Vào ngày 13/4/1961, phóng viên đặc biệt Georgi Ostroumov của tờ báo Liên Xô Izvestia gặp người đàn ông đầu tiên bay vào không gian. Một ngày sau khi trở về Trái Đất, "phi công vũ trụ" Yuri Gagarin, theo lời tường thuật của Ostroumov, "có tinh thần hứng khởi, khỏe mạnh và tráng kiện… một nụ cười tuyệt vời tỏa rạng trên gương mặt anh."
"Thỉnh thoảng lúm đồng tiền lại xuất hiện trên má anh," Ostroumov viết. "Anh ấy trân trọng sự tò mò của mọi người khi sấn sổ hỏi chi tiết về những gì anh thấy và trải nghiệm trong một giờ rưỡi anh ở ngoài Trái Đất."
Trong cuốn sách nhỏ xuất bản để kỷ niệm chuyến bay, "Người Xô Viết trong Vũ Trụ", cuộc phỏng vấn với Gagarin kéo dài nhiều trang viết.
Nhà du hành vũ trụ mô tả trải nghiệm: "Chân trời có vẻ đẹp khác thường và cực kỳ độc đáo." Ông cũng ca ngợi Liên bang Xô Viết: "Tôi dâng hiến chuyến du hành của mình cho… tất cả nhân dân chúng ta, những người đã hành quân đến tiền phương của nhân loại và xây dựng xã hội mới."
Trong một hệ thống chính trị nơi báo chí có xu hướng tuyên truyền thay vì miêu tả thực tế về sự kiện, người ta dễ dàng cho rằng lời nói của Gagarin là bịa đặt. Nhưng dù chúng có thể đã bị điều chỉnh lại bởi bộ phận kiểm duyệt, thì có khả năng đó vẫn là những lời nói thật của nhà du hành vũ trụ.
Là phi công lái máy bay chiến đấu lớn lên từ ngôi làng nhỏ ở Nga, Gagarin là người đàn ông của gia đình được mọi người yêu mến. Thật sự là ông điển trai, duyên dáng và đặc biệt là có thẻ đảng, thể hiện sự trung thành với đảng cộng sản.
Dù những kịch tính trong giai đoạn đầu của chương trình đưa người vào không gian của Nasa đã được công chúng biết đến, nhưng mãi đến gần đây câu chuyện đầy đủ về cách Liên Xô tuyển chọn và huấn luyện phi hành gia của họ mới được biết đến.
Sau khi đạt tiêu chuẩn làm phi công lái chiến đấu cơ, Gagarin được chỉ định đóng quân tại một phi trường xa xôi nằm gần biên giới với Na Uy, và lái chiến đấu cơ MiG-15 trong mặt trận phía tây thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.
Cuối mùa hè năm 1959, hai bác sĩ đến căn cứ không quân này, tổ chức phỏng vấn để chọn trước một nhóm phi công.
Sau khi bắt đầu với danh sách khoảng 3.500 ứng viên tiềm năng, các bác sĩ thu hẹp danh sách số người mà họ tìm kiếm xuống còn khoảng 300 phi công khắp miền tây nước Nga.
"Những người được phỏng vấn không hề biết vì sao họ được phỏng vấn," Stephen Walker, tác giả cuốn sách "Beyond"[Ngoại vi], đã dành nhiều năm lục tung các kho lưu trữ của Nga để kết nối thành câu chuyện đầy đủ về sứ mệnh của Gagarin.
Cuộc phỏng vấn có nội dung khá thân mật như hỏi han về sự nghiệp, khát vọng và gia đình. Một số người được mời quay trở lại phỏng vấn lần hai. Tuy các bác sĩ hé lộ rằng họ đang tìm kiếm ứng viên cho một thiết bị bay loại mới, nhưng không bao giờ họ tiết lộ ý định thực sự.
"Họ tìm phi công quân sự, những người chấp nhận khả năng sẵn sàng chết vì tổ quốc, đây thực sự là điều mà ta phải đối mặt, vì khả năng còn sống để quay về không hẳn là cao," Walker nói.
