1.000 tỷ USD là giá trị thị trường của Facebook khoảng 1 năm trước, ngay trước khi công ty quyết định đổi tên thành Meta. Con số đó hiện đã giảm gần 800 tỷ USD.
800 tỷ USD! Con số này còn lớn hơn vốn hóa thị trường của hầu hết các công ty thuộc S&P500. Nó cũng lớn hơn vốn hóa Exxon Mobil, Berkshire Hathaway và cả Tesla.
Đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ thời gian gần đây đã nhấn chìm cổ phiếu Amazon, Alphabet và tất cả các gã khổng lồ công nghệ khác ngoại trừ Apple, thổi bay hàng nghìn tỷ USD vốn hóa. Tuy nhiên, khoảng thời gian này, không công ty nào trông ảm đạm như Meta – tập đoàn chứng kiến giá cổ phiếu giảm 75% kể từ tháng 9 năm ngoái. Tin tốt cho Meta là có nhiều công ty từng chứng kiến cổ phiếu sụt giảm mạnh hơn thế trong lịch sử cuối cùng họ vẫn vượt bão thành công. Nhưng, tin xấu là Meta không có nhiều điểm chung giống những công ty đó…
Tờ WSJ nhận định, nhiều công ty thay đổi chiến lược bởi họ mất tiền còn Meta mất tiền bởi họ thay đổi chiến lược.
Chính xác là đã gần 1 năm kể từ khi CEO và đồng sáng lập Mark Zuckerberg tiến hành việc đổi tên thương hiệu Facebook thành Meta Platforms bởi anh tin rằng tương lai của công ty không phải phụ thuộc vào mạng xã hội mà là thực tế ảo.
Quyết định đặt quá nhiều niềm tin vào một lĩnh vực chưa được kiểm chứng sẽ trở thành cú đặt cược rủi ro nhất mà bất kỳ tập đoàn nào từng làm, chưa bàn tới việc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Trên thực tế, những gì đang xảy ra hiện tại cho thấy khá ảm đạm. Vẫn chưa rõ cột mốc nào sẽ được cho là thành công - chỉ biết là Meta còn đang ở rất xa so với đó và có thể họ đang đi sai hướng.
Sim B.Sitkin, một giáo sư ở Đại học Duke từng nghiên cứu về “một chiến lược cho những thất bại nhỏ", gọi đó là: Thất bại thông minh (intelligent failure).
Việc để mất 800 tỷ USD vốn hóa thị trường rõ ràng không “thông minh” theo tiêu chuẩn của Sitkin. Những cải tiến mới luôn cần có những lần thử nghiệm. Thử nghiệm thất bại. Thất bại có thể được đúc thành bài học.
Thành công lớn chính là sản phẩm của những thất bại nhỏ nhưng chỉ khi thử nghiệm đáp ứng được những tiêu chí đặc biệt. Việc thử nghiệm nên để giải quyết những câu hỏi xứng đáng. Chúng nên được lên kế hoạch tỉ mỉ và có ích bất kể kết quả. Và chúng cũng nên được làm một cách khiêm tốn. Đó là điều quan trọng nhất.
Amy Edmondson, giáo sư Trường Kinh doanh Harvard và là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt "Right Kind of Wrong: The Science of Failing Well", cho biết kích thước đặt cược tối ưu rất khó xác định nhưng dễ mô tả. "Càng nhỏ càng tốt. Không ai đặt cược công ty cả", bà nói. Và như tất cả mọi người đều thấy, Meta đã không làm theo chính xác lời khuyên đó.
Năm ngoái, Zuckerberg tuyên bố rằng anh muốn Facebook trở thành một công ty vũ trụ ảo. Tuần trước, sau khi Meta báo cáo quý kinh doanh ảm đạm khác, vị CEO này nhắc lại rằng anh vẫn vững niềm tin như vậy. Mark hiểu rằng "mọi người có thể không đồng ý với khoản đầu tư này" nhưng anh ấy nghĩ rằng họ đã sai. "Tôi nghĩ, nếu vài thập kỷ nữa nhìn lại, mọi người sẽ thấy tầm quan trọng của công việc tôi đang làm".
Dĩ nhiên, Meta còn rất nhiều việc phải làm. Các báo cáo gần đây cho thấy, nền tảng vũ trụ ảo của họ chỉ có ít hơn 200.000 người dùng hoạt động hàng tháng. Quan trọng hơn, quan điểm tin tưởng vào vũ trụ ảo của Mark không nhận được sự đồng thuận từ người khác và anh ta lại sở hữu lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết tuyệt đối ở Meta.
Dĩ nhiên, vẫn có khả năng Zuckerberg đúng về vũ trụ ảo và giá cổ phiếu của công ty sẽ là một món hời về lâu dài. Mark đã xây dựng 1 trang web từ phòng ký túc xá đại học trở thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới. Rõ ràng việc làm này, vào thời điểm đó cũng nghe có vẻ điên rồ. Tiếp theo, việc định vị Facebook dành cho thiết bị di động vào đúng thời điểm một lần nữa cho thấy Mark có thể nhìn ra những góc tiềm năng của mạng xã hội mà ít người khác có thể nhìn thấy.
Nhưng tầm nhìn mới nhất của Mark về vũ trụ ảo lại khác. Bản thân Zuckerberg cảnh báo rằng sẽ cần sự kiên nhẫn, tin tưởng và một vài quý báo cáo tài chính tệ hại nữa để xem liệu đặt cược vào vũ trụ ảo có được đền đáp hay không. "Đây không phải là một khoản đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận cho chúng tôi bất cứ lúc nào trong tương lai gần", Mark nói một năm trước.
Dự đoán đó hóa ra là chính xác. Khoản lỗ hoạt động của bộ phận Metaverse của Meta đã lên tới 3,7 tỷ USD chỉ trong quý trước. Giám đốc tài chính của Meta thì nói rằng ông dự đoán "khoản lỗ hoạt động vào năm 2023 sẽ tăng lên đáng kể". Thị trường hiển nhiên đã phản ứng với kết quả này: Tất cả đều hoảng sợ.
Meta hiện đang giao dịch ở mức giá thấp nhất kể từ năm 2016, vốn hóa giảm 23.000 USD một giây so với mức đỉnh năm ngoái. Các trợ cấp về mặt tài chính cho sự thất bại thông minh trở nên nhiều hơn khi một công ty phát triển nhanh hơn.
Cái giá của việc đặt cược tất cả hoặc không có gì vào công nghệ non trẻ mà Zuckerberg tạo ra từ phòng ký túc xá của mình là thấp xét về phương tiện tiền. Tình huống bây giờ lại khác. Mark Zuckerberg đang dùng cả công ty Meta để đặt cược vào vũ trụ ảo. Tương lai ra sao vẫn còn là một câu hỏi lớn. Tuy nhiên, 1 năm vừa qua, vốn hóa Meta đã bốc hơi 800 tỷ USD.
Nguồn: WSJ
-
Quyền lực tuyệt đối của Mark Zuckerberg ở Meta: Nhà đầu tư chê CEO vô tình vì tự quyết định mọi thứ, họp cổ đông chỉ mang tính hình thức
-
Mark Zuckerberg muốn học theo cách Google từng chống lại Apple, nhưng lại quên mất điều quan trọng nhất
-
Một năm nhìn lại kể từ ngày Facebook đổi tên thành Meta: Giấc mơ của Mark Zuckerberg vẫn xa tầm với