Trong sự kiện Apple "California Streaming" diễn ra 0h ngày 15/9 (giờ Việt Nam), Apple đã chính thức công bố thế hệ iPhone 13 Series, với 4 phiên bản gồm iPhone 13 mini, iPhone 13, iPhone 13 Pro và 13 Pro Max.
Trong suốt sự kiện này, Apple đã liên tục nêu cao khẩu hiệu bảo vệ môi trường bằng việc nhấn mạnh thiết kế tái chế 100%, từ vỏ hộp cho đến linh kiện bên trong. Phó chủ tịch Phụ trách mảng Marketing toàn cầu - ông Greg Joswiak còn cho biết rằng, Apple đã thiết kế lại bao bì cho dòng sản phẩm iPhone 13 Series bằng cách loại bỏ lớp bọc nhựa quen thuộc bên trên hộp - thay đổi được cho là sẽ tránh tạo ra 600 tấn rác thải nhựa cho môi trường.
Năm nay hộp đựng iPhone mới sẽ hoàn toàn không có lớp bọc nilon (hay còn gọi seal) bên ngoài
Chính vì thay đổi này, hộp đựng iPhone 13 Series năm nay có một khác biệt so với tất cả các mẫu iPhone từng được mở bán. Theo đó, năm nay hộp đựng iPhone mới sẽ hoàn toàn không có lớp bọc nilon (hay còn gọi seal) bên ngoài.
Nếu bạn đang tự hỏi làm thế nào để Apple chắc chắn rằng chiếc iPhone sẽ được đảm bảo vẫn nằm yên trong hộp và không có bất kỳ sự đánh tráo nào xảy ra, chuyên gia rò rỉ DuanRui đã có câu trả lời cho bạn.
Lớp bảo vệ bằng giấy có dải xé theo vệt chấm sẵn này sẽ thay thế lớp nhựa bọc bên ngoài kể từ đời iPhone 13
Trong một bài đăng mới đây trên Twitter, DuanRui đã đăng tải hình ảnh cho thấy lớp nhựa bọc bên ngoài hợp của iPhone giờ đây sẽ được thay thế bằng lớp bảo vệ bằng giấy có dải xé theo vệt chấm sẵn được thiết kế khá giống cách chúng ta mở khoá iPhone.
Lớp bảo vệ này cho phép bao bì giữ nguyên vị trí mà không bị trượt và có khả năng làm hỏng iPhone bên trong hộp, cũng như đóng vai trò như một dấu hiệu cho biết hộp có bị ai mở hay không.
Mặc dù mang lại lợi ích về môi trường nhưng điều này có thể gây ra một số ý kiến trái chiều từ người dùng như làm giảm sự sang trọng của iPhone. Đặc biệt là với các iFan, từ lâu cảm giác khui seal này luôn được đánh giá là trải nghiệm nhất định phải có khi mua sản phẩm.
Thay đổi này của Apple có thể gây ra một số ý kiến trái chiều từ người dùng như làm giảm sự sang trọng của iPhone
Năm vừa rồi, Apple cũng từng gây không ít tranh cãi khi quyết định loại bỏ củ sạc (hay còn gọi là cốc sạc) và tai nghe trong hộp đựng của iPhone 12 Series. Các dòng iPhone cũ được bán ra thị trường của công ty cũng chịu chung số phận bị cắt giảm phụ kiện.
Lý do Apple đưa ra vô cùng đơn giản: Mục tiêu là để giảm thiểu tác động môi trường. Apple cho biết, điều này có thể giảm đáng kể lượng khí thải carbon bằng cách không phải sản xuất phụ kiện ngay từ đầu, ngoài ra còn giảm kích thước hộp vận chuyển của mỗi chiếc iPhone được bán ra.
Apple cũng từng gây không ít tranh cãi khi quyết định loại bỏ củ sạc (hay còn gọi là cốc sạc) và tai nghe trong hộp đựng iPhone năm ngoái
Động thái này của Apple gây ảnh hưởng không ít đến những khách hàng chưa từng sở hữu iPhone trước đây, cũng như những người đã có iPhone nhưng hư hỏng phụ kiện trong quá trình sử dụng. Họ sẽ buộc phải mua tối thiểu một củ sạc 5W được bán với giá 19 USD (tương đương 450.000 VNĐ), hoặc cao cấp hơn là củ sạc nhanh 18W có giá 29 USD (tương đương 672.000 VNĐ).
Quyết định này của Apple nhanh chóng nhận về sự phản đối kịch liệt của người dùng, đại đa số ý kiến đều cho rằng đây chỉ là chiêu "hút máu" mới của Apple để mang lại doanh thu chứ chẳng tốt lành gì!