Trong bài viết kỳ trước, những tiết lộ của anh Trương Huyền Đức - Giám đốc Kỹ thuật "Mắt Biếc" - về hậu trường làm phim đã cho thấy cái nhìn đầy mới mẻ so với nhiều phim Việt trước đó. Hàng loạt công nghệ từ nhỏ đến lớn tầm cỡ thế giới đã được áp dụng, tất cả để nhằm tạo ra một ấn tượng nghệ thuật khó phai mờ nhất trong lòng dư luận. Mới đây, anh lại tiếp tục bật mí thêm nhiều góc nhìn sâu xa kèm theo lời giải đáp thích đáng cho những thắc mắc lạ lẫm của khán giả.
Mỗi người một iPad livestream từ máy quay: Diễn viên đỡ mệt, tiết kiệm thời gian
Theo lời anh Đức, một nửa các bạn diễn viên của "Mắt Biếc" đều ở độ tuổi trẻ, lần đầu tham gia đóng phim điện ảnh (Trúc Anh, Trần Nghĩa, Khánh Vân,...), thậm chí kiêm luôn vai trò đóng vai chính. Vì vậy, sức diễn của các bạn không được kỳ vọng quá cao, nhất là đối với một bộ phim tình cảm, trong đó khả năng diễn xuất cảm xúc phải rất nhuần nhuyễn. Do vậy, một trong những yêu cầu về mặt kỹ thuật quay và tính xuyên suốt trong công việc là phải thật nhanh gọn nhẹ, tránh làm diễn viên ảnh hưởng tâm lý mà phân tâm trong lúc diễn.
Một trong số những yếu tố ảnh hưởng cần kể đến là tác động của đạo diễn trong quá trình điều hành, cần phải xem hình ảnh qua máy quay và đánh giá khả năng diễn của các bạn ra sao. Đối với bối cảnh làm phim thông thường, sẽ có một màn hình lớn kết nối ra xa để đạo diễn và các cấp quản lý cùng ngồi theo dõi chung, đôi khi rất đông làm cho không khí tập trung bị gián đoạn. Nếu có điều gì không ưng, đạo diễn sẽ phải nói qua bộ đàm để kịp thời điều chỉnh.
Tuy nhiên, đối với Mắt Biếc, quá trình này được tạo dựng và thực hiện hiệu quả hơn. Đạo diễn, phó đạo diễn đều cầm trên tay một chiếc iPad kết nối livestream từ máy quay, có thể đi lại tự do chỉ đạo di động mọi chỗ mà không cần ngồi cố định để xem từ màn hình lớn, giúp cho công việc được sát sao kịp thời. Đơn giản như việc chỉnh đèn trường quay, người thực hiện có thể vừa tự tay chỉnh vừa theo dõi kết quả luôn trên iPad, thay vì ngồi một chỗ ở xa nói qua bộ đàm nhờ người khác, có lúc lại làm không đúng với ý mình.
Anh Đức và chiếc iPad cá nhân đem theo làm việc.
Tất cả những công đoạn đó nhờ iPad sẽ giúp mỗi người đều có một màn hình nhỏ đi theo mình, làm việc gần như trực tiếp mọi lúc. Trong mắt anh Đức, đạo diễn Victor Vũ không thấy thoải mái khi quá đông người cùng tụm lại ở một chỗ màn hình lớn, nên việc tận dụng iPad đã giúp cho công việc trở nên mềm mại, yên tĩnh và tập trung hơn đáng kể.
"Mắt Biếc" là trường hợp đầu tiên của Việt Nam áp dụng các thiết bị di động vào toàn diện tới vậy, ít nhất là 3 chiếc iPad cho những cấp quản lý sử dụng điều phối, chưa kể iPhone. Đèn hoặc 2 máy quay chính đều có thể điều khiển từ xa thông qua Wi-Fi và app; công đoạn đồng bộ hình ảnh và âm thanh cũng có thể làm được tại chỗ, không cần tách riêng về cắt ghép, tất cả là nhờ cách thiết lập tích hợp với máy quay có độ chính xác sát thực lên tới 1/24s.
Ứng dụng giúp xem hình ảnh từ camera truyền tới iPad.
Đối với nhiều phim khác, thông thường 12 tiếng là thời lượng chuẩn làm việc trên phim trường, đôi khi còn quá giờ lên 14-16 tiếng. Thời lượng làm việc đối với Mắt Biếc chỉ là 8-10 tiếng/ngày, nhằm giúp cho những diễn viên mới làm quen dần, không chịu nhiều áp lực, kết hợp cùng việc áp dụng công nghệ lại càng khiến công việc diễn ra trơn tru và thoải mái hơn.
Mắt Biếc tận dụng giả lập ánh sáng tự nhiên rất nhiều khi quay. Ê-kíp làm phim đã chọn hầu hết loại đèn LED đa dạng để phù hợp mục đích gọn nhẹ, chạy pin tiện dụng cho quá trình chỉnh vị trí và lắp đặt. Thay vì tốn công cho một chiếc đèn cao cấp dự kiến khoảng 18kW đặt từ xa để ánh sáng đều, chỉ cần một thanh đèn LED nhỏ gọn được cầm chạy theo diễn viên là đủ, tiết kiệm và tối ưu hóa tiền bạc cũng như công sức. Thú vị hơn, những đèn LED này còn có thể kết nối với app trên smartphone để điều khiển từ xa, không cần tốn sức tự tay căn chỉnh ánh sáng chi li.