Trong khi Nasa tuyển phi công quân sự chuyên lái thử để làm phi hành gia đợt đầu tiên bay trong tàu vũ trụ phức hợp Mercury, thì khoang lái tàu của Xô Viết Vostok được thiết kế với điều khiển từ xa từ mặt đất. Ngoại trừ khi xảy ra tình huống khẩn cấp, phi công không làm gì nhiều để vận hành bay.
"Họ không tìm những người có nhiều kinh nghiệm đến vậy," Walker nhận định. "Điều mà họ tìm kiếm đơn giản là phiên bản người thay cho một con chó - một người có thể ngồi yên đó và chịu đựng sứ mệnh, ứng phó với lực tăng tốc và trở lại an toàn."
Và cũng giống như chó phi hành gia mà những nhà khoa học tên lửa người Nga đã phóng vào vũ trụ hơn một thập niên trước, các phi hành gia cũng phải có thể lực tốt, nghe lời và đủ nhỏ con để ngồi vừa trong khoang lái chật hẹp.
Cuối cùng, 134 người được chọn - tất cả đều là phi công trẻ, cao dưới 1m68 - được có cơ hội "tình nguyện" cho nhiệm vụ mới và cực kỳ bí mật.
Một số người được cho biết nhiệm vụ là tập huấn để lái tàu vũ trụ, một số khác tin rằng đó là phiên bản mới của máy bay trực thăng.
Không ai trong số các phi công được phép thảo luận về công việc với đồng nghiệp hay tham khảo ý kiến gia đình.
Trong khi đó, vào tháng 4/1959, Hoa Kỳ công bố tên bảy phi hành gia đầu tiên lái tàu Mercury. Các ứng viên phải trải qua hàng loạt bài tập thể chất mệt nhoài, các kiểm tra về y tế và tâm lý - những nội dung này được viết trong quyển sách của Tom Wolfe (theo sau đó là một bộ phim và loạt phim truyền hình) có tên The Right Stuff.
Khi được hỏi trong cuộc họp báo là họ không thích bài tập luyện nào nhất, phi hành gia John Glenn nói: "Rất khó để chọn xem bài nào bởi vì nếu bạn phát hiện ra có bao nhiêu lỗ, hốc trên cơ thể con người và bạn có thể tiến sâu vào tới mức nào ở mỗi lỗ hay hốc đó… thì bạn nói xem, lỗ nào khiến bạn ngần ngại tiến vào nhất."
Nhưng với nhiều câu hỏi còn lại về việc làm sao con người có thể thích nghi được với môi trường cực đoan trong chuyến bay vào vũ trụ - như gia tốc, tình trạng không trọng lực và sự cô độc - thì lý do bắt buộc cần được cân nhắc khi chọn người, đó là người được chọn phải có thể chất tốt nhất và tâm lý vững vàng nhất.
Người phụ trách phần kiểm tra ứng viên làm phi hành gia Xô Viết là Vladimir Yazdovsky, giáo sư Học viện Y học Hàng Không và Không Gian Moscow.
Trước đó, ông từng là người giám sát chương trình đưa chó phi hành gia vào không gian. Đồng nghiệp miêu tả (ở chốn riêng tư) rằng ông là người ngạo mạn và khắc nghiệt.
"Ông ta giống kiểu nhân vật kinh khủng trong phim James Bond," Walker cho biết, "và ông cực kỳ tàn nhẫn với những người này."
Trong gần như hầu hết các trường hợp, bài tập của Liên Xô kéo dài hơn, khó hơn và khắc nghiệt hơn bài tập của các phi hành gia người Mỹ.
Trong vòng một tháng, các ứng viên phải trải nghiệm việc bị gây áp suất tại các hốc, lỗ trên người, bị kiểm tra sức chịu đựng ở mọi bộ phận trên thân thể, và bị khiêu khích để dễ trở nên kích động.
Họ được đưa vào phòng có nhiệt độ cao đến 70 độ C, hoặc phòng dần dần bị rút cạn khí oxy và buộc phải ngồi trên ghế gây rung lắc giả lập như khi phóng tàu. Một số ứng viên gục ngã, một số người khác bỏ cuộc.
