Đã từ lâu, những vấn đề về cơ khí - máy móc thường được coi là có được sự quan tâm của nam giới. Những vấn đề đó bao gồm cả chuyện về xe cộ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa phái nữ không để tâm tới ô tô. Là một nửa còn lại của thế giới, phái nữ thực sự đã tham gia nhiều vào các câu chuyện của ô tô.
PHÁ VỠ ĐỊNH KIẾN
Trong thế giới ô tô, chiếc xe ba bánh Benz Patent-Motorwagen do kỹ sư Carl Benz chế tạo năm 1885 được nhiều người xem là khởi đầu của ngành công nghiệp ô tô. Ý tưởng của vị kỹ sư chỉ đơn giản là tìm ra một phương thức di chuyển không sử dụng ngựa kéo. Tuy nhiên, chế tạo ra một cỗ máy di chuyển được không phải là chuyện ngày một ngày hai. Carl Benz đã chế tạo nhiều mẫu xe mà nếu không có sự hỗ trợ về mặt tài chính từ người vợ Bertha Benz thì vị kỹ sư kia khó lòng mà đi tới nhiều lần thử nghiệm công khai. [Nguồn ảnh: Car and Driver]
Song, nhiều lần thử nghiệm thất bại trước mặt công chúng (bao gồm cả lần đâm vào tường đáng xấu hổ) đã khiến Carl Benz vơi đi lòng nhiệt huyết - ông miễn cưỡng khắc phục và tạo ra phiên bản mới. Lần này, để chứng minh rằng chiếc xe có thể sử dụng được, bà Bertha Benz đã âm thầm lên kế hoạch cho một chuyến đi dài mà không nói lời nào với chồng bà. [Nguồn ảnh: Hi-Story / Alarmy Stock Photo]
Chuyến đi đã vô cùng thành công: Tổng quãng đường di chuyển lên tới 120 dặm (tương đương 193km) với một vài lỗi cơ khí mà nhờ sự sáng tạo mà bà Bertha Benz đã có thể tự khắc phục, ví dụ như phanh gỗ bị mòn thì bà đã thay bằng chính đế giày da thuộc của bà. Sau đó, tin tức về chuyến đi của một cỗ xe không ngựa kéo đã lan nhanh như một cơn bão; bà Bertha Benz đã chứng minh với cả thế giới rằng xe sử dụng động cơ là một điều khả thi, và phụ nữ đủ năng lực để điều khiển. [Ảnh minh họa: Mercedes]
Về sau, khi ô tô đã trở thành một phương tiện được mọi người công nhận thì nó lại được gắn với cái mác "Xa xỉ phẩm". Mãi cho tới khi Ford đưa được mẫu Ford Model T vào dây chuyền lắp ráp thì ô tô mới dần trở thành một món đồ quốc dân. Nhờ việc có thể sản xuất hàng loạt, lượng đăng ký sở hữu ô tô đã tăng vọt, từ 8,1 triệu vào năm 1920 lên 23 triệu vào cuối thập niên đó. Dù trở nên phổ biến, nam giới được coi là chiếm phần đông trong số người quan tâm tới ô tô - thứ phương tiện vừa khó lái, vừa nhiều dầu mỡ và bụi bặm. [Ảnh tổng hợp từ nhiều nguồn]
Trong thời gian Thế chiến thứ nhất xảy ra, nhiều nguồn thông tin cho rằng phụ nữ là nhóm người sử dụng ô tô nhiều nhất. Về sau, khi chiến tranh kết thúc, phụ nữ vẫn tiếp tục sử dụng ô tô; và phong trào nữ giới lái xe đã khiến chiến lược truyền thông của các hãng xe phải thay đổi: Tìm thêm cách thức để truyền thông tới họ. Các chiến dịch truyền thông ở thời điểm đó được cho là tập trung vào hai yếu tố: (1) Phụ nữ chỉ quan tâm tới tính thẩm mỹ của phương tiện mà họ sử dụng, và (2) phụ nữ quan tâm tới chính vẻ ngoài của họ khi cầm lái. Một trong những quảng cáo nổi bật thời kỳ đó có thể kể tới mẫu Chevrolet Coach ở khoảng cuối những năm 1920. Có thể thấy rõ trong 2 tấm ảnh quảng cáo phía trên về hình ảnh của phụ nữ: Xuất hiện trong vẻ lộng lẫy, tự tin và nổi bật, tự mình cầm lái và tận hưởng cuộc sống. [Nguồn ảnh: Vintage Ad Browser; Print Advertising / Ebay]
