Thông thường, các buổi lễ công bố kết quả tài chính thường được Apple tổ chức khá tách biệt so với lịch ra mắt sản phẩm mới. Đó không phải là những sự kiện để tập trung vào sản phẩm mà là nơi để người ta nhìn vào quá khứ và tương lai của Táo qua những con số, để nhận ra Apple vẫn đang sống tốt, sống khỏe và thậm chí là cực kỳ thành công.
Năm nay, Apple có một ngoại lệ đặc biệt. Bên lề công bố kết quả kinh doanh quý 3, Apple còn "âm thầm" ra mắt AirPods Pro. Nhà đầu tư vẫn vui mừng, antifan vẫn chưng hửng, còn fan Táo thì lại có đồ chơi mới để khoe.
Thiết bị bổ trợ cho iPhone là chìa khóa giúp Apple đứng vững ở mốc nghìn tỷ ngay trong khi iPhone vẫn tiếp tục đà suy giảm.
Đó không phải là một sự trùng hợp. Kết thúc quý 3, doanh thu từ iPhone tiếp tục suy giảm thêm 3 tỷ USD. Ở phía ngược lại, mảng phụ kiện và dịch vụ tăng mạnh. Ở mức doanh thu 6 tỷ USD, tai nghe AirPods, đồng hồ Apple Watch, loa Home v…v… đang là mảng doanh thu có tầm vóc gần tương đương với máy Mac.
Không riêng nhà Táo
Apple không phải là một ngoại lệ đặc biệt. Tại sự kiện Surface, bên cạnh tham vọng cách mạng hóa cả PC lẫn smartphone, Microsoft lại dấn sâu hơn vào thị trường âm thanh qua sản phẩm True Wireless đầu tiên, nối tiếp chiếc Surface Headphones đắt đỏ của năm ngoái. Tại sự kiện Pixel, Google cũng khiến báo chí tốn giấy mực khi vén màn thế hệ Pixel Buds thứ 2 để bổ trợ cho Pixel 4. Chỉ vỏn vẹn nửa tháng sau, Google vung tiền mua Fitbit, chuẩn bị hiện thực hóa tham vọng phục thù trên lĩnh vực smartwatch.
Ngay đến cả ông lớn còn lại của "Big Four" là Amazon cũng phải nhảy vào cuộc đua này. 5 năm kể từ thất bại cay đắng của Fire Phone, Echo Buds của Amazon sẽ tìm đường sống trên smartphone không-phải-của Amazon sản xuất. Mà nếu một kẻ không có smartphone như Amazon cũng vẫn tham gia chạy đua phụ kiện, hiển nhiên ông vua smartphone sẽ không đứng ngoài: cách đây vài ngày, Galaxy Watch 2 vén màn với mức giá 350 USD, tặng kèm tai nghe Bluetooth AKG N200A (AKG là thương hiệu con của Samsung). Trước đó, cả Galaxy S10 và Galaxy Note10 đều được bán kèm tai nghe Galaxy Buds.
Smartwatch quan trọng tới mức Google phải bỏ ra tới 2,1 tỷ USD thâu tóm Fitbit làm bàn đạp "phục hận" cho Android Wear.
Các đối thủ Trung Quốc cũng sục sôi. Xiaomi ra mắt Mi Watch với thiết kế đạo nhái Apple (theo cùng một cách hãng này nhái AirPods thành "AirDots"). Đang vướng lệnh cấm của chính quyền Mỹ, đồng hương của Xiaomi là Huawei vẫn cứ ra mắt smartwatch và tai nghe một cách đều đặn: Watch GT2 dùng chip Kirin và hệ điều hành LiteOS do Huawei tự phát triển.
Cái khó ló cái khôn
Không phải vô cớ mà các ông lớn smartphone cùng rủ nhau phát triển phụ kiện. Trong suốt 3 năm vừa qua, doanh số smartphone gần như chỉ suy giảm, và nếu có tăng trưởng thì cũng chỉ ở mức 3% trở xuống. Thị trường toàn cầu đã thực sự bão hòa, và ngay cả những khu vực từng được coi là tiềm năng như Ấn Độ hay Đông Nam Á cũng không đủ để đảo ngược xu thế suy thoái.
