Vài ngày trước đây, Mọt tui đọc được một thông tin “chấn động” trên Reddit, khi một tờ báo Đài Loan nọ công bố rằng sau khi cấm bán Animal Crossing: New Horizon và buộc tất cả các cửa hàng phải dẹp trò chơi này khỏi kệ, các cơ quan quản lý ở “nước lạ” đã có kế hoạch ra luật cấm tiệt game thủ của mình giao tiếp với người nước ngoài. Điều này khiến game thủ khắp thế giới – bao gồm cả những game thủ Việt Nam hay tin qua các đường Facebook, Reddit, Twitter… trở nên hào hứng và nô nức chờ đợi điều đó trở thành hiện thực, bởi từ lâu game thủ nước bạn thường gắn liền với những dòng chat toàn khung vuông và tai tiếng là kẻ gian lận trong game.
Thật vậy, các trò quậy phá của game thủ ở xứ-mà-ai-cũng-biết-là-đâu đã được game thủ biết đến từ lâu nay, đến mức “biết rồi, khổ lắm, nói mãi.” Rất nhiều trong số họ dùng đủ kiểu hack cheat để chiến thắng một cách đầy tự hào trong các tựa game đối kháng, không giao tiếp được bằng tiếng Anh mà lại xí xa xí xồ bằng tiếng nói riêng trên các kênh chat quốc tế (thường game thủ thế giới chỉ thấy toàn những khung vuông do game không hỗ trợ), gào rú, phá game đủ kiểu. Game thủ trong không ít game đã phải kêu gào đòi nhà phát hành khóa IP “nước này” để game thủ nước này tự chơi, tự phá với nhau, dù rất nhiều nhà phát hành không làm điều này nhằm bảo vệ túi tiền của họ.
Vậy nên khi tờ báo Đài Loan Taiwan News nói rằng sau khi cấm tựa game Animal Crossing vì bị một số game thủ nước ngoài lợi dụng tuyên truyền một số nội dung bị cấm, game thủ thế giới mừng như bắt được vàng. Theo tờ báo này thông tin, dự thảo luật đã xuất hiện tại các khu vực tỉnh lớn cùng các thành phố trực thuộc và dự kiến sẽ được mở rộng ra toàn quốc. Tờ báo này dẫn nguồn về một bài viết trong mục 3C Khoa Kỹ của trang LTN, một trang web tiếng Hoa.
Theo những gì Mọt đọc được từ bài viết của LTN, trong lệnh cấm mới, các tựa game có tính năng online sẽ không thể liên thông ra server toàn cầu hay các tính năng như chat online giữa game thủ nhiều nước. Chưa hết, ngay cả những tựa game hiện đang vận hành cũng sẽ bị buộc phải gỡ bỏ những tính năng hiện có. Điều này có nghĩa là game thủ quốc gia này và game thủ nước ngoài sẽ bị tách biệt hoàn toàn, buộc phải chơi trên những server khác nhau và không được giao tiếp cùng nhau.
Các hạng mục hạn chế khác có liên quan đến kiểm soát chơi game được nhắc đến bao gồm tất cả game thủ và các nền tảng game đều phải xác nhận tên thật khi mua sắm hoặc download game offline hoặc game peer to peer (tức một game thủ host cho những game thủ khác tham gia). Việc lợi dụng các tính năng tạo bản đồ, thiết kế trang phục, thành lập bang hội… để đăng tải các nội dung mang tính tuyên truyền chính trị trong game cũng bị chỉ trích chứ không phải cấm như trong bài viết gốc trên trang báo Đài Loan nêu. Game cũng không thể có những nội dung như zombie, bệnh dịch nhằm tránh bị liên tưởng đến bệnh “viêm phổi Wuhan” (trích nguyên văn cách gọi của bài viết gốc).
Một số quy định khác cũng được nhắc đến như việc cấm game thủ vị thành niên chơi game từ 10h tối hôm trước đến 8h tối hôm sau, không được chơi game online quá 3 tiếng mỗi ngày vào ngày nghỉ và 90 phút vào ngày thường. Mức độ nạp tiền cũng có quy định: game thủ từ 8 đến 16 tuổi không được nạp quá 200 tệ, từ 16 đến 18 tuổi không được quá 400 tệ… Nói chung, các quy định này quản khá rộng và nếu được thực hiện, quả thật game thủ nước ngoài sẽ không còn phải quá lo ngại chuyện game thủ xứ gấu trúc “quậy” cuộc chơi của mình bằng hack cheat linh tinh.
Những điều được nhắc đến bên trên không quá xa lạ với game thủ thế giới. Việc game thủ của quốc gia nổi tiếng nghiêm khắc về kiểm duyệt này bị hạn chế thời gian chơi hay số tiền được nạp đã được nhắc đến từ lâu, trong khi các quy định về việc xác nhận tài khoản bằng tên thật, kiểm duyệt nội dung game và chặn các hình ảnh xương sọ, zombie, bệnh dịch đã được thực thi lâu nay. Một số ví dụ nổi tiếng là việc các bộ xương trong World of Warcraft bản bản địa hóa của nước này được phủ thêm da thịt còn Karthus trong Liên Minh Huyền Thoại được “thay đầu” thành người da đen. Thật ra lệnh cấm này còn lan rộng ra mọi loại hình giải trí khác, và là một trong những lý do khiến bộ phim World War Z 2 bị hủy bỏ hồi đầu năm 2019 vì nó sẽ không thể được chiếu tại thị trường này dẫn đến không thể đủ doanh thu dự kiến. Vì vậy, những gì mà Taiwan News viết tỏ ra khá hợp lý khi mang ra so với tình hình kiểm duyệt game từ trước đến nay.
Tuy nhiên sau khi cố gắng tìm kiếm gốc rễ của câu chuyện, Mọt phải nói rằng có lẽ game thủ thế giới đã mừng hơi sớm. Trong bài viết gốc của trang web tiếng Trung LTN, tác giả nói rằng nguồn của mình đến từ… một diễn đàn game, nhưng không có link đến bất kỳ diễn đàn nào để Mọt có thể đọc và kiểm chứng. Thật ra ngay cả khi bài viết của LTN có dẫn link đến nguồn, nó hoàn toàn có thể chỉ là lời bốc phét, một câu đùa vu vơ hay châm chọc mỉa mai của game thủ sau khi Animal Crossing bị dỡ khỏi các kệ đĩa và không còn tiếp tục được bán.
Vì vậy, Mọt xin được kết luận rằng khả năng việc game thủ “nước lạ” bị cấm giao tiếp với game thủ nước ngoài qua các tựa game online là… tin vịt rất cao. Dĩ nhiên vẫn có khả năng điều này sẽ trở thành sự thật bởi thị trường game nước này vốn nổi tiếng với các biện pháp kiểm duyệt gắt gao cả về nội dung game lẫn người dùng. Nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra, các game thủ nước bạn sẽ vẫn có thể có một số lượng nhỏ “trèo tường lửa” ra chơi ở server nước ngoài và mang các loại hack, cheat cùng họ để tiếp tục phá game.