TikTok với sức hấp dẫn khó cưỡng từ những đoạn video ngắn gây nghiện, hiện là một trong những nền tảng mạng xã hội hàng đầu hiện nay. Tuy nhiên, sự nổi tiếng này cũng biến nó thành "miếng mồi ngon" cho những kẻ lừa đảo luôn tìm cách phát tán phần mềm độc hại. Nếu bạn là một tín đồ của TikTok, hãy hết sức cảnh giác với những chiêu trò tinh vi sau đây.
Theo đó, những video cuốn hút trên TikTok có thể ẩn chứa nhiều nguy cơ hơn bạn tưởng. Kẻ xấu không ngừng sáng tạo ra các phương thức mới để lừa người dùng tải về những ứng dụng hoặc nhấp vào các liên kết nguy hiểm, dẫn đến việc thiết bị bị nhiễm mã độc, đánh cắp thông tin cá nhân.
Dưới đây là 6 thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên TikTok mà bạn cần nhận diện để tự bảo vệ mình:
1. Công cụ thần thánh làm rõ mọi thứ bị che khuất
Những video quảng cáo các công cụ có khả năng "thần thánh" như xóa bỏ bộ lọc, làm rõ ảnh mờ hay hé lộ những phần bị che khuất thường chỉ là chiêu trò. Kẻ lừa đảo sẽ tạo dựng video một cách khéo léo để bạn tin rằng công cụ đó có thật. Tuy nhiên, việc tải về những ứng dụng này đồng nghĩa với nguy cơ rước malware vào máy. Hãy nhớ, không có công cụ nào có thể "phép thuật" làm lộ những thông tin nhạy cảm đã được che giấu.
2. Ứng dụng TikTok phiên bản Pro "dỏm"
Lợi dụng việc TikTok có một vài phiên bản ít người biết đến như TikTok Studio hay TikTok Lite, kẻ gian quảng cáo các phiên bản "Pro" với tính năng bí mật giả mạo, hứa hẹn mang lại các tính năng độc quyền như tăng follow ảo hay công cụ chỉnh sửa "xịn sò". Thực chất, đây chỉ là mồi nhử để bạn tải về các ứng dụng chứa mã độc.
Lời mời gọi ứng dụng TikTok Pro với tính năng ẩn hấp dẫn.
3. Chương trình tặng quà miễn phí
Những lời hứa hẹn tặng iPhone đời mới, thẻ quà tặng giá trị hay tiền mặt luôn có sức hấp dẫn lớn. Kẻ lừa đảo thường yêu cầu bạn truy cập một đường link trong mô tả hoặc bio để đăng ký. Những đường link này có thể dẫn đến trang web đánh cắp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu tải ứng dụng chứa malware.
Những tin nhắn lừa đảo báo trúng thưởng nhan nhản trên TikTok.
Hãy luôn kiểm tra kỹ tài khoản (ưu tiên tài khoản có tích xanh xác minh) và cảnh giác với những chương trình có vẻ quá "hời".
4. Cạm bẫy từ mã QR
Một chiêu lừa khác là sử dụng mã QR trong video, dụ dỗ người xem quét mã để truy cập nội dung "độc quyền", tính năng ẩn hoặc tham gia nhận thưởng. Tuy nhiên, những mã QR này thường dẫn đến các trang web độc hại, tự động tải phần mềm độc hại về thiết bị của bạn.
5. Tin nhắn từ tài khoản người nổi tiếng (giả mạo)
Kẻ gian tạo ra các tài khoản giả mạo người nổi tiếng, người có ảnh hưởng, sau đó gửi tin nhắn trực tiếp cho người hâm mộ. Những tin nhắn này có thể chứa link lừa đảo hoặc tệp đính kèm chứa phần mềm độc hại. Chính vì thế, hãy luôn kiểm tra kỹ dấu tích xanh xác minh bên cạnh tên tài khoản trong phần đầu hồ sơ trước khi tin tưởng và tương tác.
Tài khoản giả mạo người nổi tiếng với dấu tích xanh "dỏm".
6. Thông báo vi phạm bản quyền
Đánh vào tâm lý lo sợ của người sáng tạo nội dung, kẻ lừa đảo gửi các thông báo vi phạm bản quyền giả mạo, trông giống như từ chính TikTok. Những thông báo này thường kèm theo link yêu cầu xác minh thông tin hoặc xem chi tiết. Tuyệt đối không nhấp vào các link này. Thay vào đó, hãy kiểm tra trực tiếp trên ứng dụng TikTok, email chính thức hoặc liên hệ trung tâm hỗ trợ của TikTok nếu có nghi ngờ.
Thế giới mạng xã hội luôn tiềm ẩn những rủi ro. Việc giữ một cái đầu lạnh, cảnh giác với những lời mời gọi đáng ngờ và tránh xa các đường link không rõ nguồn gốc là chìa khóa để bảo vệ bản thân và thiết bị của bạn khỏi những hiểm họa trực tuyến.