Xu hướng livestream bán hàng online
Livestream bán hàng online đang bùng nổ và trở thành xu hướng không thể bỏ qua trong ngành thương mại điện tử (TMĐT). Theo dự đoán, xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2024 và thời gian tới trên nhiều nền tảng, bao gồm Facebook, TikTok, Instagram, Shopee Live, Lazada Live...
Theo Reuters, tại Mỹ, các thương nhân TikTok rao bán đồ trang sức, túi xách Louis Vuitton đã qua sử dụng và son bóng với giá chỉ 2 USD trong các buổi livestream bán hàng kéo dài hàng giờ. Buổi phát sóng của người bán có thể có hàng chục đến hàng ngàn người xem hỏi về chất liệu sản phẩm, giá cả và tình trạng (còn hàng hoặc hết).
Vi phạm bản quyền trong video livestream rất khó theo dõi. Ví dụ, công ty phần mềm Red Points đã phát hiện ít nhất 4,6 triệu trường hợp vi phạm bản quyền toàn cầu vào năm 2023, tăng so với 4 triệu trường hợp một năm trước đó.
Theo báo cáo bảo vệ thương hiệu của Amazon, công ty đã xác định và thu giữ 7 triệu sản phẩm giả từ những người bán trên sàn vào năm 2023, tăng từ 6 triệu vào năm 2022.
Cách phát hiện hàng giả trên livestream bán hàng
TikTok và Amazon đều cho biết họ có sẵn công nghệ tiên tiến để ngăn chặn người bán bán hàng giả. Cụ thể, TikTok cho biết họ sẽ giám sát video livestream bán hàng bằng cách kết hợp giữa thuật toán và con người, trong khi đó Amazon sử dụng con người là chủ yếu để giám sát hoạt động mua sắm trong livestream.
Theo công ty nghiên cứu eMarketer, người Mỹ sẽ chi 1.320 tỉ USD cho thương mại điện tử trong năm nay.
Luke DeMarte, luật sư sở hữu trí tuệ tại Michael Best and Friedrich, cho biết nhiều thương hiệu đã sử dụng phần mềm học máy để phát hiện các hành vi vi phạm trong hình ảnh, mô tả sản phẩm và quảng cáo trên nền tảng thương mại điện tử, nhưng video livestream mang lại nhiều thách thức hơn.
Tính chất trực tiếp của các giao dịch trên livestream bán hàng online khiến việc xác định và loại bỏ hàng giả trở nên khó khăn hơn, bất chấp sự phát triển của các công nghệ mới nhằm phát hiện hành vi vi phạm.
Các luật sư và công ty phần mềm cho biết trí tuệ nhân tạo (AI) và thuật toán hiện có thể phát hiện các hình ảnh tĩnh, văn bản vi phạm bản quyền và nhãn hiệu của thương hiệu. Tương tự, các nền tảng thương mại điện tử thường sử dụng AI và thuật toán để chặn các nhà cung cấp bên thứ ba đăng hàng giả.
Việc ngăn chặn hàng giả khỏi các trang thương mại điện tử là rất quan trọng đối với tương lai của các nhà bán lẻ lớn ở Mỹ. Theo người phát ngôn của TikTok Shop, TikTok có công nghệ mà họ cho rằng có thể phát hiện hành vi vi phạm tiềm ẩn trong các luồng video livestream bán hàng online. Người phát ngôn cho biết, khi nội dung bị gắn cờ là vi phạm, nội dung đó sẽ bị xóa và gửi cho người kiểm duyệt để xem xét.
Một số nhà cung cấp phần mềm bên thứ ba cho biết họ hiện đang hợp tác với TikTok Shop, thường bằng cách chia sẻ thông tin về những trường hợp nghi ngờ là hàng giả.
Các nền tảng mua sắm cũng áp dụng nhiều công nghệ để phát hiện hàng giả trong livestream. Ảnh minh họa
Amazon sử dụng máy học để quét trang web của mình để tìm hàng giả. Tuy nhiên, công ty cho biết tính năng livestream bán hàng online vẫn phải kiểm duyệt thủ công. Cụ thể, gã khổng lồ thương mại điện tử yêu cầu những người livestream chỉ hiển thị các sản phẩm có sẵn trên Amazon.
Các nhà bán lẻ khác tổ chức hoạt động livestream bán hàng online chỉ được bán sản phẩm mang thương hiệu của họ, hoặc những sản phẩm mà họ có giấy phép bán.
Nhìn chung, livestream bán hàng online đang và sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong ngành thương mại điện tử (TMĐT). Để thành công trong lĩnh vực này, các doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng, sáng tạo nội dung, cá nhân hóa trải nghiệm và chuyên nghiệp hóa quy trình livestream.