Mẫu vật quý giá mà tàu vũ trụ Nhật Bản từng mang về từ tiểu hành tinh Ryugu tiết lộ bằng chứng mới về nguồn gốc ngoài hành tinh của chúng ta cũng như mọi sinh vật trên thế giới.
Khám phá được công bố trên tạp chí Nature Astronomy bởi nhóm nghiên cứu quốc tế do Đại học Hawaii (Mỹ) và Đại học Kyoto (Nhật Bản) dẫn đầu.
Theo SciTech Daily, các hợp chất ni-tơ, như muối amoni, có nhiều trong vật chất sinh ra ở những vùng xa Mặt Trời. Song, bằng chứng về sự vận chuyển chúng đến hành tinh của chúng ta vẫn chưa được hiểu rõ.
Ryugu là một tiểu hành tinh gần Trái Đất. Vì vậy, những gì xảy ra với nó cũng có thể cung cấp bằng chứng còn thiếu này.
Sử dụng kính hiển vi điện tử, nhóm nghiên cứu nhận thấy bề mặt các mẫu Ryugu được bao phủ bởi các khoáng chất cực nhỏ bao gồm sắt và ni-tơ dưới dạng sắt nitric (Fe4N).
PGS Toru Matsumoto từ Đại học Kyoto, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết họ đề xuất rằng các thiên thạch micromet cực nhỏ và chứa hợp chất amoniac đã va chạm với Ryugu và gây ra các phản ứng hóa học với bề mặt nguyên thủy đầy oxit sắt magnetite tạo nên Fe4N.
Như vậy, chính thiên thạch micromet là nguồn cung cấp ni-tơ đến khu vực mà hành tinh sơ khai, đơn điệu của chúng ta trú ngụ.
Trong khi đó, hợp chất ni-tơ chính là một loại khối xây dựng sự sống đã biết, bởi ni-tơ là một nguyên tố cơ bản thường hiện diện trong các hợp chất hữu cơ.
Để có sự sống thật sự, chúng ta cần một số nguyên tố khác, ví dụ carbon, phốt pho - những thứ trước đây cũng từng được chứng minh là do các loại đá không gian mang tới.
Như vậy, có thể nói nguồn gốc của các sinh vật ngày nay chính là các mảnh ghép từ ngoài hành tinh phong phú.
Khi được gieo mầm vào một thế giới sở hữu các điều kiện thích hợp - bao gồm môi trường ổn định, dồi dào nước, nhiệt độ vừa phải, có từ quyển bảo vệ - các phản ứng tạo sự sống đầu tiên bắt đầu phát sinh.