Theo các nguồn tin thân cận, công ty mẹ ByteDance đang thể hiện quyết tâm bảo vệ ứng dụng TikTok tại thị trường Mỹ. Theo đó, thay vì bán TikTok cho một công ty Mỹ, ByteDance sẵn sàng ngừng hoạt động ứng dụng này tại Mỹ, nếu các biện pháp pháp lý để chống lại đạo luật cấm TikTok ở Mỹ không đạt được hiệu quả.
Lý do chính cho quyết định này nằm ở thuật toán cốt lõi mà TikTok sử dụng để vận hành. Thuật toán này được xem là tài sản trí tuệ quan trọng và đóng vai trò then chốt trong hoạt động kinh doanh của ByteDance. Do đó, việc bán TikTok kèm theo thuật toán được cho là viễn cảnh khó xảy ra.
Ngoài ra, so với tổng doanh thu và lượng người dùng hoạt động toàn cầu của ByteDance, TikTok chỉ chiếm một phần nhỏ. Do đó, trong trường hợp xấu nhất, ByteDance thà chấp nhận ngừng hoạt động TikTok tại Mỹ còn hơn để lộ bí quyết thuật toán cho đối thủ cạnh tranh tiềm năng.
Về mặt tác động, việc ngừng hoạt động TikTok tại Mỹ được dự đoán sẽ ảnh hưởng hạn chế đến hoạt động kinh doanh của ByteDance. Song song đó, công ty vẫn giữ được thuật toán cốt lõi của mình.
Hiện tại, ByteDance vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về thông tin này. Tuy nhiên, trước đó, công ty đã khẳng định không có kế hoạch bán TikTok trong một tuyên bố được đăng tải trên nền tảng truyền thông Toutiao. Tuyên bố này được đưa ra nhằm đáp lại bài báo của The Information cho rằng ByteDance đang cân nhắc các phương án bán hoạt động kinh doanh TikTok tại Mỹ mà không có thuật toán đề xuất video cho người dùng.
Về phía TikTok, CEO Shou Zi Chew bày tỏ hy vọng công ty sẽ chiến thắng trong vụ kiện chống lại đạo luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến đang được sử dụng bởi 170 triệu người Mỹ.
Thuật toán cốt lõi: Vũ khí quan trọng của ByteDance
Theo ba nguồn tin thân cận, thuật toán cốt lõi của TikTok được chia sẻ chung với các ứng dụng nội địa của ByteDance như Douyin. Thậm chí, thuật toán này được đánh giá cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh của ByteDance như Tencent và Xiaohongshu.
Việc tách riêng TikTok cùng với thuật toán là điều không thể xảy ra do giấy phép sở hữu trí tuệ của thuật toán được đăng ký tại Trung Quốc dưới tên ByteDance, khiến việc tách rời khỏi công ty mẹ trở nên khó khăn. Thêm vào đó, việc tách rời thuật toán khỏi các tài sản của TikTok ở Mỹ sẽ là một quy trình cực kỳ phức tạp và ByteDance không có khả năng cân nhắc lựa chọn này.
CEO Shou Zi Chew vẫn tin rằng TikTok sẽ chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý ở Mỹ.
Bốn nguồn tin khác cũng khẳng định rằng ByteDance sẽ không đồng ý bán một trong những tài sản giá trị nhất của mình cho các đối thủ cạnh tranh, ám chỉ đến thuật toán của TikTok. Ngoài thuật toán, các tài sản cốt lõi của TikTok cũng bao gồm dữ liệu người dùng và hoạt động, quản lý sản phẩm.
Hiện ByteDance được định giá 268 tỷ USD vào tháng 12 năm ngoái khi họ đề nghị mua lại khoảng 5 tỷ USD cổ phiếu từ các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư lớn đứng sau công ty này là Sequoia Capital, Susquehanna International Group, KKR & Co và General Atlantic.