Công ty cho vay tiền số BlockFi vừa nộp đơn xin phá sản, qua đó trở thành nạn nhân mới nhất trong cú sụp đổ của đế chế Sam Bankman-Fried, theo CNN.
Từ đầu tháng này, BlockFi đã thông báo tạm dừng rút tiền, với lý do “có liên quan đáng kể” với sàn giao dịch tiền số FTX của Bankman-Fried cũng như “quỹ phòng hộ chị em” của nó là Alameda. Trước đó, FTX, Alameda và hàng chục chi nhánh khác đã nộp đơn xin phá sản vào ngày 11/11.
“Kể từ khi tạm dừng, chúng tôi đã cân nhắc mọi sự lựa chọn chiến lược và giải pháp thay thế có sẵn, đồng thời tập trung vào mục tiêu chính là làm những gì tốt nhất có thể cho khách hàng”, công ty cho biết trong một tuyên bố.
Ngay sau khi nộp đơn phá sản, BlockFi kiện Emergent Fidelity Technologies, công ty con của Bankman-Fried; yêu cầu công ty này giao nộp tài sản thế chấp mà BlockFi cho là nợ. Tổng khoản thế chấp này, theo Financial Times, là 7,6% cổ phần của Bankman-Fried trong ứng dụng giao dịch trực tuyến Robinhood.
BlockFi là công ty tư nhân, được thành lập vào năm 2017 bởi Zac Prince và Flori Marquez, cho khách hàng vay tiền bằng cách sử dụng tiền số làm tài sản thế chấp. Trong hồ sơ phá sản của mình, BlockFi cho biết mình đang có hơn 100.000 chủ nợ. Tiêu biểu nhất là Ankura Trust với 729 triệu USD và FTX, chủ nợ lớn thứ hai của BlockFi, với 275 triệu USD.
Theo CNN, BlockFi hiện nắm giữ khoảng 257 triệu USD tiền mặt. Ước tính tổng tài sản và nợ phải trả của công ty này rơi vào khoảng 1 tỷ đến 10 tỷ USD. Quá trình tái cơ cấu bao gồm việc sa thải nhân viên song hiện vẫn chưa rõ bao nhiêu người sẽ mất việc. Trước đó, BlockFi cho biết đã đề xuất một kế hoạch nội bộ nhằm giảm đáng kể chi phí, bao gồm cả chi phí lao động.
Công ty cho vay tiền số BlockFi vừa nộp đơn xin phá sản, qua đó trở thành nạn nhân mới nhất trong cú sụp đổ của đế chế Sam Bankman-Fried, theo CNN.
Được biết BlockFi, có trụ sở tại New Jersey, là một trong số những công ty nhận hỗ trợ tài chính từ Bankman-Fried trong mùa hè này, thời điểm thị trường tiền số liên tục lao dốc khiến tương lai những “người sừng sỏ” trong hệ sinh thái lao đao. Trước đó, công này này cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụp đổ của đồng LUNA và đối mặt với nguy cơ phá sản.
Sau cú sụp đổ của FTX, ngành công nghiệp tiền số chứng kiến một loạt hệ luỵ. Theo Monsur Hussain, Giám đốc cấp cao của Fitch Ratings, việc tái cấu trúc theo Chương 11 của BlockFi đã cho thấy những rủi ro đáng kể liên quan đến hệ sinh thái tiền số.
“Quá trình tái cấu trúc có thể kéo dài”, ông Monsur Hussain nói, đồng thời lưu ý rằng các chủ nợ liên quan đến Mt. Gox, một sàn giao dịch Bitcoin đã phá sản vào năm 2014, phải mất tới 8 năm mới được thanh toán.
Ngay sau khi FTX sụp đổ, bộ phận cho vay của công ty môi giới tiền số Genesis đã tạm dừng các khoản mua lại và vay mới, trong bối cảnh số lượng người dùng yêu cầu rút tiền “bất thường” tăng đột biến. Được biết Genesis là một trong những công ty được đánh giá cao trong ngành công nghiệp.
Chỉ riêng trong năm 2021, nó đã cho vay hơn 130 tỷ USD và xử lý gần 120 tỷ USD giao dịch. Chính vì vậy, theo Brad Harrison, người sáng lập giao thức cho vay phi tập trung Venus, sự sụp đổ của một trung gian lớn như Genesis có nguy cơ “đẩy ngành tiền số tụt hậu vài năm”.
“Trong thế giới tiền số, thời điểm bạn thấy một công ty thông báo đang tạm dừng rút tiền quả là sự đáng tiếc”, Daniel Roberts, Tổng biên tập Decrypt Media, một hãng tin về tiền số cho biết.
Một trong những đối tác của Genesis, Gemini - công ty tiền số do Tyler và Cameron Winklevoss thành lập - ngay sau đó đã cảnh báo khách hàng về rủi ro trì hoãn dịch vụ. Vào thời điểm đó, Gemini đang hợp tác với Genesis để giúp khách hàng đổi tiền và kiếm tiền lãi từ việc nắm giữ tiền số. Công ty cho biết không có sản phẩm hoặc dịch vụ nào khác của Gemini bị ảnh hưởng.
FTX bắt đầu sụp đổ vào đầu tháng 11, khi các câu hỏi xoay quanh mối quan hệ của nó với 'quỹ chị em' Alameda liên tục khiến các nhà đầu tư hoang mang.
FTX bắt đầu sụp đổ vào đầu tháng 11, khi các câu hỏi xoay quanh mối quan hệ của nó với Alameda liên tục khiến các nhà đầu tư hoang mang. Lượng rút tiền tăng vọt đẩy FTX vào cuộc khủng hoảng thanh khoản lớn chưa từng có, qua đó lộ ra những mặt tối đáng sợ về quá trình quản lý yếu kém của công ty.
Để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ cho “quỹ chị em”, FTX vay hàng tỷ đồng tiền gửi của khách hàng và âm thầm bảo lãnh cho Alameda. Điều này đã được Bankman-Fried thừa nhận điều trong cuộc phỏng vấn với tờ Times, song con số chi tiết chưa được tiết lộ.
“Về cơ bản nó lớn hơn tôi tưởng,” Bankman-Fried nói với tờ Times. “Và trên thực tế, rủi ro giá lao dốc là rất lớn”.
Theo CNBC, sử dụng trái phép tiền của khách hàng chính là vi phạm các điều khoản và điều kiện của chính FTX. Với Phố Wall, hành vi này rõ ràng đã vi phạm luật chứng khoán Mỹ.
“FTX và Alameda có một mối quan hệ cực kỳ rắc rối,” Nic Carter của Castle Island Venture chia sẻ với CNBC. “Bankman-Fried điều hành cả sàn giao dịch và công ty hỗ trợ. Điều này không chính thống và không được sự cho phép trên thị trường”.
Thông thường, các công ty tạo ra nhiều mã giao dịch tiền số để lôi kéo người dùng, trong khi giá trị thực của chúng chỉ đơn thuần là hình thức đầu cơ hy vọng giá sẽ tăng.
Điểm mấu chốt là FTX đã bòn rút tài sản của khách hàng để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay, sau đó lấp liếm bằng một mã giao dịch mới. Màn nhào nặn này cũng giống câu chuyện của công ty năng lượng Enron gần 2 thập kỷ trước: che giấu khoản lỗ bằng cách chuyển tài sản hoạt động kém hiệu quả sang các công ty con không nằm trong bảng cân đối kế toán, sau đó tạo ra các công cụ tài chính phức tạp để che đậy.
Theo: CNN, CNBC