“The Tale of Cần Giờ” là bộ sưu tập tranh dành riêng cho Cần Giờ, được lấy ý tưởng từ hệ sinh thái động, thực vật phong phú ở rừng ngập mặn, từ cuộc sống và từ con người tại vùng đất này. Tiêu biểu phải kể đến như loài Rái cá - sinh vật xinh đẹp ưa sống biệt lập trong các vùng nước mặn gần biển, Khỉ - loài động vật đặc trưng khi nhắc đến Cần Giờ,...
Đặc biệt là những loài động vật nằm trong danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp, hoặc đang nằm trong nguy cơ tuyệt chủng như Rẽ mỏ thìa - loài chim nhỏ được sinh sản ở Đông Bắc Nga và di cư hàng vạn dặm xuống bờ biển Thái Bình Dương thông qua Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc để đến căn cứ trú đông chính của chúng ở Nam Á và Đông Nam Á, trong đó có Cần Giờ.
Ngoài ra còn vô số những động vật khác như Kỳ đà nước, Mèo Cá… Không chỉ các loài động vật, dải thực vật phong phú cũng được hoạ sĩ lấy cảm hứng và tái hiện trong bộ sưu tập này. Cùng với đó không thể thiếu hình ảnh của rừng ngập mặn: Với người dân Cần Giờ, rừng ngập mặn chính là hiện diện của sự sống linh thiêng và cũng là sinh kế cho hơn 75.000 hộ dân vùng ven biển.
Hình ảnh của chiếc “Vỏ lãi” - một loại thuyền gỗ có gắn thêm động cơ xăng nhỏ, là phương tiện di chuyển chủ yếu của các hộ dân giữ rừng cũng được hoạ sĩ “điểm tô” thành một tác phẩm nghệ thuật có hồn, trưng bày trong triển lãm đấu giá này.
Điểm nhấn của “The Tale of Cần Giờ” chính là cách thức sáng tạo, những bức tranh hoàn toàn được sản xuất bởi những "cú nhấp chuột" của họa sĩ AI. Công nghệ vẽ tranh bằng AI hay thường được gọi bằng cái tên vui nhộn là công nghệ "đuổi hình bắt chữ" - xu hướng vẽ tranh được ưa chuộng trong những năm gần đây. Để có thể ra lệnh cho AI tạo ra các bức tranh, bạn chỉ cần gõ vào ô lệnh mô tả về bức tranh mà bạn mong muốn - đó có thể là một câu, một số hình ảnh thực tế hay chỉ đơn giản là các từ khóa, sau đó AI sẽ tạo ra bức tranh.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện sẽ không hề đơn giản nếu như AI không có đủ "chất liệu". Giống như khi bạn viết, “chất liệu từ cuộc sống sẽ giúp tạo ra những bài viết hay”, AI liệu đã có đủ "chất liệu từ cuộc sống" hay chưa là một câu hỏi lớn.
Trọn bộ album BST “The Tale Of Cần Giờ” với 17 bức ảnh vẽ bởi AI.
Anh Judaz Đạt Phạm cùng những người cộng sự của mình là nhóm hoạ sĩ Châu Ngọc Hân (JiuHan), Trương Thị Thanh Thủy (TruongThuy), Trần Xuân Hải (Trần Hải) và hoạ sĩ Nguyễn Thái Anh (ThaiAnh) đã có vỏn vẹn một tháng để vừa tìm hiểu chính xác thông tin về Cần Giờ, vừa chỉ dẫn, truyền cảm hứng đến AI, vừa chỉnh sửa và thực hiện các giai đoạn hậu sáng tác để có được BST hoàn chỉnh.
“Người máy” thực hiện BST “The Tale Of Cần Giờ” đã phải tiếp nhận vô số thông tin về hệ sinh thái đa dạng tại rừng ngập mặn Cần Giờ. Đó là những loài động vật quý hiếm mà ngay cả chúng ta khi có cơ hội du lịch tại đây cũng rất khó để có cơ hội chiêm ngưỡng, những loài động vật sống ở nước mặn chỉ trông thấy về đêm hay dải thực vật đầy màu sắc, xinh đẹp nhưng dân giã, chỉ cảm nhận được khi ngắm nhìn 100% ngoài đời thật,...
Triển lãm “The Tale of Cần Giờ” là một hoạt động trong chiến dịch "Nurture The Future". Với mục tiêu trồng 10.000 cây xanh trong vòng 3 năm, Bright Việt Nam và AWS mong muốn mang thiên nhiên đến gần với con người và tìm ra lối sống bền vững, đảm bảo cho tương lai an lành, môi trường sống trong sạch. Chiến dịch này sẽ không chỉ diễn ra ở Cần Giờ mà sẽ tiếp tục mở rộng đến những vùng đất trống khác.