CHIẾC XE CỦA PHÁI NỮ
Tới năm 1955, hãng xe Mỹ Dodge đã có một bước đi rất đáng ghi nhận: Dodge LaFemme được quảng cáo là mẫu xe đầu tiên của thế giới dành riêng cho phụ nữ. Mẫu Dodge LaFemme được cho là nữ tính từ cái tên ("La Femme" trong tiếng Pháp tương đương với "Women" trong tiếng Anh, cùng có nghĩa là "Phụ nữ" trong tiếng Việt) cho tới những phụ kiện đi kèm: Áo mưa hồng, túi xách, son môi. Chiếc xe còn có 2 tùy chọn màu sơn là hồng phấn và trắng sapphire. Ấy vậy mà Dodge LaFemme thất bại trong việc chinh phục phái nữ. Sau thất bại của Dodge LaFemme, công cuộc chinh phục phái nữ của các hãng xe vẫn tiếp tục diễn ra trong nhiều năm sau đó. [Nguồn ảnh: Autoweek]
Vào khoảng năm 2002, khảo sát thị trường của General Motors (Mỹ) cho thấy khách hàng nữ chiếm 50% thị trường, và nắm giữ 85% quyết định mua xe. Nhằm tăng tỷ lệ phần trăm khách hàng mua các dòng SUV, bán tải của General Motors, bà Mary Sipes (trong ảnh), Phó Chủ tịch của General Motors lúc đó, đã tổ chức một kế hoạch để giúp số nhân viên với phần đông là nam giới của họ hiểu phụ nữ hơn. Theo kế hoạch, 100 kỹ sư phụ trách phát triển SUV và bán tải (đều là nam giới) đã phải đi giày cao gót, mặc váy, làm móng, đeo túi xách và bồng theo một con búp bê, tất cả cùng tham gia thi tài hoàn thành các nhiệm vụ được giao. [Nguồn ảnh: Automotive News]
Không chỉ General Motors, Volvo cũng từng có một chiến dịch nhằm chinh phục phái nữ, khi họ tổ chức một nhóm kỹ sư và chuyên gia toàn là nữ giới, cùng tạo nên một mẫu xe ý tưởng thể hiện những gì phụ nữ cần với một chiếc xe. Họ đã mang đến một mẫu xe không những không sơn hồng, đó còn là một chiếc xe thể thao, cơ bắp với các thay đổi về mặt kỹ thuật rất thực dụng, ví dụ như cần số được đặt gần vô lăng để giải phóng không gian để đồ ở khu vực trung tâm, hệ thống hỗ trợ đỗ xe, hệ thống tự chẩn đoán lỗi... Mẫu xe ý tưởng đó thực ra không tới được bước sản xuất đại trà, nhưng có tới hơn 20 giải pháp của các kỹ sư nữ được đưa lên các mẫu xe thương mại sau này, giúp việc sử dụng xe dễ dàng và thân thiện hơn. [Nguồn ảnh: Volvo, Net Cars Show]
Ở hiện tại, vai trò của nữ giới trong ngành xe đã trở nên rõ nét và cân bằng hơn. Một trong những hoạt động thể hiện tầm vóc của phái nữ phải kể tới giải thưởng Women's World Car of the Year (WWCOTY - Giải thưởng Xe của năm do phái nữ bình chọn). Cuộc bình chọn này do bà Sandy Myhre - nhà báo kỳ cựu về xe người New Zealand - khởi xướng từ năm 2009. Cuộc bình chọn này không đi tìm mẫu xe nữ tính nhất, mà giống như nhiều cuộc bình chọn khác, tìm ra mẫu xe tốt nhất có mặt trên thị trường. Bằng việc quy tụ các nhà báo nữ giới có chuyên môn và uy tín cao trong ngành xe, giải thưởng đã đóng góp lớn trong việc thể hiện tiếng nói của phái nữ trong một ngành thường được xem là của nam giới. Năm 2022, WWCOTY đã vinh danh mẫu xe châu Âu Peugeut 308 là mẫu xe của năm. [Nguồn ảnh: Peugeot]
https://soha.vn/100-ky-su-di-giay-cao-got-mac-vay-deo-tui-xach-khuc-cua-dac-biet-trong-nganh-xe-20220803012641763.htm