Melanie Perkins sinh năm 1987 tại Úc. Ngay từ khi còn nhỏ, Melanie Perkins đã bắt đầu dấn thân vào kinh doanh sáng tạo. Dự án kinh doanh đầu tiên của cô là tự thiết kế và bán khăn quàng cổ khi mới 14 tuổi.
Khi còn là sinh viên, Perkins theo học môn truyền thông kỹ thuật số và có niềm đam mê với thiết kế đồ họa. Vào thời điểm này, Perkins còn được nhà trường mời đứng giảng dạy tại các hội thảo về thiết kế đồ họa cho các sinh viên ở khoa khác.
Cô nhận thấy những khó khăn mà sinh viên gặp phải khi học các chương trình thiết kế như Adobe Photoshop. Họ phải mất ít nhất một học kỳ để được giới thiệu về những tính năng cơ bản của phần mềm này. Hơn nữa, đa số các công cụ thiết kế đồ họa đều khá đắt đối với sinh viên, phức tạp và khó sử dụng.
Vì vậy, Perkins đã có ý tưởng về việc tạo ra một nền tảng thiết kế đáp ứng được nhu cầu của cả những nhà thiết kế chuyên và không chuyên. Năm 19 tuổi, cô quyết định bỏ học để theo đuổi ước mơ của mình. Cô cùng bạn trai của mình là Cliff Obrecht bắt đầu với Fusion Books, một trang web giúp sinh viên sử dụng các công cụ sẵn có để tự thiết kế kỷ yếu.
Năm 2010, Perkins bắt đầu hành trình huy động vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm nhưng việc này khá khó khăn. Sau hơn 100 lần bị từ chối và nhiều chuyến đi vô ích tới Thung lũng Silicon, Perkins nhận được khoản đầu tư đầu tiên trị giá 3 triệu USD.
Năm 2013, Canva chính thức được ra mắt. Khi đó, Melanie Perkins trở thành CEO ở tuổi 26 cùng 2 nhà đồng sáng lập là Cameron Adams, một cựu nhân viên Google và bạn trai Cliff Obrecht.
Tháng 1/2014 , Canva có hơn 150.000 người dùng. Đến tháng 10/2014 đã có 1 triệu người dùng chia sẻ hình ảnh do Canva thiết kế trên phương tiện truyền thông xã hội, blog, email. 3 năm sau, startup này bắt đầu thu được lợi nhuận nhờ gần 300.000 khách hàng trả tiền cho phiên bản Nâng cấp. Đầu năm 2018, công ty của Perkins được định giá 1 tỷ USD và trở thành "kỳ lân" của giới startup toàn cầu.
Tháng 2/2021 công ty này đã huy động được 71 triệu USD từ các khoản đầu tư của T. Rowe Price và Dragoneer với mức định giá lên đến 15 tỷ USD. Với nguồn vốn này, nhà sáng lập kiêm CEO Melanie Perkins và nhà đồng sáng lập kiêm COO Cliff Obrecht đều trở thành tỷ phú. Với mức định giá 15 tỷ USD, Perkins nắm giữ số cổ phần trị giá khoảng hơn 2 tỷ USD.
Canva đã thành công ở hai điểm. Một là, nó có thể cạnh tranh sòng phẳng với các chương trình của Microsoft hay Adobe. Và hai là, công ty có thể tạo ra lợi nhuận đều đặn hàng năm. Hiện nay, Canva đã có tới 90 triệu người dùng, trong đó có khoảng 10 triệu người dùng trả phí. Canva cho biết họ vẫn đang có lãi trong bối cảnh đại dịch, đạt doanh thu 500 triệu USD, tăng đến 130% so với cùng kỳ năm trước.
Giống như nhiều doanh nghiệp công nghệ khác, đại dịch đã mang đến cơ hội thúc đẩy sự gia tăng người dùng của Canva (cả miễn phí lẫn trả phí) phục vụ cho các nhu cầu làm việc tại nhà, giúp nền tảng này có thể cạnh tranh với những ông lớn sừng sỏ trong ngành.
Đã có hơn 85% trong số 500 công ty có doanh thu lớn nhất nước Mỹ đang sử dụng Canva cho một số hoạt động của mình và vẫn còn tiềm năng để mở rộng và phát triển ra quy mô lớn hơn. Một số khách hàng doanh nghiệp tiêu biểu của Canva hiện nay là: American Airlines, Kimberly-Clark, McKinsey và Salesforce.
Cuối năm 2021, Canva đã huy động được 200 triệu USD, giúp công ty này đạt định giá lên đến 40 tỷ USD.
Canva "hiện tại không có kế hoạch" phát hành cổ phiếu ra công chúng. Tại các hội nghị của hội đồng quản trị Canva, Perkins dành phần lớn thời gian nói về các sản phẩm sẽ phát triển trong thời gian tới.
Năm 2019, Perkins lọt vào danh sách 30 người giàu nhất thế giới dưới 30 tuổi của Forbes. Theo số liệu cập nhật của Forbes, tài sản của Melanie Perkins đạt 6,5 tỷ USD và là người giàu thứ 9 Australia. Về lĩnh vực công nghệ, cô cũng nằm trong top 60 tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới.
Theo Daily Star, vào đầu tháng 3/2022, Melanie Perkins cùng chồng là Cliff Obrecht đã ký thỏa thuận chia sẻ tài sản với sáng kiến "Giving Pledge", tuyên bố cho đi khối tài sản hơn 12 tỷ USD của hai người. Đây là quỹ từ thiện do tỷ phú Warren Buffett, Bill Gates và vợ cũ Melinda sáng lập, trong đó cam kết cho đi phần lớn tài sản để làm từ thiện.
Tham khảo: Daily Star, Forbes, Economic Times…
-
8 năm sau ngày mạnh tay "gom" 30 chiếc Rolls-Royce, tỷ phú "xấu nhất Hong Kong" giờ ra sao: Từng bị đồn đoán vỡ nợ, cuộc sống thực sự khiến nhiều người ghen tỵ
-
Bố vợ tỷ phú của Thủ tướng Anh hóa ra cũng thích rửa bát như Bill Gates và Jeff Bezos: Ra đường là ông trùm công nghệ, về nhà vẫn phải cọ toilet
-
Con đường trở thành tỷ phú của ông chủ NetEase: Là người giàu nhất Trung Quốc ở tuổi 32 nhờ trò chơi điện tử