Hàng loạt thách thức xảy ra đã gây ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong hoạt động kinh doanh tổng thể của "gã khổng lồ" công nghệ. Cách đây không lâu, Microsoft đã soán ngôi Apple để trở thành công ty giao dịch công khai có giá trị nhất. Cổ phiếu Microsoft tăng giá phần lớn nhờ vào việc đặt cược vào trí tuệ nhân tạo, một lĩnh vực Apple vẫn im lặng.
Theo CNN, dưới đây là 5 vấn đề sắp xảy ra với Apple trong năm nay.
1. Vấn đề ở Trung Quốc
Một trong những trở ngại lớn nhất của "Táo Cắn Dở: trong năm nay sẽ là giải quyết những khó khăn ở thị trường Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ngay sau khi Huawei ra mắt điện thoại thông minh Mate 60 Pro, Apple đã tung "chiêu" để hút khách bằng cách mở các chương trình giảm giá tạm thời cho iPhone và các sản phẩm khác tại Trung Quốc. Trước đó, công ty này hiếm khi giảm giá.
Thị trường Trung Quốc chiếm tới 20% doanh thu của công ty vào năm ngoái. Một báo cáo gần đây của Reuters ghi nhận doanh số bán iPhone tại Trung Quốc đã giảm 30% trong tuần đầu tiên của năm trong bối cảnh áp lực từ "đối thủ" Huawei.
Dan Ives, nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Wedbush đã gọi Trung Quốc vừa là thách thức vừa là cơ hội lớn nhất của Apple. Bất chấp sự cạnh tranh ngày càng tăng, ông cho biết, Trung Quốc có khoảng “100 triệu iPhone đang chờ cơ hội nâng cấp”.
2. "Cuộc chiến" bằng sáng chế
Một trong những sản phẩm phổ biến nhất của Apple, đồng hồ Apple Watch vẫn bị cấm ở Mỹ do một trong những tranh chấp bằng sáng chế quan trọng nhất.
Ảnh minh họa.
Tuần trước, tòa phúc thẩm liên bang Mỹ đã khôi phục lệnh cấm đối với một số phiên bản cao cấp hơn của Apple Watch. Apple đã yêu cầu hoãn lại lệnh cấm và kháng cáo phán quyết của Ủy ban Thương mại Quốc tế - ITC có hiệu lực vào tháng trước. Lệnh ITC đã ngăn Apple nhập khẩu Apple Watch Series 9, Apple Watch Ultra 2 và các mẫu đồng hồ mới hơn khác sang Mỹ vì vi phạm bằng sáng chế máy đo lượng oxy của công ty y tế Masimo.
Apple đã bán được 49 triệu chiếc đồng hồ thông minh vào năm 2022 và khoảng 26,7 triệu chiếc trong 9 tháng đầu năm 2023. Bên cạnh việc ảnh hưởng tới kết quả bán hàng, lệnh cấm có thể sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của Apple.
3. Đi sau một bước về Trí tuệ nhân tạo tạo sinh - Generative AI
Các công ty công nghệ lớn, bao gồm Microsoft, Meta, Google và Samsung đã tiếp tục triển khai các tính năng Generative AI cho các dịch vụ, máy tính và điện thoại thông minh của mình. Tuy nhiên, Apple gần như im lặng về chủ đề này.
Theo các tin đồn, công ty sẽ giới thiệu các tính năng Siri mới - được hỗ trợ bởi AI trong bản phát hành iOS 18 vào cuối năm nay. Một số tính năng trên điện thoại thông minh cũng có thể trở thành độc quyền của các mẫu iPhone 16, một phần nhờ vào các chip tùy chỉnh.
Ảnh minh họa.
Việc thúc đẩy AI là một phần trong nỗ lực lớn hơn của các nhà sản xuất điện thoại thông minh nhằm tạo sự khác biệt trong một thị trường đông đúc và khơi dậy sự phấn khích, nơi sự đổi mới phần lớn đã bị đình trệ trong những năm gần đây.
Các fan hâm mộ rất mong đợi Apple cung cấp các tính năng tương tự hoặc cao cấp hơn các "đối thủ".
Đây không phải là lần đầu tiên Apple tụt lại phía sau trong các lĩnh vực mới nổi, chẳng hạn như 4G, 5G và màn hình gập nhưng việc áp dụng AI trên iPhone vẫn còn rất tiềm năng. Công ty nghiên cứu thị trường IDC gần đây đã công bố dữ liệu, tiết lộ "Nhà Táo" lần đầu tiên vượt qua Samsung về số lượng điện thoại thông minh xuất xưởng trong cả năm 2023.
4. Mối lo ngại về doanh thu
Áp lực này đang buộc Apple phải tăng doanh số bán hàng trên các danh mục sản phẩm khác của mình. Vào tháng 11, Apple đã công bố doanh số bán hàng giảm trong quý thứ tư liên tiếp, đặc biệt là doanh số máy Mac và iPad. Tuy nhiên, doanh thu iPhone lại tăng 3% lên 43,8 tỷ USD.
Ảnh minh họa.
Apple cũng phải đối mặt với những thách thức xung quanh việc ra mắt kính Vision Pro, là một trong số những sản phẩm rủi ro nhất của hãng trong nhiều năm. Công ty sẽ phải chứng minh một thiết bị kết hợp cả thực tế ảo và thực tế tăng cường, công nghệ phủ hình ảnh ảo lên video trực tiếp của thế giới thực, thực sự là tương lai của điện toán. Thêm nữa, đây không phải là một sản phẩm dễ bán do có thiết kế cồng kềnh và đắt đỏ - 3.499 USD (tương đương 85,48 triệu đồng).
5. Nhiều quy định mới
Một số công ty công nghệ lớn được EU coi là “người gác cổng” thống trị, bao gồm cả Apple, sẽ phải thực hiện các quy tắc nền tảng mới trong năm nay. Do đó, "Nhà Táo" có thể phải từ bỏ quyền kiểm soát độc quyền về cách phân phối ứng dụng iOS, có thể ảnh hưởng đến doanh thu của hãng.
Ảnh minh họa.
Hiện tại, Apple vẫn duy trì quyền kiểm soát chặt chẽ đối với các ứng dụng iPhone. Apple và các công ty khác trong ngành đã lập luận rằng việc mở hệ điều hành theo cách này có thể khiến người dùng dễ tải xuống nhiều ứng dụng độc hại hơn.
Theo quy định mới, các cửa hàng ứng dụng thống trị sẽ không thể xóa danh sách các ứng dụng từ chối sử dụng hệ thống thanh toán độc quyền của "người gác cổng". Vấn đề này đã được nêu bật trong vụ kiện chống độc quyền của Apple với Epic Games.