Điện là nguồn năng lượng chủ yếu cho hoạt động của các thiết bị công nghệ, từ TV, máy tính, điện thoại, máy lạnh, tủ lạnh,.... Hiện nay, các thiết bị công nghệ hiện đại đã được thiết kế tối ưu và tiết kiệm năng lượng, thế nhưng số tiền mà bạn phải trả cho hóa đơn tiền điện hằng tháng có thể vẫn còn cao bởi những thói quen lâu nay.
Sử dụng thiết bị không có tính năng tiết kiệm điện (Inverter)
Inverter đã trở thành một tiêu chuẩn cho các thiết bị tiết kiệm điện, thường được nhắc tới đối với máy lạnh và tủ lạnh. Tuy nhiên, cùng một hãng, cùng một đời sản phẩm, các thiết bị không Inverter thường có giá rẻ hơn khiến người dùng vì tiết kiệm trước mắt mà phải trả giá về sau. Lời khuyên là nên ưu tiên chọn các thiết bị có nhãn tiết kiệm năng lượng Inverter với chỉ số tiết kiệm năng lượng càng cao càng tốt (tối đa là mức 5).
Bật, tắt máy lạnh liên tục
Vào mùa nắng nóng như hiện nay ở Bắc Bộ, không có máy lạnh sẽ là một cực hình dưới sự oi bức của luồng không khí. Nếu đang sử dụng một dòng máy lạnh tiết kiệm năng lượng, khi nhiệt độ trong phòng đủ lạnh, máy lạnh sẽ chuyển sang trạng thái hoạt động ở công suất thấp rất tiết kiệm năng lượng (có thể lên tới 60% so với bình thường). Mỗi khi tắt, mở máy lạnh, lượng điện năng tiêu thụ cho giai đoạn đầu thường cao hơn so với giai đoạn giữ nhiệt.
Máy lạnh Inverter khi đã làm lạnh đủ nhiệt độ sẽ tiết kiệm điện, do đó không cần phải tắt đi khi vẫn muốn căn phòng mát lạnh.
Do đó, trường hợp người dùng có việc đi từ phòng ngủ ra phòng khách chỉ vài chục phút thì không cần phải tắt máy lạnh trong phòng ngủ. Ngược lại, nếu không ở trong phòng nhiều giờ đồng hồ, tắt máy lạnh sẽ là giải pháp vừa tiết kiệm vừa an toàn. Ngoài ra, người dùng không nên thiết lập nhiệt độ quá thấp bởi nó khiến máy lạnh phải hoạt động ở công suất cao trong thời gian dài.
Thường xuyên mở cửa tủ lạnh
Cũng như máy lạnh, khi nhiệt độ đạt tới mức đã thiết lập thì tủ lạnh Inverter sẽ chuyển sang trạng thái ổn định ít hao năng lượng. Tuy nhiên, chỉ cần người dùng mở cửa tủ dù là ngăn đá hay ngắn mát, một lượng nhiệt đã bay ra ngoài khiến tủ lạnh phải chuyển sang trạng thái làm lạnh tốn điện hơn. Vậy nên, lời khuyên quen thuộc là không nên mở cửa tủ lạnh quá thường xuyên hoặc quá lâu - điều rất dễ xảy ra nếu nhà có trẻ nhỏ.
Mở cửa tủ lạnh thường xuyên sẽ khiến tăng hóa đơn tiền điện.
Giữ nguyên phích cắm trong ổ điện
Mỗi thiết bị điện khi vẫn còn kết nối với nguồn điện đều sẽ vẫn hao tốn một lượng điện năng nhất định, dù không sử dụng. Khi số lượng thiết bị kết nối cùng lúc trở nên quá nhiều, đây sẽ trở thành một nguồn tiêu hao năng lượng đáng kể. Muốn giảm lượng điện năng này, người dùng nên lắp đặt cầu dao CP hoặc dùng ổ điện có công tắc cho từng nhóm thiết bị cụ thể để tắt hẳn các thiết bị không thật sự cần thiết (TV, nồi cơm điện, ấm điện, quạt, củ sạc điện thoại...) khi không sử dụng.
Các thiết bị điện còn kết nối với nguồn điện là còn tiêu hao điện năng dù không sử dụng.
Dùng loại dây điện không phù hợp, không kiểm tra rò rỉ
Tùy công suất của mỗi loại thiết bị, người dùng nên sử dụng một loại dây điện sao cho phù hợp cũng góp phần giảm tiêu hao điện năng không đáng có. Chẳng hạn, một bóng đèn LED chiếu sáng chỉ cần một dây điện loại nhỏ hoặc vừa, trong khi một lò nướng điện sẽ cần dây điện loại to hơn để đảm bảo đủ tải. Đáng chú ý ở các vùng quê hay những nơi cần kéo dây điện ngoài trời, nếu người dùng không để ý sẽ rất dễ xảy ra tình trạng rò rỉ điện không chỉ gây nguy hiểm mà còn tiêu hao đáng kể điện năng.
Người dùng nên nhờ tới sự tư vấn của người chuyên về kỹ thuật điện - điện tử để chọn loại dây phù hợp cho từng thiết bị điện trong nhà.