Chiều 18/6, trao đổi trên báo Thanh Niên, ông Phạm Văn Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn xác nhận đười ươi đang hút thuốc trong clip chính là đười ươi tại Thảo Cầm Viên.
Theo ông Tân, tại Thảo Cầm Viên, ở chuồng nuôi cừu, du khách có thể vào trong cho cừu ăn, nhưng tại các chuồng khác thì đều gắn biển quy định khách không cho thú ăn, không chọc phá thú bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
"Dù vậy, thực tế trong chuồng của thú vẫn đầy rác đồ ăn, nước uống mà khách quăng vào chuồng. Mỗi lần nhân viên nhốt thú dọn vệ sinh rất cực. Đười ươi trong clip hút thuốc có thể là thuốc của khách đang hút dở quăng vào chuồng", ông Tân nói.
Giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn thông tin thêm, về nguyên tắc, Thảo Cầm Viên không có thẩm quyền xử phạt khách khi thấy khách chọc phá thú. Thay vào đó, nhân viên khi thấy khách có hành vi chọc phá thú hay cho thú ăn là nhắc liền, đôi khi còn bị khách phản ứng.
"Khi làm chuồng thú, chúng tôi phải tính tới cả phương án làm sao để khách không chọc phá thú, làm lưới chắn xong còn phải thêm lớp kính. Sắp tới, có thể Thảo Cầm Viên phải lắp thêm camera để giám sát", ông Phạm Văn Tân chia sẻ.
Cũng trao đổi trên Tuổi Trẻ Online, nhân viên Thảo cầm viên Sài Gòn cho biết: "Điếu thuốc có thể do khách tham quan ném xuống. Du khách hay ném nhiều đồ vật xuống dưới chuồng nên chúng hay cầm lên và bắt chước mọi người".
Nhân viên này nói thêm vì lượng khách đông nên nhiều bảo vệ, nhân viên không thể kiểm soát hết các chuồng trại thú.
Trước đó, đoạn clip ghi lại hình ảnh một con đười ươi ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn phì phèo điếu thuốc vừa lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người thấy... sốc.
Chỉ ít phút sau khi clip xuất hiện trên mạng, đã thu hút hàng nghìn lượt xem, bình luận và chia sẻ.
Đười ươi Borneo nằm trong nhóm động vật vô cùng nguy cấp, theo Sách đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế, do môi trường sống thu hẹp và nạn săn bắt. Chúng có thể sống 35-40 tuổi ngoài tự nhiên, hoặc đến 60 tuổi khi nuôi nhốt.
Thảo Cầm Viên được xây dựng năm 1864 với tên gọi ban đầu là Vườn Bách Thảo, là một trong 10 vườn thú lâu đời nhất của thế giới. Nơi đây được xem như viện bảo tàng sinh vật học với hàng nghìn loại động thực vật Việt Nam và thế giới đang được nuôi trồng, chăm sóc.