Apple cũng điêu đứng do chủng mới Omicron

Mới đây, Apple vừa đưa ra lời cảnh báo về sự thận trọng của người tiêu dùng sau sự xuất hiện của chủng Covid- 19 mới: Omicron.

Mới đây, công ty có trụ sở tại Cupertino đã để lộ thông tin trao đổi với các nhà cung cấp về nhu cầu suy giảm đối với dòng iPhone 13. Cảnh báo cho thấy nhiều người mua hàng đã thỏa mãn sự thèm muốn với những thứ mới, số khác đã không còn hào hứng mua sắm hàng xa xỉ khi giá bán mọi thứ đang tăng vọt và tình hình đại dịch chưa chấm dứt. Thêm vào đó, biến chủng Covid- 19 mới Omicron càng tác động tiêu cực hơn tới tâm lý người mua sắm.

Dù lý do là gì, sự thận trọng của người tiêu dùng đã khiến các nền kinh tế đối mặt với mối đe dọa từ nhu cầu tiêu dùng đột ngột giảm mạnh - đảo ngược hoàn toàn so với trước đó.

Trong bản ghi nhớ gửi tới khách hàng của mình, nhà kinh tế học Paul Donovan của UBS Group AG cho hay: “Chúng tôi thấy nhu cầu sử dụng hàng hóa của người tiêu dùng hoàn toàn bất thường. Hiện tại, nhu cầu bất thường đang giảm xuống.”

Tại Mỹ, giá cả hàng hoá đã tăng vọt lên 6,2%, cao nhất kể từ năm 1990. Tại các nền kinh tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD, giá cả đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 2,5 năm qua. Đối với người tiêu dùng Vương quốc Anh, việc đánh thuế đang bị siết chặt thêm.

Điều đó ảnh hưởng nhiều đến các hộ gia đình và chi phối người tiêu dùng mua hàng hóa, bao gồm cả loạt iPhone 13 mới có giá trên 20 triệu đồng. Trong khi mức giá cao ngất ngưởng này không làm giảm doanh số bán hàng ở Mỹ trong tháng 10, tâm lý mua sắm của người tiêu dùng hiện tại đã xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ.

Trên khắp khu vực Đại Tây Dương, tâm lý người tiêu dùng khu vực đồng Euro đã căng thẳng hơn trong những tháng gần đây, người Anh cũng tỏ ra lo lắng hơn về khả năng tài chính cá nhân.

Apple cũng điêu đứng do chủng mới Omicron - 3

iPhone 13 Pro Max và iPhone 13 Mini.

Tại Trung Quốc, doanh số bán lẻ vẫn chưa trở về trước đại dịch do sự rớt giá tài sản và sự thận trọng liên quan đến chủng vi- rút mới đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng. Giá tiêu dùng cũng bắt đầu tăng, khiến họ hạn chế chi tiêu.

Dữ liệu gần đây cho thấy người Mỹ đã chi tiêu ít hơn từ trước đến Thứ Sáu Đen Tối. Hãng phân tích Adobe Analytics cho biết, trong tuần giữa Lễ Tạ ơn và Cyber Monday, doanh số bán hàng trực tuyến đã giảm 1,4% so với năm trước.

Gregory Daco - nhà kinh tế học tại Công ty phân tích định lượng và dự báo toàn cầu Oxford Economics cho biết: “Hiện tại có khá nhiều khó khăn. Người dùng không còn chi tiêu tự do. Họ thận trọng hơn. Và điều đó phản ánh những hạn chế về nguồn cung và áp lực lạm phát. " Cùng với đó, các thị trường cũng đang trong quá trình chuyển đổi từ hàng hóa sang dịch vụ, ví dụ như khách sạn và nhà hàng đã mở cửa trở lại.

Theo ông Michel Martinez, nhà kinh tế học tại Công ty dịch vụ tài chính Societe Generale nhận định: “Thị trường sẽ chứng kiến sự chậm lại tạm thời, sức tăng trưởng sẽ chững lại, sau đó sẽ dần bình thường hóa. Doanh số các sản phẩm công nghệ có thể giảm nhẹ nhưng sẽ có sự phục hồi trong ngành xe hơi và dịch vụ”.

Nói cách khác, không chỉ Apple, nền kinh tế thế giới đều đang chịu tác động mạnh mẽ từ dịch bệnh, đặc biệt là từ chủng mới Omicron. Các quốc gia đều đang kỳ vọng về vắc xin và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.