Chiếc máy đo màu để điều khiển đèn LED và chỉnh màu cho đều khi quay.
Chỉ tin dùng đồ Apple: Lợi thế về màu sắc và sự ổn định không đâu có được
Sun Surveyor là một trong những nhân tố thầm lặng giúp làm nên nhiều cảnh quay tình cảm “deep” của Mắt Biếc. Đây là ứng dụng giúp tìm và dự đoán trước hướng nắng theo từng địa điểm, để từ đó tính được thời điểm cũng như cơ hội có một tia nắng lọt qua kẽ lá/cửa sổ siêu hiếm trong ngày làm nền cho một bối cảnh ấn tượng. Theo lời anh Đức, những dân quay và làm phim chuyên nghiệp đều biết đến ứng dụng này. Ngoài ra, một ứng dụng nữa cũng được đạo diễn và nhiều quản lý phim trường tin tưởng - Artemis Pro - có tác dụng giả lập ống kính để dự trù khung hình cho từng cảnh, thay thế hoàn toàn việc cầm máy quay thủ công nặng nề lên ngắm nghía.
Sun Surveyor dự đoán ánh nắng theo từng giờ trong ngày.
Pomfort Remote Control giúp thiết lập và chỉnh máy quay từ xa.
Nói đi cũng phải nói lại, tại sao chỉ thấy ê-kíp tin dùng và nhắc tới iPhone, iPad mà không sử dụng những thiết bị Android thừa sức ngang tầm? Lý do lớn nhất được anh Đức chia sẻ về sự tâm đắc của mình chính là tính năng đồng bộ nhanh, cũng như cách truyền dữ liệu AirDrop độc quyền của Apple.
Như đã đề cập trong bài viết trước, trường quay Mắt Biếc được thiết lập một hệ thống Wi-Fi riêng để phục vụ nhu cầu dùng app di động xuyên suốt quá trình làm phim. Tuy nhiên, việc chia sẻ mật khẩu Wi-Fi cũng không được công khai 100% để tránh mất ổn định cũng như lý do an ninh thông tin. Vì thế, anh Đức sẽ tận dụng tính năng chia sẻ Wi-Fi của iOS, chỉ cần nhấn một nút “chấp nhận” trên iPhone của mình mỗi khi có đồng nghiệp khác cần dùng mạng. Khi đó, thiết bị của người kia sẽ tự động được kết nối Wi-Fi mà không cần trực tiếp biết mật khẩu Internet.
Ngoài ra, màu sắc màn hình của các thiết bị Apple tương đối đồng đều về độ sắc nét chân thực, phần nào giúp cho ê-kíp có một cái nhìn đồng nhất hơn mỗi khi theo dõi và chỉnh lại màu ánh sáng trường quay. Cuối cùng, một lý do bất khả kháng khiến đoàn làm phim chỉ dùng thiết bị Apple là bởi có tới phân nửa số app được dùng chỉ có duy nhất trên iOS, không dành cho Android. Mọi người muốn những gì được tận dụng phải đạt hiệu quả cao nhất về tính liền mạch và ổn định, không cần thiết đó là thiết bị cao cấp tối tân nhường nào. Một số app phổ biến cũng xuất hiện trên Android, nhưng khả năng hoạt động ổn định kém hơn và dễ "treo" trong lúc sử dụng.
Một số cảnh chụp vội trên phim trường cho thấy những chiếc iPhone, iPad được tận dụng triệt để.
Về phần trí tuệ nhân tạo (AI), anh Đức thừa nhận đây là thứ cứu cánh hữu hiệu cho những cảnh quay khó và phức tạp, tránh quay lại nhiều lần bởi sẽ khiến diễn viên mất cảm xúc, không thể hiện được tốt như ban đầu. Cảm xúc và thần thái của người diễn luôn được ưu tiên nhiều nhất, vì vậy AI sẽ phụ trách trau chuốt lại cảnh quay và sửa các lỗi tồn đọng, nhất là việc lấy nét thiếu cũng như khử nhiễu. Đôi khi đạo diễn nhận ra phim đang thiếu một số góc quay gần mà không thể làm lại, hình ảnh sẵn có sẽ được zoom lên trực tiếp (lên tới 500%) và tiếp tục làm nét bằng AI để tránh vỡ hình. Tổng cộng có 20 cảnh được xử lý bằng AI trong Mắt Biếc.
“Khán giả thời nay rất nhạy, có thể họ không tự chỉ ra được lỗi chính xác chuyên môn nhưng họ vẫn nhận biết được phim nào đẹp và hoàn thiện về mặt kỹ thuật. AI giúp nhiều cảnh phim trở nên đồng đều hơn về độ nét, độ nhiễu và chất lượng quay để đáp ứng kỳ vọng của khán giả.”
Ví dụ rất rõ ràng về khả năng của AI khi ứng dụng vào "Mắt biếc".
Được biết, công nghệ AI này do nhiều chuyên gia trên thế giới cùng phát triển, trong đó anh Đức phụ trách xây dựng mảng xử lý và nâng cấp hình ảnh. Nhiều phim điện ảnh nổi tiếng trên thế giới cũng đã áp dụng tương tự, chẳng hạn như “The Irishman” cần tăng cường bắt nét chuyển động, “Top Gun: Maverick” cần củng cố độ sắc nét (tương tự “Mắt Biếc”)...