Kết quả quý 3 vừa qua cũng cho thấy điều này. Ngoại trừ Samsung và Huawei, tất cả các nhà sản xuất lớn đều chứng kiến doanh số tăng trưởng… âm. Thực chất, chỉ có Huawei là thực sự tăng trưởng (nhờ vào tác dụng ngược của chiến tranh thương mại ), còn Samsung đã luôn ở trạng thái trồi sụt bất thường từ quý này sang quý khác.
Smartwatch và tai nghe True Wireless là cuộc đua quy tụ tất cả các ông lớn.
Trong cái khó của smartphone, cái khôn của các nhà sản xuất xuất hiện. Nếu bất kỳ người dùng nào cũng đã có smartphone, bạn có nên cố gắng bán smartphone cho họ nữa không? Thay vào đó, tại sao không bán những thứ có thể giúp cho trải nghiệm smartphone trở nên tuyệt vời hơn nữa?
Vị vua bất ngờ
Theo số liệu của Counterpoint, thị trường tai nghe True Wireless chạm mốc 27 triệu đơn vị trong quý 2/2019. Tốc độ tăng trưởng đang lên tới 56%. Tương tự, thị trường smartwatch tăng trưởng ở mức 44%, chạm mốc 12 triệu đơn vị bán ra cùng kỳ.
Thật bất ngờ, ông vua hiện tại của cả 2 thị trường này là Apple: trên cả thị trường True Wireless lẫn wearable, Apple đang chiếm một nửa số sản phẩm bán ra. Cả 2 danh mục chứng kiến Samsung đứng ở vị trí số 2, nhưng những con số của người Hàn Quốc đều bị Apple đè bẹp một cách tuyệt đối.
Đánh bại Apple, một nhiệm vụ bất khả thi.
Không khó để nhìn ra vì sao Apple có thể thống trị đến vậy. Dù chỉ chiếm một miếng bánh nhỏ trong thị trường smartphone, sản phẩm Apple có tuổi đời lâu hơn – năm ngoái, Apple khoe có 900 triệu thiết bị iPhone và iPad đang lưu hành. Chưa một nhà sản xuất nào khác, bao gồm Samsung (kẻ đã luôn đè bẹp Apple về doanh số), đã từng công bố con số này.
Số lượng iPhone và iPad lưu hành cao kỷ lục giúp tạo ra một thị trường tiềm năng khổng lồ cho AirPods và Apple Watch. Chưa kể, Apple chỉ bán smartphone giá đắt – khả năng người mua Apple chịu bỏ hầu bao mua tai nghe hay đồng hồ cũng lớn hơn hẳn.
Chiến tranh phía trước
Những chiếc tai nghe và đồng hồ ra mắt dày đặc kèm smartphone cho thấy một xu thế tất yếu: các đối thủ sẽ không cam chịu cho Apple "đè đầu cưỡi cổ" mãi mãi. Ước tính của MarketsandMarkets cho thấy thị trường wearable sẽ tăng gấp đôi giá trị trong vòng 3 năm tới, thị trường wearable cũng sẽ tăng trưởng để chiếm 1/3 trong số 400 triệu chiếc tai nghe bán ra vào năm 2020 (Futuresource). Nhưng Apple cũng đang ấp ủ một vũ khí đặc biệt – một chiếc kính cách mạng hóa trải nghiệm thực tại ảo. Nếu Apple có thể tái hiện những gì Apple Watch đã làm cho smartwatch và những gì AirPods đã làm cho tai nghe, một thị trường phụ kiện hoàn toàn mới có thể mở ra, đem đến một kênh doanh thu mới cho các ông lớn công nghệ.
Cuộc đua mở rộng trải nghiệm smartphone có thể sẽ sớm chứng kiến bước ngoặt trong năm sau.
Càng ngày, cuộc chiến phụ kiện số cho smartphone sẽ càng khốc liệt. Các nhà sản xuất smartphone cần phải đối mặt với một sự thật tất yếu: sức hấp dẫn của những chiếc smartphone đã không còn đến từ màn hình, bộ camera hay con chip gắn trong thân máy nữa rồi. Muốn thay đổi trải nghiệm smartphone, các ông lớn smartphone cần đến những thứ vũ khí bên ngoài – và chính những vũ khí ấy sẽ đóng phần bù đắp quan trọng khi thị trường smartphone tất yếu suy thoái.