Chương trình huấn luyện cực kỳ khắc khổ này ít chú trọng đến kỹ năng điều khiển tàu hơn so với Nasa
Trong suốt quá trình, những người tham dự bị cấm không được kể cho gia đình và bạn bè nghe họ đang làm gì. Thậm chí trong tháng tham gia xét tuyển, một số người vẫn không biết họ tham gia xét tuyển để làm gì.
Cuối cùng 20 người trong số những người trẻ đó vượt qua quá trình huấn luyện tại một trung tâm huấn luyện phi hành gia.
Nơi này về sau được đổi tên là Star City (Thành phố Ngôi Sao) nhưng ban đầu nó chỉ là nơi có vài căn lều quân sự trong một cánh rừng gần Moscow.
Không ai tổ chức họp báo hay công bố gì. Chính thức là, chương trình đưa người lên không gian của Liên Xô không hề tồn tại trên giấy tờ.
"Nếu họ rời căn cứ, họ được yêu cầu không kể cho ai nghe họ đang làm gì, tại sao họ ở đó, nếu ai đó hỏi, họ sẽ nói họ là thành viên của đoàn huấn luyện thể thao," Walker mô tả. "Mọi thứ đều bị kiểm soát, mọi thứ đều bí mật. Mọi thứ đều ẩn giấu sau cánh cửa đóng kín."
Bản thân chương trình huấn luyện tương tự với chương trình của Mỹ, nhưng lại có ít nội dung liên quan đến điều khiển tàu vũ trụ.
GIống như chó phi hành gia, những người này bị xoay tròn với tốc độ tăng dần trên thiết bị xoay ly tâm, bị nhốt trong buồng lái kín cách âm trong nhiều ngày và được kiểm tra liên tục về tình trạng thể chất và tinh thần.
Một khác biệt điển hình nữa so với chương trình không gian của Mỹ, đó là lượng bài tập huấn luyện nhảy dù mà phi hành gia Nga phải tập. Đó là vì họ cần phải thoát khỏi tàu vũ trụ khi rơi nhanh xuống mặt đất để tránh bị chấn thương nặng vì tác động. Thực tế là khoang tàu và phi công sẽ đáp xuống riêng biệt là một bí mật khác không được tiết lộ mãi đến nhiều năm sau.
Với việc ngày càng nhiều người rơi rụng, nhóm đầu tiên gồm sáu phi hành gia được chọn tham gia chuyến bay đầu tiên.
Khi Nasa công khai tuyên bố hy vọng sẽ phóng người vào không gian lần đầu tiên năm 1961, lãnh đạo chương trình không gian của Xô Viết, Sergei Korolev biết rằng ông có cơ hội trong một khoảng thời gian hẹp.
Các phi hành gia Nga trải qua hành trình giống với nhiều phi hành gia người Mỹ, ví dụ như huấn luyện trong tình trạng không trọng lực.
Vào ngày 5/4/1961, các phi hành gia đến nơi được gọi là bãi phóng tàu vũ trụ Baikonur trong sa mạc Kazakh, nơi tên lửa R7 khổng lồ của Korolev đã sẵn sàng.
Cho đến lúc đó, vẫn không ai trong số họ biết ai sẽ là người đầu tiên bay vào vũ trụ. Cuối cùng, chỉ vài ngày trước đợt phóng tàu, Gagarin được phép bay.
Mãi cho đến khi có truyền thông chính thức là Gagarin đã ở trong quỹ đạo Trái Đất thì không ai ngoài những người thân cận nhất với chương trình không gian được biết tên ông.
Theo Ostroumov, phóng viên đặc biệt của báo Izvestia, trong buổi sáng ngày 12/4, Gagarin đã "vẫy tay lần cuối chào bạn bè và đồng chí bên dưới [tên lửa] khi anh bước vào tàu vũ trụ, vài giây sau đó lệnh chỉ huy được ban ra… chiếc tàu khổng lồ bay lên từ đám mây hừng lửa đến các vì sao."
Ông trở về Trái Đất và trở thành người con Xô Viết xuất hiện tràn ngập trên các poster - phi hành gia Kiểu Nga.