Theo ông trùm đĩa mềm, Tom Persky, thị trường của một trong những mặt hàng mang tính biểu tượng nhất của ngành công nghệ sẽ chỉ tồn tại trong “4 năm nữa”.
Doanh nhân người Mỹ, người tự cho mình là “người cuối cùng đứng vững” trong lĩnh vực kinh doanh đang lụi tàn, điều hành floppydisk.com, một trong những nơi cuối cùng trên internet mà bạn có thể mua những chiếc đĩa mềm cổ điển.
Sony, công ty cuối cùng sản xuất đĩa mềm, đã ngừng sản xuất chúng vào tháng 3/2011, và Perksy chủ yếu điều hành công việc kinh doanh của mình từ hơn 1 triệu đơn đặt hàng đã được thực hiện gần một thập kỷ trước.
Đĩa mềm được sử dụng bởi những ai?
Tuy độ ứng dụng không còn như ngày xưa, nhưng có vẻ như vẫn còn khá nhiều đơn vị trên thế giới còn sử dụng đĩa mềm, ít nhất là cho đến hiện nay.
Những chiếc Boeing 747, chỉ mới được nghỉ hưu vào tháng 7/2020, vẫn sử dụng đĩa mềm 3,5 inch để lưu trữ cơ sở dữ liệu cập nhật của trình chỉ dẫn đường bay.
Ngoài ra phải đến năm 2019, quân đội Mỹ mới ngừng sử dụng đĩa mềm 8 inch trong máy tính của những năm 1970, hệ thống chỉ huy và kiểm soát tự động chiến lược, hay Strategic Automated Command and Control System - SACCS, để nhận lệnh phóng hạt nhân.
Đặc biệt, Nhật Bản rất khó để từ bỏ tình yêu của mình đối với đĩa mềm, và chúng vẫn được chính quyền địa phương sử dụng phổ biến. Ở một khu vực của Tokyo, Chiyoda Ward, đã không đi theo lộ trình của quốc gia về loại bỏ hoàn toàn đĩa mềm cho đến năm tài chính 2026, theo báo cáo của Nikkei.
Trước đó, một sắc lệnh từ bộ trưởng kỹ thuật số của Nhật Bản, Taro Kono, đã tuyên bố “cuộc chiến” với đĩa mềm, cũng như đĩa CD, như một phần của chiến dịch rộng lớn hơn nhằm cắt giảm việc sử dụng công nghệ lỗi thời.
Nhưng có lẽ chúng ta sẽ không còn cơ hội thấy đĩa mềm trở nên phổ biến một lần nữa.
Ngay cả cộng đồng Linux thân thiện với máy tính truyền thống cũng đang thực hiện các bước để loại bỏ dần trình điều khiển đĩa mềm, vì phần cứng đĩa mềm vật lý ngày càng khó tìm.