“Cá mập” Shark Tank tranh nhau startup áp dụng blockchain của “mẹ bỉm sữa”

Bị chinh phục bởi thái độ nghiêm túc và quyết tâm của startup, Shark Nguyễn Thanh Việt đồng ý mức đầu tư 5 tỷ đồng cho 20% cổ phần.

Ba startup xuất hiện trong tập 12 của Shark Tank mùa 3 dù có xuất phát điểm ý tưởng khởi nghiệp khác nhau, tuy nhiên đều có điểm chung là mong muốn tạo ra các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng 4.0 phục vụ nhu cầu sức khỏe cho người Việt.

Thương vụ nổi bật nhất trong tập 12 là màn gọi vốn của startup “mẹ bỉm sữa” Đỗ Phan Hoàng Sương - founder Công ty TNHH Dalat Foodie Việt Nam. Xuất hiện đặc biệt với hai thiên thần nhỏ của mình, nữ startup tiết lộ đây chính là động lực để cô có mặt tại Shark Tank kêu gọi số vốn 5 tỷ đồng cho 20% cổ phần công ty.

“Cá mập” Shark Tank tranh nhau startup áp dụng blockchain của “mẹ bỉm sữa” - 1

Mở đầu phần thuyết trình, Đỗ Phan Hoàng Sương chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp của cô ra đời xuất phát từ sự đồng cảm với nỗi trăn trở chung của các “mẹ bỉm sữa” về sự an toàn, sức khỏe con cái kể từ khi còn trong bụng mẹ. Năm 2015, nữ startup bắt đầu Dalat Foodie với tầm nhìn xây dựng công ty “vì tương lai trẻ em phát triển tự nhiên, khỏe mạnh nhờ được nuôi dưỡng bằng thực phẩm hữu cơ”.

Dalat Foodie cung cấp dòng rau củ quả tươi về chế biến và bán cho khách hàng theo mô hình "Farm to table". Trung bình một đơn hàng được bán ra với giá trị 290.000 đồng. Sản phẩm của Dalat Foodie hiện đang phân phối trực tiếp qua cửa hàng tại Gò Vấp (TP.HCM) và một số kênh liên kết online như: Vietnammm, Grab, Goviet,…

Tính đến cuối tháng 3/2019, Dalat Foodie đạt doanh thu 10,5 tỷ đồng, phục vụ được 15.449 khách hàng với lợi nhuận 460 triệu đồng (tổng lãi từ năm 2015 đến 2018). Mục tiêu trong 5 năm tới, startup sẽ chiếm 20% thị phần thực phẩm hữu cơ dành cho em bé.

Con số này khiến Shark Việt ấn tượng mạnh, “vị cá mập” không ngần ngại dành cho startup lời khen: “Nếu anh là chủ của giải thưởng Nobel về kinh tế thì anh sẽ thưởng em bởi vì làm nông nghiệp mà có lãi”.

“Cá mập” Shark Tank tranh nhau startup áp dụng blockchain của “mẹ bỉm sữa” - 2

Sản phẩm áp dụng công nghệ blockchain cũng như QR Code để quản lý nguồn gốc.

Chia sẻ về quy trình sử dụng vốn, Đỗ Phan Hoàng Sương cho hay sẽ dùng 1 tỷ đầu tư vào Marketing và Educate chuỗi cung ứng để áp dụng được công nghệ blockchain, truy xuất nguồn gốc bằng QR Code và giúp khách hàng hiểu được cách sử dụng, 500 triệu tiếp theo đầu tư vào công nghệ quản lý, 1,5 tỷ để mở rộng nhà xưởng và showroom, số còn lại tập trung vào vốn lưu động và lưu động thường xuyên. 

Đánh giá cao ý tưởng khởi nghiệp nhưng cảm thấy startup thiếu định vị, cách làm chưa đủ thuyết phục nên lần lượt Shark Phạm Thanh Hưng, Đỗ Liên và Dzung Nguyễn đều tuyên bố rút lui để nhường lại “sân chơi” cho Shark Linh và Shark Việt.

Nhận xét về mô hình của Dalat Foodie, Shark Thái Vân Linh cho rằng startup không nhất thiết phải dùng quá nhiều tiền ngay lúc đầu để mở showroom mà nên thử làm một nhà hàng ảo để tìm hiểu khẩu vị của khách hàng. Shark Linh đề nghị đầu tư 5 tỷ cho 40% cổ phần.

Bị chinh phục bởi thái độ nghiêm túc và quyết tâm của startup đối với lĩnh vực hữu cơ, Shark Nguyễn Thanh Việt đồng ý mức đề nghị 5 tỷ cho 20% cổ phần.

“Cá mập” Shark Tank tranh nhau startup áp dụng blockchain của “mẹ bỉm sữa” - 3

Shark Việt đã đồng ý đầu tư 5 tỷ đồng cho 20% cổ phần.

Trước hai lời đề nghị đầu tư, nhà sáng lập Dalat Foodie đã lựa chọn về chung nhà cùng Shark Nguyễn Thanh Việt, bởi lý do cảm thấy đồng cảm sâu sắc trước câu nói của “vị cá mập” gửi đến các startup mùa này rằng: “Bất kỳ một sản phẩm, dịch vụ nào ra mà xã hội đang cần, con người đang thiếu thì tôi sẽ đầu tư. Kinh doanh về lợi nhuận thì dĩ nhiên phải có nhưng nó phải tạo được giá trị cho xã hội”.

Lại một lần, startup ghi điểm trong mắt nhà đầu tư với câu trả lời chân thành. Thương vụ khép lại với cái bắt tay giữa startup và Shark. “Vị cá mập” chia sẻ: “Đề xuất của anh hấp dẫn về tài chính hơn nhưng em không nói về tài chính, riêng điều đấy của em là thắng lợi rồi. Nếu hôm nay em chọn anh vì đề xuất nhiều tiền hơn thì có khi anh lại từ chối không đầu tư cho em nữa. Tiền không phải là tất cả với doanh nghiệp, đạo được kinh doanh mới là quan trọng”.