giúp các nhà làm game tiếp cận với những khách hàng của họ, và trở nên gắn bó hơn. Không chỉ vậy, ứng dụng này cũng giúp thu hút và tiếp cận những người chơi mới, tăng tập khách hàng của nhà sản xuất lên. Tất cả những thông tin về cập nhật, về trò chơi, hay hỏi đáp và livestream đều xuất hiện trong Event. Trình báo cáo và các công cụ theo dõi số lượt truy cập vào trang tiêu thụ game cũng được thêm vào, giúp bên phát triển nắm bắt được sự xuất hiện của trò chơi của họ. Tất cả những tính năng này đều giúp studio và game thủ gắn bó với nhau hơn.

AI lọc review

Sợ mất vị thế độc tôn, Valve vội vàng thay đổi để chống đỡ Epic Store - Ảnh 3.

Gần đây, Steam đã thay đổi thuật toán của mình. Một trong số đó là cách áp dụng AI vào việc tính toán review. Từ trước đến nay, "review bomb" luôn là một nỗi ám ảnh của các nhà phát hành. Với công nghệ trí tuệ nhân tạo mới này, khi AI phát hiện có thay đổi bất thường, chúng sẽ kiểm tra và loại trừ các nội dung lạc đề. Không chỉ vậy, Valve còn cho người dùng một nút để thông báo khi họ cảm thấy trò chơi của mình đang bị "review bomb". Công ty cũng khẳng định rằng nút đó cũng chỉ là giải pháp để phòng khi AI gặp lỗi trong quá trình lọc.

Thay đổi tỉ lệ lợi nhuận được chia

Sợ mất vị thế độc tôn, Valve vội vàng thay đổi để chống đỡ Epic Store - Ảnh 4.

Trong quá khứ, nhà phát hành sẽ được nhận 70% doanh thu của tựa game, còn Valve sẽ nhận 30% với tư cách là nhà phân phối. Google và Apple cũng đã áp dụng tỉ lệ này trên cửa hàng trực tuyến của họ. Tuy vậy, khi Epic Games Store ra mặt, nhiều hãng game đã có những phàn nàn về tỉ lệ ăn chia này. Và Valve đã có những điều chỉnh ngay lập tức để làm hài lòng các đối tác của mình. Khi một trò chơi đạt doanh thu trên 10 triệu đô, tỉ lệ giữa nhà phát hành và Valve sẽ được thay đổi là 75-25. Và khi đạt cột mốc 50 triệu đô, tỉ lệ môt lần nữa sẽ được thay đổi là 80-20. Quy định này được áp dụng có thể là một bước đi của Valve nhắm đến các nhà phát hành lớn.