Kaspersky vừa công bố báo cáo quý II/2021 về mối đe dọa trên nền tảng di động trong khu vực Đông Nam Á, trong đó số lượng các cuộc tấn công sử dụng phần mềm độc hại nhắm vào ngân hàng được phát hiện và ngăn chặn đã tăng 60%.
Theo giải nghĩa của Kaspersky, trojan ngân hàng nhắm vào nền tảng di động (hay còn gọi là banker) thường được tội phạm mạng sử dụng để đánh cắp tiền trực tiếp từ tài khoản ngân hàng. Những chương trình độc hại này thoạt nhìn giống như các ứng dụng tài chính hợp pháp khác, nhưng khi nạn nhân nhập thông tin bảo mật để truy cập tài khoản thì kẻ tấn công cũng lấy được quyền truy cập vào các thông tin riêng tư này.
Từ đầu năm 2021, các giải pháp của Kaspersky đã ngăn chặn 708 sự cố tại 6 quốc gia Đông Nam Á - chiếm gần 50% tổng số phần mềm độc hại nhắm vào ngân hàng đã bị ngăn chặn trong năm 2020 (1.408 sự cố).
Indonesia và Việt Nam ghi nhận cố sự cố cao nhất trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, khi so với toàn cầu, 2 quốc gia này không nằm trong top 10 quốc gia bị ảnh hưởng. Việt Nam chiếm vị trí thứ 27 và Indonesia ở vị trí 31, tính đến tháng 6/2021. Top 5 quốc gia gồm có: Nga, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Pháp.
Tấn công từ trojan ngân hàng hoạt động trên nền tảng di động phân bổ theo quốc gia, được phát hiện trên các thiết bị của người dùng giải pháp Kaspersky.
Tuy số lượng tấn công từ trojan ngân hàng trong khu vực Đông Nam Á duy trì ở mức thấp, nhưng so với cùng kỳ tháng 4 - 6/2020 (230 sự cố) thì số lượng sự cố năm 2021 vẫn vượt xa. Theo Kaspersky, nguyên nhân là do đại dịch đã buộc nhiều người bắt đầu sử dụng hệ thống thanh toán di động.
Ông Yeo Siang Tiong - Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biết, một khảo sát của công ty cho thấy, phần lớn người dùng Internet chuyển các hoạt động tài chính sang trực tuyến, bao gồm mua sắm (64%) và giao dịch ngân hàng (47%).
Khảo sát cũng tiết lộ, 69% người được hỏi lo lắng về việc thực hiện giao dịch tài chính trực tuyến và 42% người được khảo sát thừa nhận lo ngại về ai đó đang truy cập vào các thông tin tài chính của mình trong thiết bị.
Ngoài ra, một báo cáo khác của Kaspersky khẳng định, 76% trong số 861 người được khảo sát trong khu vực Đông Nam Á xác nhận muốn giữ thông tin liên quan đến tiền bạc của mình tránh xa môi trường Internet. Phản hồi này chiếm tỉ lệ cao nhất ở nhóm Baby Boomers (85%), tiếp theo là Gen X (81%) và Millennials (75%).
“Có thể thấy người dùng đã có nhận thức về các mối đe dọa hiện nay khi thực hiện giao dịch ngân hàng và thanh toán bằng điện thoại di động. Tuy nhiên, vẫn tồn tại khoảng cách giữa việc nhận biết và hành động”, ông Yeo Siang Tiong nhận định.
Để bảo đảm an toàn, người dùng hãy tham khảo 5 khuyến nghị sau:
1. Sử dụng thẻ tín dụng có hạn mức tín dụng thấp.
2. Sử dụng một máy tính cho giao dịch và mua sắm trực tuyến.
Nếu bạn có nhiều máy tính, nên dành riêng một máy tính cho giao dịch ngân hàng và mua sắm trực tuyến. Để tăng cường bảo mật cho việc mua sắm trực tuyến an toàn, hãy cài đặt Google Chrome và chỉ truy cập các website bảo mật bằng https:// (có "s").
3. Sử dụng một địa chỉ email chuyên dụng
Tạo một địa chỉ email mà bạn sẽ chỉ sử dụng để mua sắm trực tuyến. Điều này sẽ hạn chế đáng kể số lượng tin nhắn rác mà bạn nhận được, và giảm đáng kể nguy cơ mở các email độc hại tiềm ẩn được ngụy trang dưới dạng khuyến mãi bán hàng hoặc các thông báo khác.
4. Quản lý và bảo vệ mật khẩu trực tuyến
Sử dụng mật khẩu mạnh và sử dụng mật khẩu khác nhau cho mỗi tài khoản trực tuyến, là một trong những điều quan trọng bạn có thể làm để mua sắm trực tuyến an toàn. Có thể khó nhớ rất nhiều mật khẩu khác nhau, đặc biệt là khi chúng bao gồm nhiều chữ cái, số và ký tự đặc biệt. Nhưng bạn có thể sử dụng trình quản lý mật khẩu để hỗ trợ bạn giữ mật khẩu mạnh cho nhiều tài khoản.
5. Sử dụng VPN
Nếu bạn buộc phải mua sắm trực tuyến khi sử dụng Wi-Fi công cộng, trước tiên hãy cài đặt VPN (mạng riêng ảo). VPN sẽ mã hóa tất cả dữ liệu được truyền giữa máy tính hoặc thiết bị di động của bạn và máy chủ VPN, ngăn chặn tin tặc chiếm quyền điều khiển và xem bất kỳ dữ liệu nhạy cảm nào bạn nhập vào.