Mùa mua sắm kỳ nghỉ đang đến gần, và tất cả các công ty công nghệ lớn nhất đang thực sự ngóng chờ người dùng chịu móc hầu bao nhiều hơn. Trong hai tháng qua, Google đã tiết lộ cặp điện thoại Pixel mới, Microsoft đã ra mắt máy tính bảng và máy tính xách tay Surface, Facebook đã giới thiệu một màn hình thông minh mới có tên Portal cùng với tai nghe Oculus VR và Amazon đã tung ra một loạt các tiện ích hoạt động với trợ lý giọng nói của mình - Alexa.
Đây là những “người chơi” thống trị trong các dịch vụ phần mềm và web nhưng cũng dần lấn sân sang thế giới phần cứng, nơi Apple đang thống lĩnh. Ví dụ, các thiết bị Google Pixel chỉ chiếm ít hơn 1% thị phần toàn cầu, theo IDC.
Trong khi Google và Microsoft phải "bắt tay" với nhiều đối tác để tạo ra phần cứng chạy hệ điều hành của họ, Apple kiểm soát cả phần cứng và phần mềm và có thể điều phối toàn bộ trải nghiệm người dùng. Nền tảng của Apple có thể mang về 266 tỷ USD doanh thu hàng năm.
Ông Sundar Pichai, Tổng giám đốc của Google nói về hệ điều hành Android One.
Tuy nhiên, vẫn có những lý do chiến lược để các công ty phần mềm lớn tung ra phần cứng của riêng họ, ngay cả khi không kiếm được hàng tỷ USD lợi nhuận như Apple.
Ông Ramon Llamas, Giám đốc nghiên cứu của IDC cho biết, khi sở hữu sản phẩm phần mềm, các công ty này đã tạo ra những danh tiếng mạnh mẽ để mang lại những trải nghiệm tuyệt vời không kém. Việc kết hợp chúng với phần cứng mang nhãn hiệu riêng của họ sẽ tạo ra một trải nghiệm chính xác như cách nhà cung cấp đã hình dung và trong mỗi danh mục đều có một số lượng đáng kể những người dùng trung thành.
Dưới đây là lý do tại sao các công ty phần mềm có giá trị nhất thế giới lại muốn bán phần cứng.
Google kiếm được gần như toàn bộ doanh thu từ quảng cáo trực tuyến, vậy tại sao hãng này lại ra mắt máy tính xách tay Chromebook và điện thoại Pixel mới?
Ảnh concept cặp Pixel 4.
Lý do là Google muốn người dùng có thể chọn nhiều tiện ích khác nhau để truy cập các dịch vụ như tìm kiếm hoặc Gmail, cho dù trên Chromebook, điện thoại, trợ lý giọng nói trong tai nghe hoặc trong loa thông minh.
Google có một khái niệm gọi là "điện toán xung quanh" - ambient computing. Rick Osterloh, người đứng đầu phần cứng của Google khẳng định: Tầm nhìn của chúng tôi về điện toán xung quanh là tạo ra một trải nghiệm nhất quán, duy nhất ở nhà, tại nơi làm việc hoặc trên đường đi, bất cứ khi nào bạn cần.
Microsoft
Microsoft bán rất nhiều máy tính Surface: trị giá 5,7 tỷ USD trong năm nay (kết thúc vào tháng 6). Đó là lý do của việc hãng này liên tục phát hành máy tính xách tay và máy tính bảng, bao gồm Surface Pro X, Surface Laptop 3 và tai nghe thông minh. Như cựu CEO của Microsoft, Steve Ballmer đã nói hồi đầu tháng này, phần cứng mang về rất nhiều lợi nhuận.
Surface laptop 3.
Tuy vậy, Surface chỉ chiếm dưới 5% tổng doanh thu của Microsoft – vốn mang về nhiều doanh thu hơn từ LinkedIn và các dịch vụ đám mây, nổi tiếng nhất với phần mềm Windows và Office.
Một lý do tại sao Microsoft đầu tư vào dòng sản phẩm Surface của mình là vì nó mang đến cho các đối tác cái nhìn thoáng qua về nơi Microsoft muốn đưa Windows trong tương lai. Đây là cách dễ dàng nhất để giới thiệu các tính năng mới phức tạp và thiết kế mới khi một công ty kiểm soát cả phần cứng và phần mềm.
Amazon
Chiến lược phần cứng của Amazon là ném mọi thứ vào thị trường và xem những gì xảy ra. Công ty cũng hy vọng rằng có thể khiến người dùng bị thu hút vào trợ lý giọng nói của mình. Tại một sự kiện ra mắt vào tháng 9, hãng này đã phát hành rất nhiều sản phẩm mới, bao gồm tai nghe, loa, thiết bị đeo và thậm chí là một cặp kính máy tính. Điểm chung giữa các sản phẩm là gì? Tất cả đều có thể gọi trợ lý ảo Alexa.
Amazon Echo Loop.
Điều đó đã khiến Amazon chiếm 75% thị phần trong các loa thông minh trên toàn thế giới. Nếu giao diện giọng nói tiếp tục phát triển, Amazon rất có lợi thế.
Chiến lược phần cứng của Amazon hơi khác so với Microsoft và Google, cả hai đều sở hữu nền tảng điện toán lớn. Mặc dù Amazon đã phát hành máy tính bảng Fire chạy trên phiên bản Android tùy chỉnh nhưng hãng này không bao giờ sở hữu một nền tảng cổng như những “người khổng lồ” công nghệ khác.
Facebook từng muốn sản xuất một chiếc điện thoại. Dự án đó đã thất bại, khiến công ty không kiểm soát được phần cứng và dễ bị tổn thương trước những thay đổi từ các công ty như Google và Apple.
Màn hình Portal của Facebook.
Vì vậy, Facebook đang tìm kiếm nền tảng lớn tiếp theo. Hãng này đang đầu tư vào màn hình thông minh, như Cổng thông tin Facebook và thực tế ảo/ thực tế tăng cường.
Facebook đang chi tiền cho dự án này bằng cách mua Oculus (công ty chuyên về các sản phẩm phần cứng và phần mềm thực tế ảo) với giá 2 tỷ USD và trả từ 500 triệu - 1 tỷ USD cho CTRL Labs, một công ty tiên phong về điện toán não. Cùng với dự án tiền ảo Libra, kế hoạch của Facebook không hề thua kém các "đối thủ" công nghệ lớn khác.