Bắt được tín hiệu vô tuyến bí ẩn, 16 ngày phát 1 lần từ thiên hà khác

Nguồn gốc của tín hiệu vô tuyến có thể là 2 vật thể mang "siêu năng lượng" cách chúng ta đến 457 năm ánh sáng.

Mạng VLBI châu Âu - một mạng lưới kính viễn vọng vô tuyến được đặt ở 4 châu lục - đã khám phá ra một "chớp sóng vô tuyến" cực mạnh, lặp lại với chu kỳ 16 ngày. Nó "bùng nổ" liên tục trong khoảng 4 ngày, im lặng trong 12 ngày tiếp theo rồi lặp lại chu kỳ.

"Chớp sóng vô tuyến", gọi tắt là FRB, là một dạng tín hiệu vô tuyến ngắn nhưng mạnh mẽ, thường được truyền tới Trái Đất từ một nơi rất xa xôi. Nguồn gốc của nó vẫn là một bí ẩn thú vị, có thể là do một vụ sáp nhập sao neutron - một dạng "xác chết sao" giàu năng lượng, hay mộ vụ nổ siêu tân tinh từ một loại sao cực kỳ mạnh mẽ, và cũng có mối nghi ngờ rằng đó là tín hiệu từ một nền văn minh ngoài Trái Đất.

Bài công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy cho biết họ đã phân tích dữ liệu tổng hợp từ các kính viễn vọng bằng kỹ thuật mới để phân tách ra một dữ liệu có "độ phân giải thời gian cao", giúp cung cấp cái nhìn sâu sắc về không gian vật lý xung quanh nguồn phát ra tín hiệu vô tuyến.

Theo nhóm tác giả dẫn đầu bởi 2 nhà thiên văn Kenzie Nimmo và Anton Pannekoek từ Đại học Amtersdam (Hà Lan), nơi phát ra tín hiệu lạ cách chúng ta đến 457 năm ánh sáng và thuộc một hành tinh khác.

Sputnik News cho biết các tác giả nghi ngờ rằng chớp sóng vô tuyến mang tên FRB 180916 này được gửi đến từ một hệ nhị phân gồm 1 sao neutron và một ngôi sao lớn khác. Tương tác mãnh liệt giữa 2 vật thể đã gây ra phát xạ vô tuyến mạnh đến nỗi truyền tới Trái Đất.