1977 Vlog hiện đang là một trong những cái tên hot nhất làng YouTube Việt Nam nói chung và cộng đồng vlogger nói riêng, với những video tuy ít về số lượng nhưng mang đậm chất đặc trưng và độc đáo không đụng hàng. Cách tiếp cận khán giả, kịch bản sáng tạo cũng như lối biến tấu hài hước từ các tác phẩm văn học xưa đã nhanh chóng giúp 3 anh em thân thiết rinh ngay Nút Vàng YouTube chỉ sau vỏn vẹn hơn 2 tháng thành lập và hoạt động.
Và đó cũng là căn nguyên lớn nhất dẫn đến một thói quen xấu của một bộ phận cư dân mạng Việt Nam: Đua nhau lập các tài khoản YouTube nhái theo trào lưu "1977 Vlog" để kiếm fame. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đó là những nỗ lực chính đáng và mang nét riêng của bản thân, nhưng nay họ thậm chí lấy tên y hệt hoặc cố tình biến đi vài chữ cái để dễ dàng thu hút sự chú ý của người khác rồi... để đấy, chẳng chịu phát triển thêm chút gì.
Mở đầu là những kênh được lập ra với tên y hệt để dễ gây nhầm lẫn khi tìm kiếm trùng khớp từ khóa "1977 Vlog".
Chỉ cần tìm kiếm trên YouTube với từ khoá "1977 Vlog" và chuyển bộ lọc kết quả sang "Channels/Kênh", bạn sẽ ngay lập tức thấy những hình ảnh với danh sách tương tự như trên. Hàng loạt những kênh các với tên gọi y hệt được lập ra với tuổi đời cực ngắn, còn lấy cả avatar chính chủ để đặt cho kênh "fake" của mình. Hầu hết số đó đều lấy video gốc về rồi tải lại lên, hoặc đăng một số video không liên quan khác.
Tiếp tục, tới những thành phần cư dân mạng khác cũng bắt chước nhưng ít ra còn có thêm chút liêm sỉ, đặt tên "1997 Vlog" cho khác đi tí xíu với bản gốc. Mọi thứ còn lại cũng y hệt tình cảnh trên, đăng video cho có hoặc mặc kệ sau vài ngày không thu được kết quả.
Tiếp đến là 1997 Vlog" với tên gọi chệch đi một chút, vẫn lấy avatar của chính chủ mới chịu...
Có những "1997 Vlog" khác biệt chút nhưng không ngoài khả năng lập ra để ăn theo trend này.
Một kênh mang tên "1777 Vlog" giới thiệu sẽ tái hiện tác phẩm nổi tiếng Lão Hạc mà sao lại bê nguyên si video từ nơi khác chẳng liên quan gì về?
Thực chất, tình trạng trên không quá xa lạ ở Việt Nam hay nhiều nơi khác trên thế giới, được nhiều người thực hiện với mục đích nhanh chóng "câu fame" từ cư dân mạng thiếu hiểu biết. Sau khi nhiều người tưởng nhầm đó là các tài khoản chính chủ rồi follow, subscribe lên tới hàng nghìn lượt, chủ nhân kênh nhái sẽ đem rao bán và giao dịch tài khoản đó trên những hội nhóm mua follow và sub sẵn. Số tiền khởi điểm cho mỗi thương vụ đơn giản như vậy có thể lên tới vài triệu đồng là chuyện bình thường.
Đầu năm ngoái, vấn đề này cũng xảy ra ầm ầm sau loạt trận U23 Việt Nam đối đầu nghẹt thở với U23 Iraq để giành quyền vào bán kết. Trọng tài Christopher Beath người Australia cầm còi trận đó đã có một tình huống bắt lỗi nhạy cảm, khiến danh tiếng anh ngay lập tức được tìm ra và lan truyền. Thời điểm đó, số lượng người quan tâm diễn biến đã lên đến hàng triệu và dễ dàng mắc bẫy những kẻ lập tài khoản giả mạo sau khi trận đấu kết thúc. Dù hiện tượng này đã dần giảm đi trong thời gian gần đây nhưng vẫn không có vẻ gì sẽ được dập tắt và kết thúc 100% trong tương lai gần.
Hàng loạt tài khoản giả mạo của trọng tài được lập ra sau khi trận đấu kết thúc.