Trong phần hai của chủ đề những tựa game đáng chơi của thế kỉ 21, Mọt sẽ tiếp tục với những cái tên mà Mọt nghĩ sẽ khá là thú vị. Hy vọng sẽ giúp cho mọi người tìm được một vài tựa game đáng để thử, dù chỉ một lần.
45. Papers, Please (2013)
Papers, Please là một game lột tả mọi góc khuất trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Trong tựa game này, bạn là một nhân viên di trú cho một đất nước bị chiến tranh tàn phá và đây là nơi kẻ gian không ngừng tìm cách ‘tuồn’ những thứ bất hợp pháp vào như thuốc phiện, vũ khí, giấy tờ tùy thân giả.
Nhiệm vụ của bạn là chặn đứng những việc nhập cư bất hợp pháp vào đất nước mình. Lựa chọn của bạn sẽ ảnh hưởng đến các nhân vật trong game và cả chính gia đình của bạn. Đơn cử như những người mẹ và những đứa con nhỏ sử dụng hộ chiếu giả, với mong muốn đoàn tụ với gia đình của họ thì sao? Hoặc một người tị nạn không có giấy tờ, bạn có thể từ chối vì bạn cho rằng có thể đây là một phần tử khủng bố nhưng trên thực tế thì họ có thể lại là một dân thường đang tuyệt vọng?
Có thể nói ‘Paper, please’ là một trò chơi minh họa rất mạnh mẽ về việc chúng ta có thể vô tình trở thành đồng loã cho sự vô nhân đạo. Theo Mọt thì đây là một trong những tựa game rất đáng chơi vì nó đem lại cho chúng ta những cái nhìn khác qua việc khám phá những tình huống khó xử liên quan về những vấn đề đạo đức của con người.
44. Forza Horizon (2012)
Thể loại game đua xe vốn dĩ đã bị thống trị bởi series Need For Speed (series game đua xe huyền thoại) trong một thời gian dài, mãi cho đến khi Forza Horizon ra mắt.
Với sự kết hợp giữa cấu trúc game đua xe casual cùng thế giới mở với nguồn năng lượng dâng trào đến từ âm nhạc trong game, Forza Horizon đã rất thành công trong việc làm cho các trò chơi đua xe arcade bắt đầu thú vị trở lại.
Không những đã đem lại cho game thủ rất nhiều sự lựa chọn về dòng xe, mà Forza Horizon còn mang lại sự cải cách về lối chơi nhiều người bằng cách sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ từ AI. Có thể nói đây là một trong những tựa game được thiết kế trên tiêu chí đơn giản và không quá “try hard”, mang đến cho người chơi nhiều trải nghiệm, cảm giác lái xe vô cùng thích thú. Đây thật sự là một tựa game đua xe rất đáng để chúng ta chơi và trải nghiệm
43. Rocket League (2015)
“Một game đá bóng nhưng cầu thủ chính là những chiếc ô tô”, là những gì Mọt có thể mô tả về Rocket League. Tuy sở hữu lối chơi tưởng chừng rất đơn giản như bao tựa game đá bóng khác nhưng thực tế Rocket League là một trong những trò chơi đòi hỏi kĩ năng khéo léo và xử lý tình huống cực tốt.
Tựa game này mang lại cho người chơi một ‘cơn nghiện’ rất kỳ lạ và khó có thể giải thích được. Cho đến khi bạn tự điều khiển một chiếc ô tô và sút thủng lưới của đối thủ thì lúc đó bạn mới có thể hiểu được cảm giác của Mọt.
Theo Mọt dự đoán, trong khoảng 20 năm sắp tới, vẫn sẽ còn rất nhiều người chơi game này. Trên thực tế, tính từ năm 2015 cho đến nay thì Rocket League vẫn đang trong top game nhiều người chơi nhất. Đặc biệt nhất là ở năm 2019, tựa game này đã được cho ‘lên kệ’ Epic Games Store và bắt đầu hỗ trợ chơi miễn phí, động thái này càng giúp cho game tiếp cận đến với nhiều game thủ hơn.
42. Burnout 3: Takedown (2004)
Criterion, vị cha đẻ của series đua xe arcade Burnout, luôn muốn phát triển game xoay quanh hai nguyên tắc chính đó là: tốc độ và phong cách.
Cụ thể hơn, đến với Burnout 3: Takedown, người chơi có thể thực hiện những pha hành động cực ngầu và liều lĩnh để có thể vượt mặt đối thủ của mình trên những cung đường thành phố đông đúc. Chưa dừng lại ở đó, tựa game này còn sở hữu một tính năng đúng như với cái tên của mình, đó là “Takedown”. Nói cho dễ hiểu, đó chính là ‘xử đẹp’ và loại bỏ đối thủ khỏi vòng đua.
Những chi tiết ‘slow-motion’ cũng góp phần biến những cuộc pha chạm đầy bạo lực và vô cùng kịch tính, thành những tác phẩm nghệ thuật trông cũng rất thú vị. Nói nghệ thuật cho ‘sang mồm’ vậy thôi chứ thật ra nhìn mấy chiếc xe tông nhau nhìn cũng… thích thật!
41. Overwatch (2016)
Overwatch tuy là một game FPS nhưng đã bất ngờ tấn công vào làng game MOBA như một vụ nổ Big-Bang vào năm 2016. Mọt xin phép không kể nhiều về tựa game này nữa vì thiên hạ đã bỏ rất nhiều giấy mực để nói về nó rồi.
Mặc dù Overwatch không có hệ thống lên cấp, không cần phải mở khóa vũ khí; tất cả chỉ xoay quanh việc kết hợp hiệu quả các kỹ năng đặc biệt của các ‘tướng’, từ khẩu súng đóng băng của Mei cho đến kỹ năng hồi máu của cô nàng Thụy Sĩ, Mercy. Thế nhưng, chính bản thân của tựa game này sở hữu một phong cách đa sắc màu và không bao giờ có thể bị trộn lẫn với nhau, chính vì vậy Overwatch đã dành được rất nhiều tình yêu của game thủ trên toàn thế giới.
Theo Mọt đánh giá thì Overwatch là một game rất đáng chơi, bởi có sự kết hợp tương đối tốt giữa lối chơi MOBA và thể loại game bắn súng góc nhìn thứ nhất. Quan trọng nhất đó cũng là yếu tố chính mang lại nhiều trải nghiệm mới lạ cho một con mọt thuần game FPS như Mọt tui. Nói nhỏ một tí cho mọi người nghe, Mọt chơi Overwatch cũng được hơn 600 giờ rồi đó, ghê chưa!
Còn tiếp…