Sau 2 lần phóng thất bại, đợt phóng mới sứ mệnh Artemis 1 tiếp tục gặp trở ngại lớn

Sứ mệnh lên Mặt Trăng lịch sử của NASA đang phải đối mặt với những khó khăn mới.

Theo Gadget360, sứ mệnh đến với Mặt Trăng của NASA đang phải đối mặt với những khó khăn mới. Sau những trục trặc kỹ thuật khiến hai lần phóng thử cách đây vài tuần bị ngưng trệ, lần cất cánh mới của sứ mệnh Artemis 1 dự kiến vào thứ Ba ngày 27/9 hiện đang bị đe dọa bởi một cơn bão tập trung ở vùng biển Caribê.

Cơn bão vẫn chưa được đặt tên, hiện đang nằm ở phía nam Cộng hòa Dominica. Nhưng nó được dự đoán sẽ phát triển thành một cơn siêu bão cuồng phong trong những ngày tới và có thể di chuyển về phía bắc đến Florida (Mỹ), nơi tọa lạc của Trung tâm Vũ trụ Kennedy, vị trí tên lửa được thiết lập để phóng Artemis 1.

Sau 2 lần phóng thất bại, đợt phóng mới sứ mệnh Artemis 1 tiếp tục gặp trở ngại lớn - 1
Sau 2 lần phóng thất bại, đợt phóng mới sứ mệnh Artemis 1 tiếp tục gặp trở ngại lớn - 2

Mike Bolger, giám đốc hệ thống thăm dò mặt đất của NASA, nói với các phóng viên hôm thứ Sáu: “Kế hoạch A của chúng tôi là ở lại trung tâm và chuẩn bị phóng vào ngày 27/9. Nhưng chúng tôi nhận ra rằng cũng cần phải thực sự chú ý và suy nghĩ về một kế hoạch B”.

Điều đó sẽ đòi hỏi phải đưa hệ thống phóng tên lửa Space Launch System (SLS) quay trở lại tòa nhà Vehicle Assembly Building, được gọi là VAB. Khi đó đội ngũ làm việc sẽ mất một vài ngày để kiểm tra hoặc thiết lập lại hệ thống phóng và đưa nó trở lại VAB để được bảo vệ trước cơn bão.

Trên bệ phóng, tên lửa SLS màu cam và trắng có thể chịu được sức gió lên tới 137 km/h. Nhưng nếu kế hoạch B được chọn nhằm bảo vệ SLS, đợt phóng hiện tại, kéo dài đến ngày 4/10 sẽ bị bỏ lỡ. Thời gian phóng tiếp theo sẽ được chọn trong khoảng từ ngày 17 – 31/10, ngoại trừ những ngày 24 - 26 và 28/10.

Một sứ mệnh Artemis 1 thành công sẽ giúp cơ quan vũ trụ Mỹ thở phào nhẹ nhõm sau nhiều năm trì hoãn và chi phí bị đội lên quá mức. Nhưng việc tiếp tục bị gián đoạn sẽ là một đòn giáng mạnh vào NASA, sau hai lần phóng thử trước đó đều bị hủy bỏ khi tên lửa gặp trục trặc kỹ thuật trong đó có sự cố rò rỉ nhiên liệu.

Ngày phóng phụ thuộc vào việc NASA nhận được sự miễn trừ đặc biệt để tránh phải kiểm tra lại pin trên hệ thống bay khẩn cấp được sử dụng để phá hủy tên lửa nếu nó đi lạc khỏi phạm vi được chỉ định tới khu vực đông dân cư.

Vào ngày 27/9, cửa bệ phóng sẽ mở lúc 11 giờ 37 phút theo giờ địa phương và kéo dài 70 phút. Nếu tên lửa cất cánh vào ngày hôm đó, nó sẽ kéo dài sứ mệnh bay trong 39 ngày trước khi đáp xuống Thái Bình Dương vào ngày 5/11.