“Ông lớn” Analog Devices “nhắm” thị trường chip bán dẫn xe điện tại Việt Nam

Chip bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa phân phối điện năng, giám sát hiệu suất pin, và đảm bảo an toàn và hiệu quả tổng thể của xe điện.

Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng thu hút các nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu trên thế giới như Intel, Samsung, Hana Micron Vina, Amkor Technology và mới đây nhất là Analog Devices (ADI) – 1 trong 10 công ty lớn nhất Hoa Kỳ về sản xuất và cung cấp chip bán dẫn cũng đã xác nhận kế hoạch tăng thêm đầu tư vào thị trường chip bán dẫn tại Việt Nam, đặc biệt là mảng chip xe điện.

Đây được xem là bước đi thông minh và dứt khoát của ADI khi mà thị trường xe điện (EV), mạng 5G và sự gia tăng của phương tiện tự lái, đang tạo nên những cơ hội mới cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo BMI dự đoán, doanh số bán xe điện tại Việt Nam sẽ tăng trưởng bình quân 25,8% trong giai đoạn từ 2023 đến 2032. Đáng chú ý, BMI ước tính tỷ lệ thâm nhập của ô tô điện (nghĩa là tỷ lệ bán ô tô điện trên tổng doanh số bán thị trường ô tô điện) sẽ tăng lên 13,6% vào 2030.

Tương tự, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cũng đưa ra dự đoán tổng sở hữu xe ô tô điện sẽ đạt 1 triệu người vào năm 2028 và 3,5 triệu người ở thời điểm năm 2040.

Ông Daryl Wan, Giám đốc Kinh doanh vùng, Nam Thái Bình Dương, Analog Devices (ADI).

Ông Daryl Wan, Giám đốc Kinh doanh vùng, Nam Thái Bình Dương, Analog Devices (ADI).

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Daryl Wan, Giám đốc Kinh doanh vùng, Nam Thái Bình Dương, Analog Devices (ADI) về thị trường chip bán dẫn tại Việt Nam.

-  ADI đánh giá và nhận định thị trường Chip Bán dẫn tại Việt Nam như thế nào?

- Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một quốc gia có vai trò then chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng về các thiết bị điện tử và phát triển đáng kể của cơ sở hạ tầng. Vị trí địa lý chiến lược và chi phí nhân lực cạnh tranh đã thu hút các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài đến đầu tư và mở rộng hoạt động tại đây. Bên canh đó, chiến lược tận dụng sự độc lập về địa chính trị và nguồn đầu tư nước ngoài đang xây dựng nền tảng để Việt Nam có thể trở thành một cường quốc công nghệ.

Một trong những cơ hội chính của Việt Nam nằm ở công đoạn lắp ráp chip, một lĩnh vực quan trọng để đáp ứng nhu cầu của ngành và giảm thiểu tình trạng “tập trung quá mức” năng lực sản xuất tại Trung Quốc và Đài Loan, hiện chiếm 60% công suất toàn cầu trong phân khúc này.

- ADI hoạt động tích cực trong lĩnh vực nào của chip bán dẫn, và tại sao lại tập trung vào phương tiện xe điện (EV)?

- ADI đang tham gia vào nhiều yếu tố thúc đẩy tăng trưởng lâu dài trong ngành công nghiệp ô tô, bao gồm xe điện. Khi xe điện trở nên phổ biến như một giải pháp giao thông bền vững toàn cầu, bao gồm cả tỷ lệ sử dụng xe điện gia tăng ở các quốc gia như Việt Nam, chip bán dẫn của ADI đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa phân phối điện năng, giám sát hiệu suất pin, và đảm bảo an toàn và hiệu quả tổng thể của xe điện.

Lấy ví dụ như, ADI gần đây đã giới thiệu Hệ thống quản lý pin không dây (wBMS) cho xe điện, một công nghệ đột phá cung cấp các tính năng bổ sung giúp đơn giản hóa quá trình sản xuất xe điện. ADI cũng đang tích cực hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu để thúc đẩy việc áp dụng công nghệ quản lý pin không dây (wBMS) trong ngành công nghiệp ô tô, vượt qua các ranh giới đổi mới, và nâng cao chiến lược cùng hợp tác sáng tạo với khách hàng của chúng tôi.

Hơn nữa, tại Việt Nam, nơi mà vận tải đường bộ chiếm 18% lượng khí thải quốc gia, chuyển đổi sang xe điện là giải pháp đầy hứa hẹn và hướng tới một tương lai bền vững mà chúng tôi muốn góp phần vào.

- ADI có những kế hoạch cụ thể nào cho thị trường Việt Nam? Ông có thể tiết lộ thời điểm đặt chân vào thị trường và có dự định xây dựng nhà máy/ cơ sở sản xuất tại Việt Nam không?

- Việt Nam là một thị trường quan trọng trong chiến lược tăng trưởng của ADI, và chúng tôi đang có kế hoạch tăng các khoản đầu tư của mình trong tương lai gần tại đây. Hiện tại, chúng tôi tập trung hoàn thiện các kế hoạch tại Việt Nam, đồng thời xây dựng mối quan hệ vững chắc với khách hàng và cải thiện năng lực thiết kế và sản xuất để có thể tăng cường hơn nữa sự hiện diện của mình, nâng cao chất lượng các sản phẩm mà chúng tôi cung cấp, và phục vụ tốt hơn nhu cầu thị trường tại Việt Nam.

- Nếu dự định thiết lập một nhà máy sản xuất tại Việt Nam, vai trò chính của nó là gì? Tham gia trong việc thiết kế, sản xuất, đóng gói hay chuyên môn trong một khía cạnh cụ thể?

Khi nghĩ về sự đổi mới, chúng tôi nhìn nhận từ một góc nhìn toàn diện. Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực có tay nghề cao mà chúng tôi có thể khai thác trên toàn bộ chuỗi giá trị thay vì chỉ thiết kế chip. Mục tiêu của chúng tôi là tập hợp các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau, như nhóm dịch vụ khách hàng, lắp ráp phụ trợ và thử nghiệm.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

ADI là công ty bán dẫn đa quốc gia của Hoa Kỳ chuyên về kĩ thuật chuyển đổi dữ liệu và xử lý tín hiệu có trụ sở ở Norwood, Massachusetts. ADI là 1 trong 10 công ty lớn nhất Hoa Kỳ về sản xuất và cung cấp các chip bán dẫn. Với khoảng 26.000 nhân viên và 125.000 khách hàng trên toàn cầu, doanh thu năm tài chính 2023 của ADI đạt hơn 12 tỷ USD.

Từ nhiều năm nay ADI luôn giữ vững vị thế công ty bán dẫn hàng đầu thế giới, kết hợp vật lý và kỹ thuật số để tạo ra những đột phá trong xử lý dữ liệu. ADI kết hợp các công nghệ tương tự, kỹ thuật số và phần mềm cho các giải pháp giúp thúc đẩy những tiến bộ trong số hóa các nhà máy, phương tiện giao thông và chăm sóc sức khỏe trên nền tảng kỹ thuật số, chống biến đổi khí hậu, kết nối con người và thế giới một cách bền vững.