"Bà ngoại U60" rót 15 tỉ cho startup máy ép kính điện thoại tại Shark Tank mùa 3

Khi đã có 4/5 “cá mập” từ chối, startup sửa chữa điện thoại “xóa cờ đánh lại” được Shark Đỗ Liên “cứu vớt” vì lan tỏa tinh thần vượt khó.

Thương vụ này đến từ cặp đôi nhà sáng lập Nguyễn Hữu Đức và Andy Tôn Thất của R2Y - nhà sản xuất và cung cấp máy ép kính trên toàn quốc. Đưa ra lời mời 15 tỷ cho 8% cổ phần công ty, cả hai mong muốn kêu gọi vốn để thành lập một công ty mới hoàn toàn với vốn điều lệ 10 tỷ đồng, cùng sự đồng hành của Shark để đưa mô hình của R2Y bùng nổ nhanh nhất.

Nguyễn Hữu Đức giới thiệu hệ thống R2Y ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu cao, đem lại tiện ích chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng và tạo ra ngành nghề chuyên môn có thu nhập ổn định cho người lao động. Mô hình kinh doanh của R2Y đem đến các nguồn thu nhập chính là cung cấp dụng cụ sửa chữa - đào tạo dạy nghề, cung cấp linh kiện hành nghề và thu về 20% phí vận hành từ các đơn hàng thành công.

"Bà ngoại U60" rót 15 tỉ cho startup máy ép kính điện thoại tại Shark Tank mùa 3 - 1

Giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư về chất lượng của thợ sửa chữa, nhà sáng lập R2Y cam kết có thể kiểm soát được bởi anh chính là người dạy ra những người thợ đó: “Bắt đầu chuyển vô Sài Gòn năm 2014, tôi đến những trường khuyết tật để chiêu sinh. Nghề của tôi chỉ hai mắt, hai tay là đủ rồi. Tôi nhận họ về để giúp những người đó tự làm chủ bản thân, tự làm chủ công việc của họ”.

Sở hữu lợi thế tự sản xuất máy móc, đào tạo con người và tự chủ luôn cả lập trình ứng dụng, tuy nhiên R2Y vẫn phải nhập linh kiện từ Trung Quốc và còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề marketing. Do đó, nếu kêu gọi thành công 15 tỉ từ nhà đầu tư, R2Y sẽ dùng 8 tỉ để tập trung đẩy mạnh marketing, 2 tỉ đầu tư vào đào tạo, còn lại 5 tỉ để sản xuất máy móc và mua linh kiện dự trữ.

Nhà đồng sáng lập Andy Tôn Thất cũng tuyên bố: “Với số gọi vốn hiện nay 15 tỉ cho 8% thì tới cuối năm 2019, 8% đó sẽ tăng lên 15%. Giá trị 8% các Shark đưa ra bây giờ sẽ thành 30 tỉ. Với 4 nguồn thu, dự kiến đến cuối năm 2019 R2Y sẽ đạt doanh thu 100 tỉ”.

Con số này khiến “cá mập” choáng váng. Là người đầu tiên từ chối đầu tư, Shark Hưng nhận xét ông cảm thấy rất lăn tăn về con số mà các nhà sáng lập đưa ra. R2Y đã có lịch sử thành công hoành tráng, mỗi năm lời 4 - 5 tỷ nhưng lại “xóa cờ đánh lại” để lập công ty mới. Sản phẩm chưa tung ra thị trường, nhà sáng lập chỉ đóng góp vào công ty bằng nền tảng và kỹ thuật của quá khứ nhưng định giá công ty ở mức 170 tỉ đồng là điều phi lý.

Đồng quan điểm, các Shark Thái Vân Linh, Dzung Nguyễn và Nguyễn Thanh Việt cũng tuyên bố rút lui. Vấp phải 4 cái lắc đầu từ nhà đầu tư, cứ ngỡ các nhà sáng lập của R2Y đã phải ra về tay trắng thì bất ngờ Shark Đỗ Liên đã ra tay “cứu vớt” startup.

"Bà ngoại U60" rót 15 tỉ cho startup máy ép kính điện thoại tại Shark Tank mùa 3 - 2

Shark Liên đã quyết định đầu tư.

Nhà sáng lập Ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN chia sẻ: “Thực sự lúc đầu tôi không chú ý về lĩnh vực này nhưng vì tôi có công ty bảo hiểm, tôi cũng có sản phẩm bảo hiểm về điện thoại di động. Khi khách hàng của tôi bị vỡ, nước vô thì phải tìm nơi sửa chữa. Nếu các bạn đáp ứng được nhu cầu đó thì đấy là lợi thế để tôi cung cấp cho các bạn ngay lập tức lượng khách hàng tương đối lớn”.

Đưa ra lời đề nghị 15 tỉ cho 50%, Shark Đỗ Liên hứa hẹn sẽ hỗ trợ ngay lập tức cho R2Y tệp khách hàng và lượng học viên được đào tạo, có cấp chứng chỉ đàng hoàng tại trường quản trị doanh nghiệp mà bà đang điều hành.

Lý giải nguyên nhân muốn sở hữu 50% cổ phần R2Y, Shark Đỗ Liên cũng cho hay: “Đừng hiểu lầm tôi muốn thâu tóm bạn, tôi muốn có trách nhiệm để cùng bạn đi một quãng đường dài. Tôi sẽ hỗ trợ bạn để trở thành một công ty tầm cỡ của thị trường. Thành lập công ty mới bạn chỉ có một cái bằng sáng chế máy và một cái app chưa sử dụng mà tôi đóng góp cho bạn một thị trường lớn như vậy. Cái bạn thuyết phục ở tôi là sự lan tỏa, bạn tạo công ăn việc làm cho những người khác, đó là thứ tôi quan tâm”.

Đồng thời, Shark Đỗ Liên cũng tuyên bố mạnh mẽ: “Sẵn sàng 3 năm đầu không lấy lợi nhuận” khi R2Y muốn Shark đẩy thấp tỉ lệ % khi hoàn vốn.

Trước sự quyết liệt của nhà đầu tư, Nguyễn Hữu Đức tâm sự anh muốn doanh nghiệp nắm giữ nhiều cổ phần hơn để có động lực làm việc. Cuối cùng, cuộc thương lượng về giá đã dừng lại khi cả hai bên gặp nhau tại ngưỡng 15 tỉ đồng cho 49%.